Quảng Ngãi: Thực trạng công tác pháp chế và những kiến nghị

18/07/2008
Pháp chế xã hội chủ nghĩa là một chế độ đặc biệt của đời sống chính trị - xã hội, trong đó tất cả các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, nhân viên nhà nước, nhân viên các tổ chức xã hội và mọi công dân đều phải tôn trọng và thực hiện pháp luật một cách nghiêm chỉnh, triệt để và chính xác.

Trong giai đoạn hiện nay vấn đề củng cố và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa ở nước ta càng có ý nghĩa rất quan trọng và đang là vấn đề cấp thiết để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động. Để củng cố và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa phải áp dụng nhiều biện pháp đồng bộ trong đó có các biện pháp cơ bản đó là: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác pháp chế; đẩy mạnh công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa (tổ chức thực hiện công tác xây dựng pháp luật, thẩm định, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra việc thực hiện pháp luật và thực hiện những công tác khác được giao); tăng cường công tác tổ chức thực hiện và áp dụng pháp luật; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật.

Ở nước ta vào năm 1985, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 178/HĐBT quy định về tổ chức pháp chế ở các ngành, các đơn vị sản xuất, kinh doanh thuộc khu vực Nhà nước và đến năm 1997, Chính phủ ban hành Nghị định số 94/CP quy định về tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Theo Nghị định số 94 của Chính phủ thì tổ chức pháp chế chỉ được tổ chức ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ để giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện việc quản lý Nhà nước bằng pháp luật trong ngành, lĩnh vực được giao; tổ chức thực hiện công tác xây dựng pháp luật, thẩm định, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật mà hoạt động pháp chế không còn được điều chỉnh đối với các Sở chuyên môn, Liên hiệp các xí nghiệp, Tổng công ty, Công ty, các xí nghiệp và xí nghiệp liên hợp nữa. Điều này đã không thúc đẩy hoạt động pháp chế tại các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp ở địa phương. Trải qua quá trình thực hiện và yêu cầu thực tiễn của đời sống xã hội với yêu cầu thực tế của công tác pháp chế, năm 2004 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 122 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và doanh nghiệp nhà nước. Hoạt động pháp chế đến giai đoạn này đã điều chỉnh một cách đầy đủ đối với các cơ quan và doanh nghiệp nhà nước trên phạm vi cả nước.

 Thực hiện Nghị định số 122 năm 2004 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và doanh nghiệp nhà nước; Thông tư liên tịch số 01 năm 2005 của Bộ Tư pháp - Bộ Nội vụ hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 122 của Chính phủ và Thông tư số 07 năm 2005 của Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 122 của Chính phủ, năm 2006 Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi đã tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi ban hành Chỉ thị số 22 về xây dựng, kiện toàn tổ chức pháp chế tại các Sở, ban, ngành và doanh nghiệp nhà nước của tỉnh Quảng Ngãi. Theo đó quy định rất rõ về củng cố, kiện toàn tổ chức pháp chế đối với các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh và các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh; điều kiện tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ của công chức làm công tác pháp chế; thời gian và trách nhiệm thi hành.  Đây là hành lang, cơ sở pháp lý trong việc quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực pháp chế.

Thực hiện các văn bản của Trung ương và của tỉnh về công tác pháp chế, trong những năm qua công tác pháp chế của tỉnh Quảng Ngãi đã đạt được những kết quả nhất định. Cán bộ làm công tác pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã thực hiện việc tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý chuyên ngành của cơ quan, đơn vị. Ngoài ra, cũng đã thực hiện được một số công việc như: xây dựng, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân 2004; Nghị định số 135 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật theo chỉ đạo của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế của tỉnh cũng đã tham gia vào việc thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; giám sát, tiếp nhận và giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân. Điều này đã góp phần nâng cao chất lượng của các văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh và nhận thức pháp luật của người dân trên địa bàn tỉnh ngày càng nâng cao.

Mặc dù đã có Chỉ thị của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi quy định về xây dựng, kiện toàn tổ chức pháp chế tại các Sở, ban ngành và doanh nghiệp nhà nước của tỉnh Quảng Ngãi nhưng thực tế do tình hình chung về chỉ tiêu biên chế và điều kiện hoạt động trong lĩnh vực ngành nên nhìn chung tại các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi vẫn chưa thành lập tổ chức pháp chế và chưa bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác pháp chế tại cơ quan mà chỉ mới thực hiện việc phân công cán bộ của cơ quan kiêm nhiệm làm công tác pháp chế trong lĩnh vực, ngành quản lý. Số cán bộ làm công tác pháp chế tại các Sở, Ban, ngành và doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi hiện nay chỉ có 14 cán bộ. Mặc dù có bố trí cán bộ nhưng Lãnh đạo các Sở, Ngành lại không giao nhiệm vụ thường xuyên cho cán bộ, công chức làm công tác pháp chế theo Nghị định số 122 năm 2004 của Chính phủ và Chỉ thị của Uỷ ban nhân dân tỉnh. Đồng thời, tại một số cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi cho đến nay vẫn chưa thực hiện việc phân công cán bộ kiêm nhiệm làm công tác pháp chế tại cơ quan, đơn vị. Vì những lý do trên mà hoạt động của công tác pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi còn mang tính hình thức, chưa phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn trong công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát và hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật, tuyên truyền phổ biến và kiểm tra việc thực thi các văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh theo yêu cầu nhiệm vụ của Nghị định số 122 năm 2004 của Chính phủ.

 Về tổ chức và hoạt động pháp chế tại các doanh nghiệp nhà nước thuộc quyền quản lý của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, cho đến nay vẫn chưa thành lập tổ chức pháp chế của doanh nghiệp nhà nước. Việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của tổ chức pháp chế của đơn vị theo Điều 6 Nghị định số 122 năm 2004 của Chính phủ thì do giám đốc giao cho các phòng, ban chuyên môn của các doanh nghiệp nhà nước đảm trách. Tuỳ theo lĩnh vực chuyên môn các phòng, ban có trách nhiệm tham mưu cho Giám đốc doanh nghiệp quyết định thực hiện công việc được giao và chịu trách nhiệm trước Giám đốc doanh nghiệp về nội dung tham mưu của mình. Chính vì vậy mà các doanh nghiệp nhà nước thuộc quyền quản lý của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi không có cán bộ chuyên trách làm công tác pháp chế, khi cần thiết thì tiến hành thuê luật sư tư vấn pháp lý để giải quyết công việc.

Nghị định 122 năm 2004 của Chính phủ ra đời và các Thông tư của các Bộ, ngành hướng dẫn đã góp phần củng cố tổ chức và hoạt động pháp chế tại các cơ quan và doanh nghiệp nhà nước trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, tổ chức và hoạt động pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho đến nay vẫn chưa đạt hiệu quả, chưa thực hiện hết được các yêu cầu, nhiệm vụ mà Nghị định số 122 của Chính phủ đề ra, nguyên nhân là do lãnh đạo các cấp, các ngành, đơn vị chưa thực sự quan tâm đến công tác này; chưa có mô hình tổ chức và hoạt động pháp chế của các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; biên chế cho cán bộ làm công tác pháp chế tại các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước chưa được quy định cụ thể, rõ ràng; việc tổ chức đào tạo năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế tại các cơ quan, doanh nghiệp nàh nước chưa được quan tâm, chú trọng và những chính sách đãi ngộ cho cán bộ làm công tác pháp chế cũng chưa được quy định. Đây là những nguyên nhân dẫn đến việc không phát huy được vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế tại các cơ quan và doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua đối với hoạt động xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật, tuyên truyền phổ biến và kiểm tra việc thực thi các văn bản quy phạm pháp luật để tiến tới xây dựng nhà nước pháp quyền do nhân dân làm chủ.      

Để tổ chức và hoạt động pháp chế của các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân các cấp trong cả nước nói chung, tỉnh Quảng Ngãi nói riêng và các doanh nghiệp nhà nước thuộc quyền quản lý của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi được tăng cường trong thời gian đến; đề nghị Bộ Tư pháp cần phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành Thông tư để hướng dẫn việc xây dựng mô hình tổ chức pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho phù hợp; quy định về biên chế của Tổ chức pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để có cơ sở pháp lý bố trí cán bộ làm công tác pháp chế; cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về công tác pháp chế cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác pháp chế của các Sở, ban ngành và các doanh nghiệp nhà nước thuộc quyền quản lý của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ đối với đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác pháp chế; Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Tài chính cần có quy định chế độ chính sách thoả đáng cho đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế để động viên, khuyến khích việc thực hiện công tác này đạt kết quả, góp phần quản lý nhà nước bằng pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền và đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế trong thời kỳ mới./.

Hữu Duy