Sở Tư pháp Sơn La hiệu quả tích cực từ công tác kiểm tra văn bản trực tiếp tại địa bàn các huyện, thị xã

30/07/2008
Kiểm tra văn bản trực tiếp tại địa bàn các huyện, thị xã trong toàn tỉnh để nắm bắt và cùng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của cơ sở trong công tác xây dựng, ban hành kiểm tra, rà soát và xử lý văn bản. Qua các đợt kiểm tra trực tiếp tại địa bàn các huyện, thị của tỉnh trong thời gian qua, công tác xây dựng, ban hành, kiểm tra, rà soát và xử lý văn bản của cấp huyện đã có những thay đổi tích cực. Văn bản được ban hành ngày một hoàn thiện hơn và dần đi vào nề nếp, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền cơ sở, nâng cao đời sống, nhận thức của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường đảm bảo an ninh - quốc phòng và đảm bảo nhiệm vụ chính trị địa phương.

Nhằm kiểm tra, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của các huyện, thị xã trong toàn tỉnh, từ đó nâng cao chất lượng công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra và rà soát văn bản trên địa bàn tỉnh Sơn La nói chung; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, nâng cao đời sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh. Kể từ năm 2007, Sở Tư pháp tỉnh Sơn La đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch kiểm tra, tự kiểm tra và rà soát văn bản QPPL cho từng năm. Cụ thể, trong 2007, Sở Tư pháp đã tiến hành kiểm tra theo thẩm quyền được 05/11 huyện (Mộc Châu; Quỳnh Nhai; Mường La; Thuận Châu và Thị xã Sơn La).

Tiếp tục thực hiện công tác kiểm tra theo địa bàn, trong 06 tháng đầu năm 2008 Sở Tư pháp Sơn La thành lập 02 đoàn kiểm tra văn bản (gồm: Lãnh đạo Sở, chuyên viên kiểm tra văn bản của Sở Tư pháp và các cộng tác viên kiểm tra văn bản của tỉnh) tiếp tục thực hiện công tác kiểm tra văn bản tại địa bàn 02 huyện: Bắc Yên và huyện Mai Sơn. Trong hai tuần trực tiếp làm việc tại Bắc Yên và Mai Sơn, đoàn kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Sở Tư pháp đã tiến hành lựa chọn, phân loại trong số hàng ngàn văn bản do huyện ban hành và đã tiền hành kiểm tra đối với 597 văn bản. Trong đó, huyện Mai Sơn 245 văn bản ( Nghị quyết của HĐND: 102 văn bản; Quyết định của UBND: 126 văn bản; Chỉ thị của UBND: 17 văn bản); huyện Bắc Yên 352 văn bản (Nghị quyết của HĐND: 96 văn bản; Quyết định của UBND:     197 văn bản; Chỉ thị của UBND: 59 văn bản). Qua kiểm tra đã phát hiện 30 văn bản do UBND, 03 văn bản do HĐND huyện Mai Sơn và huyện Bắc Yên ban hành không phù hợp hoặc không còn phù hợp về nội dung và thẩm quyền ban hành văn bản; các văn bản còn lại đã đáp ứng tương đối đầy đủ các yêu cầu theo quy định của pháp luật hiện hành.

Thông qua công tác kiểm tra văn bản trực tiếp tại địa bàn các huyện, thị xã trong toàn tỉnh để nắm bắt và cùng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của cơ sở trong công tác xây dựng, ban hành kiểm tra, rà soát và xử lý văn bản. Từng bước nâng cao chất lượng văn bản do địa phương ban hành. Qua đây nhận thấy, nhằm đảm bảo thực hiện các chỉ thị, nghị quyết và đường lối chính sách của Đảng, các văn bản QPPL của cơ quan nhà nước cấp trên, HĐND, UBND các huyện, thị xã đã chủ động thực hiện kịp thời ban hành văn bản của cấp mình để áp dụng phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của địa phương. Qua đó tăng cường hoạt động quản lý nhà nước và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng và củng cố hệ thống chính quyền cơ sở trên địa bàn huyện, thị. Nhìn chung, các văn bản do HĐND và UBND cấp huyện ban hành đã từng bước đảm bảo và tuân thủ tương đối đầy đủ các quy định của pháp luật hiện hành. Công tác chỉ đạo tự kiểm tra và bãi bỏ các văn bản không còn phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành cũng đã quan tâm, thực hiện. Đã tiếp thu ý kiến kiểm tra của Sở Tư pháp và tiến hành sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ những văn bản có dấu hiệu trái pháp luật. Tuy vậy, so với các yêu cầu cụ thể của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND năm 2004, Nghị định số 135/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản QPPL và các văn bản hướng dẫn thi hành của cơ quan nhà nước cấp trên, công tác văn bản của HĐND và UBND cấp huyện còn một số tồn tại nhất định như:

Công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra và xử lý văn bản QPPL còn những hạn chế nhất định. Sự phối hợp giữa cơ quan chuyên môn của UBND được giao nhiệm vụ xây dựng, thẩm định văn bản với các cơ quan có liên quan chưa chặt chẽ và chưa thực hiện đúng quy trình theo quy định của pháp luật, dẫn đến chất lượng tham mưu, đề xuất của các cơ quan này chưa cao theo yêu cầu của hoạt động quản lý ngành, quản lý lĩnh vực tại địa phương.

Công tác tự kiểm tra, rà soát, các văn bản đã được HĐND, UBND huyện ban hành (đang thực hiện; không còn thực hiện; đã được bãi bỏ) chưa được thực hiện dẫn đến việc văn bản mới ban hành chồng chéo, nội dung mâu thuẫn với văn bản cũ làm ảnh hưởng nhất định tới hiệu quả, hiệu lực quản lý, điều hành.

Việc lấy ý kiến và tổng hợp ý kiến của các ngành, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chưa được cơ quan chủ trì soạn thảo thực hiện đầy đủ, thường xuyên. Đặc biệt trong việc gửi văn bản thẩm định và tiếp thu ý kiến thẩm định của cơ quan chuyên môn (Phòng Tư pháp) về tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất trong hệ thống văn bản đã ban hành chưa được thường xuyên thực hiện dẫn đến chất lượng của văn bản được ban hành chưa cao, còn nhiều sai sót (về thẩm quyền ban hành, căn cứ pháp lý, thể thức kỹ thuật trình bày khi ban hành văn bản).

Đ khắc phục những tồn tại đã nêu, đảm bảo thực hiện tốt Luật ban hành văn bản QPPL của HĐND và UBND năm 2004, Nghị định số 135/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản QPPL, Chỉ thị 04/2007/CT-UBND ngày 18/01/2007 của UBND tỉnh Sơn La về việc tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác soạn thảo, ban hành, kiểm tra, xử lý và rà soát văn bản QPPL. Từng bước đưa công tác ban hành văn bản đạt chất lượng và hiệu quả cao, khắc phục tình trạng chồng chéo, thiếu tính khả thi, trái pháp luật của văn bản. Từ đó nâng cao vai trò quản lý nhà nước, phát huy hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ chính trị ở địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống của nhân dân. Qua từng đợt kiểm tra tại địa bàn, Sở Tư pháp Sơn La đã đề nghị HĐND, UBND cấp huyện bãi bỏ những văn bản ban hành văn bản có dấu hiệu trái pháp luật về thẩm quyền ban hành và nội dung của văn bản; quán triệt và tuân thủ đẩy đủ các yêu cầu của pháp luật về thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản; Tiền hành định kỳ tổng hợp công tác soạn thảo, ban hành và kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật theo mẫu và đảm bảo đúng thời gian gửi báo cáo quy định tại Chỉ thị số 32/2005/CT-TTg ngày 10/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ để nắm bắt được tình hình ban hành, xử lý văn bản của địa phương mình để rút kinh nghiệm chung trong quá trình soạn thảo và ban hành văn bản ở các cấp, các ngành do huyện quản lý.

Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan: soạn thảo văn bản, thẩm định và kiểm tra văn bản. Đặc biệt chỉ đạo cơ quan được giao nhiệm vụ soạn thảo các văn bản QPPL trước khi trình UBND huyện phải có ý kiến thẩm định của Phòng Tư pháp theo quy định của pháp luật.

Thường xuyên tổ chức tập huấn cho các cơ quan chuyên môn và các xã, thị trấn về xây dựng, thẩm định, kiểm tra và rà soát văn bản. Hàng năm xây dựng kế hoạch chỉ đạo tự kiểm tra, rà soát thường xuyên các văn bản đã ban hành; tổ chức kiểm tra văn bản QPPL theo thẩm quyền đối với các xã, thị trấn.

Quan tâm, củng cố và bố trí đủ đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp; Thực hiện bố trí kinh phí xây dựng thẩm định và kiểm tra văn bản theo Thông tư số 158/2007/TTLT-BTC-BTP và Thông tư liên tịch số 09/2007/TTLT-BTP-BTC do Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính ban hành ngày 15/11/2007 về việc hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân.

Như vậy, qua các đợt kiểm tra trực tiếp tại địa bàn các huyện, thị của tỉnh trong thời gian qua, công tác xây dựng, ban hành, kiểm tra, rà soát và xử lý văn bản của cấp huyện đã có những thay đổi tích cực. Văn bản được ban hành ngày một hoàn thiện hơn và dần đi vào nề nếp, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền cơ sở, nâng cao đời sống, nhận thức của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường đảm bảo an ninh - quốc phòng và đảm bảo nhiệm vụ chính trị địa phương. Đặc biệt là vai trò và tầm quan trọng của công tác văn bản ngày càng được khẳng định từ cấp tỉnh xuống cơ sở trong bối cảnh hội nhập và thực hiện các cam kết của Việt Nam khi gia nhập tổ chức thương mai thế giới WTO.

Đỗ Ngọc Minh -Phòng Kiểm tra văn bản - Sở Tư pháp Sơn La