Quảng Ngãi: Những khó khăn trong công tác Tuyên truyền và trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số

22/07/2008
Quảng Ngãi là một tỉnh nghèo thuộc duyên hải miền trung, toàn tỉnh hiện có 14 huyện, thành phố trong đó có tới 7 huyện miền núi hải đảo, 43 xã thuộc chương trình 135, 65 xã nghèo, 21 xã bãi ngang, tổng cộng có 129/180 xã, thị trấn thuộc diện khó khăn.

Xuất phát từ đặc thù của vùng đồng bào dân tộc miền núi nên kể từ khi thành lập (năm 1998) đến nay, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Quảng Ngãi đã nỗ lực tham mưu kiện toàn tổ chức từ con người, cơ sở vật chất đến kinh phí, trong suốt gần 10 năm Trung tâm đã đẩy mạnh các hình thức trợ giúp pháp lý bao gồm bào chữa, đại diện, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý lưu động, đại diện hoà giải ngoài tố tụng, tham gia tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật… từng bước đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp lý của nhân dân nói chung, đồng bào dân tộc nói riêng. Từ chỗ ngày đầu mới thành lập chỉ có 02 biên chế, đến nay Trung tâm đã có 7/16 biên chế được duyệt, thành lập được 02 Chi nhánh trực thuộc; ( 01 ở huyện đồng bằng, 01 ở huyện miền núi Trà Bồng) các xã nghèo, các xã đặc biệt khó khăn đã và đang xúc tiến thành lập Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, đội ngũ cộng tác viên tăng đáng kể về số lượng, từng bước nâng cao về chất lượng nhất là ở các xã miền núi; cơ sở vật chất, phương tiện làm việc được tăng cường tuy chưa đầy đủ nhưng phần nào đã đáp ứng được một số yêu cầu. Tổng số vụ việc trợ giúp pháp lý bằng nhiều hình thức khác nhau gần 7.000 vụ việc, trong đó 70% là tư vấn pháp luật cho đồng bào miền núi, tổ chức 295 đợt trợ giúp pháp lý lưu động, trong đó 250 đợt trợ giúp pháp lý lưu động cho các xã vùng đồng bào dân tộc. Điều đó đã nói lên định hướng hoạt động của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Quảng Ngãi trong những năm qua là ưu tiên cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nơi mà Nhà nước ta đã và đang tập trung đầu tư để giúp họ tự vươn lên thoát nghèo, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, trình độ dân trí pháp lý.

Bên cạnh những kết quả, công tác Trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng ngãi vẫn còn gặp những khó khăn không nhỏ, đó là nhận thức về công tác trợ giúp pháp lý của một số cơ quan, tổ chức, công chức nhà nước ở một số nơi chưa đúng mức, chưa quán triệt đầy đủ quan điểm của Đảng và nhà nước về công tác này. Vì vậy, quá trình thực hiện các quy định pháp luật về trợ giúp pháp lý trong một thời gian dài chưa nhận được sự quan tâm, đầu tư nguồn lực cần thiết và kịp thời từ một số cơ quan, tổ chức liên quan.

Điều kiện kinh tế-xã hội còn rất nhiều khó khăn

Với đặc thù của các huyện miền núi như vậy nên việc tiến hành hoạt động Trợ giúp lưu động kết hợp tư vấn miễn phí cho đồng bào dân tộc tại các huyện miền núi gặp nhất nhiều khó khăn đòi hỏi sự nỗ lực lớn của các cán bộ Trung tâm, khó khăn lớn nhất vẫn là việc đi lại,  mỗi đợt tiến hành trợ giúp, cán bộ phải đi mất ít nhất là 2 ngày, thuê xe ô tô cố gắng lắm cũng chỉ đi tới trụ sở xã, còn lại cán bộ Trợ giúp phải  bộ tới địa điểm, có lúc đi bộ cũng không được vì trời mưa, đường bị tắc. Bên cạnh đó việc tập hợp nhân dân cũng là một trở ngại, đồng bào dân tộc thiểu số thường sinh sống rải rác trên các đồi núi cách xa nhau, ban ngày thường đều lên nương rẫy nên có khi phải chờ đến tối mới có thể tập hợp được. 

Trình độ dân trí của đồng bào chưa cao, nên việc quan tâm đến pháp luật là không nhiều, những quan hệ xã hội vẫn được đồng bào hành xử theo tập quán và luật lệ riêng mà không cần tới quy định của pháp luật như vấn đề tranh chấp đất đai trong nội bộ nhân dân đang diễn ra khá phức tạp, đặc biệt là tình trạng “ đòi đất của nhau” đã xảy ra ở nhiều huyện miền núi như Vụ ông Đinh Vôn ở thôn Hà Bôi lấy đất rẫy của ông Đinh Điết ở thôn Thiệp Xuyên ( xã Long Hiệp- huyện Minh Long) nhưng ông Điết không báo cáo chính quyền mà lại đi đòi lại đất của bà  Đinh Thị Chút ở thôn Hà Liệt. Việc tranh giành đất theo kiểu vòng tròn này do tất cả cho rằng đó là đất của ông bà mình nên có quyền lấy lại, sự thiếu hiểu biết về pháp luật đất đai và tập quán của người dân tộc khi ai tranh chấp với mình thì ngại đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết mà cứ ai giành đất của mình thì mình lại đi giành đất của người khác. Đây chỉ là một trong những vụ điển hình còn rất nhiều vụ tương tự thường xuyên xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. 

Ngoài các tranh chấp về đất đai còn có những vụ việc về hôn nhân và gia đình, nghi kỵ cầm đồ thuốc độc…, cũng thường xuyên xảy ra, nhiều vụ đã được can thiệp giải quyết kịp thời nhưng cũng có vụ đã để lại những hậu quả đau lòng, điều kiện cận pháp luật gặp nhiều hạn chế, chưa biết đến hoạt động trợ giúp pháp lý hoặc chưa hiểu đầy đủ mục đích, ý nghĩa của hoạt động này nên chưa tiếp cận để được thụ hưởng quyền được trợ giúp pháp lý của mình.

Hạn chế về cán bộ

Cán bộ hiện nay cũng là một trở ngại của công tác Trợ giúp pháp lý, 2 chi nhánh Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh Quảng Ngãi đã được thành lập nhưng để có đủ điều kiện về người Sở Tư pháp đã phải rất nỗ lực phối hợp với UBND các huyện để tìm người cho các chi nhánh này. Nếu triển khai rộng thành lập chi nhánh cho 6 huyện miền núi và 01 huyện hải đảo thì việc tìm người thật không hề đơn giản, một thực tế hiện nay là những sinh viên hoặc những người có đủ điều kiện thì lại không thiết tha gì với công tác này bởi chế độ đãi ngộ còn thấp, lại phải công tác ở những địa bàn đặc biệt khó khăn. Hoặc cộng tác viên nhận công tác nhưng không thật sự tận tâm với hoạt động trợ giúp pháp lý mà chỉ làm việc theo kiểu “ chờ thời” để chờ một nơi làm việc khác tốt hơn, do vậy họ không đầu tư nghiên cứu sâu các lĩnh vực pháp luật; kỹ năng, nghiệp vụ trợ giúp pháp lý có lúc chưa đáp ứng nhu cầu của đối tượng, trong khi đó nhu cầu trợ giúp pháp lý của đối tượng ngày càng tăng lại thuộc nhiều lĩnh vực pháp luật và tính chất ngày càng phức tạp.

 Một hạn chế nữa của cán bộ trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số là ngôn ngữ, ở tỉnh Quảng Ngãi, ngoài các dân tộc chủ yếu như Cor, Hre, Kdong, còn nhiều dân tộc khác (hơn 10 dân tộc), những năm qua Trung tâm Trợ giúp pháp lý muốn sử dụng đội ngũ Cộng tác viên là người đồng bào dân tộc nhưng người có đủ điều kiện thì rất ít, vì vậy phải sử dụng người kinh nhưng số người thông thạo tiếng và phong tục tập quán của đồng bào không nhiều, rất khó khăn trong việc tuyên truyền và tư vấn pháp luật. Bên cạnh đó đội ngũ Cộng tác viên còn hạn chế về kiến thức cũng như kỹ năng tư vấn pháp luật, đặc biệt là kỹ năng, phong tục tập quán với đặc thù của từng dân tộc, từng vùng đồng bào thiểu số.

Cần một chính sách đồng bộ hơn nữa.

Trong một thời gian dài, công tác trợ giúp pháp lý chưa được đưa vào như một bộ phận của Chương trình quốc gia giảm nghèo mà chỉ như một nhiệm vụ của riêng ngành Tư pháp nên thiếu sự lồng ghép hoạt động trợ giúp pháp lý với các Chương trình giảm nghèo, hạn chế tác động của trợ giúp pháp lý trong Chương trình giảm nghèo. Hiện nay, chính sách trợ giúp pháp lý đã được bổ sung vào các Chương trình giảm nghèo quốc gia giai đoạn 2006 - 2010 nhưng việc triển khai còn ở bước đầu, mức đầu tư còn hạn chế và chưa kịp thời. Kinh phí hoạt động, cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc cho đội ngũ cộng tác viên còn thiếu thốn, kinh phí dành cho hoạt động chuyên môn nghiệp vụ (trợ giúp lưu động, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng trợ giúp pháp lý…) còn rất hạn hẹp. Mặt khác, với đặc thù của đồng bào dân tộc thiểu số vùng núi cần thiết phải có cơ chế riêng “ mềm” hơn mới có thể thu hút người dân. Chẳng hạn, phải có sự hỗ trợ vật chất cho người dân khi họ đến “ nghe luật”, điều này sẽ kích thích được họ. Pháp luật vốn khô khan nên việc nghe luật “chay” như hiện nay không thu hút được nhân dân, người dân chỉ hào hứng với các dự án, các chương trình tuyên truyền, tập huấn có nguồn kinh phí lớn hoặc do nước ngoài tài trợ. Đặc thù của hoạt động trợ giúp cho các đối tượng theo Luật Trợ giúp pháp lý hầu hết là miễn phí, do vậy cần đầu tư đúng mức về kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện… cho công tác này. Chính vì vậy, cùng với sự ưu đãi cho đội ngũ cán bộ làm công tác Trợ giúp pháp lý ở các huyện miền núi cần tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cho đội ngũ trợ giúp viên, cộng tác viên pháp lý theo hướng chuyên môn hoá để đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội cũng như nhu cầu của các đối tượng được hưởng chính sách theo quy định của pháp luật.

 Mạnh Thắng