Sở Tư pháp Lạng Sơn sau hơn 2 năm thực hiện đề án IV chương trình 212

21/07/2008

Thực hiện Quyết định số 212/2004/QĐ-TTg ngày 16/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 đến năm 2010 (gọi tắt là CT 212), Sở Tư pháp đã chủ động tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn ban hành Kế hoạch số 19/KH-UBND ngày 17/04/2006 triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 đến năm 2010, thành lập Ban chỉ đạo Chương trình 212 của tỉnh; ban hành Kế hoạch số 853/KH-STP về phối hợp thực hiện Đề án “phát huy vai trò của cơ quan tư pháp và cán bộ Tư pháp trong phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn” giai đoạn 2006 – 2010 (Đề án IV) và Quyết định số 174/QĐ-STP ngày 28/11/2006 thành lập Ban chủ nhiệm đề án IV để giúp Lãnh đạo sở triển khai thực hiện đề án.

Sau hơn hai năm thực hiện Đề án, kết quả đạt được như sau:

Sở Tư pháp đã tiến hành khảo sát thực trạng về số lượng, năng lực và trình độ của đội ngũ Cán bộ Tư pháp và Ban Tư pháp cấp xã của 226/226 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh thông qua 02 mẫu phiếu khảo sát với mỗi phiếu trên 30 câu hỏi.  Qua khảo sát đã có báo cáo tổng thuật  gửi Bộ Tư pháp và UBND tỉnh để phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng.

Trong năm 2007, Sở Tư pháp đã phối hợp với Uỷ ban nhân dân huyện Hữu Lũng, Đình Lập triển khai thực hiện điểm Đề án IV tại xã Yên Vượng, Yên Bình của huyện Hữu Lũng và xã Bính Xá, thị trấn Nông Trường huyện Đình Lập.  Qua đánh giá rút kinh nghiệm năm 2008 Sở tiếp tục phối hợp với 07 huyện thực hiện điểm Đề án tại 14 xã với hình thức mở hội nghị tập huấn nghiệp vụ PBGDPL, hoà giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và cung cấp tài liệu cho lực lượng tuyên truyền viên pháp luật cấp xã, hoà giải viên cơ sở và các cộng tác viên tuyên truyền pháp luật tại thôn, bản, khối phố. Dự kiến giai đoạn II, Sở Tư pháp sẽ chỉ đạo nhân rộng mô hình thực hiện Đề án trên địa bàn toàn tỉnh.

Công tác củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ hoà giải ở cơ sở

Nhằm củng cố và nâng cao năng lực,  hiệu quả hoạt động hoà giải ở cơ sở, từ đó phát huy vai trò của công tác này đối với hoạt động PBGDPL. Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 12/2007/CT-UBND ngày 17/8/2007 về tăng cường công tác hoà giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh.

Tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 600/QĐ-UBND ngày 08/5/2006 quy định cụ thể một số mức chi kinh phí cho công tác PBGDPL, theo đó quy định mức chi thù lao cho tổ hoà giải ở cơ sở như sau:

Hoà giải thành vụ việc có tính chất phức tạp:  80.000,đ/vụ/tổ;

Hoà giải thành vụ việc có tính chất đơn giản:   60.000,đ/vụ/tổ;

Hoà giải không thành nhưng đã tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về hoà giải và hướng dẫn các bên tranh chấp đến cơ quan có thẩm quyền để được giải quyết: 50.000,đ/vụ/tổ

Trên cơ sở Quyết định số 600/QĐ-UBND ngày 08/5/2006 của Chủ tịch UBND tỉnh, Sở Tư pháp đã phối hợp với Sở Tài chính ban hành Công văn liên ngành số 432/LN-STC-STP ngày 02/ 4/2007 hướng dẫn công tác lập dự toán và thanh toán thù lao cho Tổ hoà giải ở cơ sở. Đến nay, 8/11 huyện, thành phố đã tiến hành chi trả tiền thù lao cho các tổ hoà giải (huyện Văn Lãng, Tràng Định, Bắc Sơn chưa bố trí được kinh phí)

 

 

Thông qua hình thức biên soạn, phát hành tài liệu phục vụ nâng cao năng lực PBGDPL của cán bộ và cơ quan tư pháp và nâng cao hiểu biết pháp luật của cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn

Từ năm 2006 – 2008 Sở Tư pháp đã tập hợp in 600 cuốn tập hợp VBQPPL do Hội đồng nhân dân và UBND tỉnh ban hành năm 2006 cấp phát cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, UBND xã phường, thị trấn làm tài liệu nghiên cứu áp dụng; biên soạn nội dung, thu và sao 658 đĩa CD tuyên truyền pháp luật về bầu cử Quốc hội, Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Nghị định về chứng thực, Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn... 119 Băng Cassette tuyên truyền phòng chống tội phạm, phòng chống mại dâm gửi Đài truyền thanh, truyền hình huyện, các xã, phường, thị trấn để làm tài liệu tuyên truyền; biên soạn và phát hành hơn 78.000 tờ gấp pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Phòng chống tham nhũng, Nghị định 79/2007/NĐ-CP của Chính phủ... sao gửi 1.880 bộ đề cương tuyên truyền hơn; 100 cuốn sổ tay pháp luật cho đội ngũ Báo cáo viên pháp luật, cán bộ Tư pháp các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn để làm tài liệu tuyên truyền. 6.060 cuốn sách hướng dẫn nghiệp vụ công tác hoà giải gửi tới 100% Tổ hoà giải trên địa bàn toàn tỉnh.

Chỉ đạo trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh trực thuộc Sở Tư pháp đã in, phát hành 400 tờ thông tin Trợ giúp pháp lý để cấp phát và niêm yết tại tất cả các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn của tỉnh, 60.000 tờ gấp tuyên truyền một số nội dung của Bộ Luật Dân sự năm 2005 và Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 bằng tiếng dân tộc Tày – Nùng; biên soạn thu và sao 750 đĩa CD tuyên truyền Luật hôn nhân và gia đình, Luật bảo vệ và phát triển rừng bằng tiếng dân tộc Dao; Biên tập và in phát hành 500 cuốn sách tổng hợp 83 vụ án buôn bán phụ nữ và trẻ em đã được Toà án nhân dân tỉnh Lạng Sơn xét xử từ năm 2000 đến năm 2007 làm tài liệu tuyên truyền phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em.

Tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ PBGDPL và bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho cán bộ làm công tác PBGDPL

Tổ chức được 05 hội nghị ở cấp tỉnh tập huấn nghiệp vụ PBGDPL, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho 600 lượt đại biểu là Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, cán bộ pháp chế tại các doanh nghiệp trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, cán bộ Tư pháp các huyện, thành phố.

Tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ PBGDPL và bồi dưỡng kiến thức pháp luật ở cấp tỉnh cho 226/226 cán bộ Tư pháp cấp xã và 11 cán bộ làm công tác PBGDPL của Phòng Tư pháp cấp huyện.

Thông qua công tác Trợ giúp pháp lý cho đối tượng được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật

Trong 2 năm 2006 – 2007 và 6 tháng đầu năm 2008 Trung tâm Trợ giúp pháp lý của Nhà nước tỉnh trực thuộc Sở Tư pháp đã tiếp nhận và trợ giúp miễn phí tại văn phòng được 1.141 việc, tổ chức được 53 chuyến trợ giúp lưu động tại xã trợ giúp cho gần 2000 đối tượng, mời Luật sư đại diện, bào chữa cho 42 đối tượng, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết cho 10 đối tượng.

Thông qua hiệu quả hoạt động của Tủ sách pháp luật cấp xã

Thực hiện Quyết định số 1067/QĐ-TTg ngày 25/ 11 /1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Dự án xây dựng và quản lý tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn, hiện nay 226/226 xã, phường, thị trấn đã có tủ sách pháp luật cấp xã.

 Để phát huy hiệu quả hoạt động của Tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn, hàng năm Sở Tư pháp đều tham mưu cho Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL tỉnh mua trang bị sách pháp luật cho Tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn, cụ thể: năm 2006, Sở Tư pháp giúp Hội đồng PHCTPBGDPL tỉnh mua 3.164 cuốn sách pháp luật trị giá hơn 50 triệu đồng, năm 2007 mua tổng số 5.198 cuốn với tổng số tiền trang bị là 67.000.000đ để trang bị bổ sung cho Tủ sách pháp luật của 226 xã, phường, thị trấn. Trong năm 2008 Sở đã có kế hoạch trang bị sách pháp luật cho tủ sách pháp luật các xã, phường, thị trấn với tổng số tiền là trên 40 triệu đồng.

Thông qua hoạt động của các Câu lạc bộ pháp luật

Nhận thức rõ hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ pháp luật, hàng năm Sở Tư pháp đều có văn bản hướng dẫn Phòng Tư pháp các huyện, thành phố chỉ đạo hoạt động của các Câu lạc bộ pháp luật do Sở chỉ đạo thành lập như: 04 Câu lạc bộ “tuổi trẻ phòng chống tội phạm”, 01 câu lạc bộ “nông dân với pháp luật”, 12 câu lạc bộ“trợ giúp pháp lý”.... hiện nay Sở Tư pháp đang chỉ đạo thành lập thêm 02 câu lạc bộ pháp luật tại huyện Văn Quan và Đình Lập, 44 câu lạc bộ “trợ giúp pháp lý” tại các xã nghèo và 74 câu lạc bộ “trợ giúp pháp lý” tại các xã theo chương trình 135 giai đoạn II.

Thông qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật

Trong 02 năm 2006-2007 Hội đồng PHCTPBGDPL tỉnh phát động Cuộc thi viết “Tìm hiểu Bộ luật Dân sự năm 2005”, Cuộc thi “tìm hiểu Luật Bảo hiểm xã hội” do Sở Tư pháp thường trực Ban tổ chức đã thu hút được 90.209 bài dự thi (chiếm hơn 10% dân số của tỉnh).

Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao ý thức pháp luật cho nhân dân.

Sở Tư pháp phối hợp Đài Phát thanh- truyền hình tỉnh thông qua chuyên mục “trả lời bạn nghe đài” và “trả lời bạn xem truyền hình” trong hai năm 2006-2007 và 6 tháng đầu năm 2008 đã tiếp nhận, hướng dẫn và giải đáp trên sóng phát thanh-truyền hình 777 đơn, thư của khán giả nghe đài và xem truyền hình có nội dung yêu cầu giải đáp, hướng dẫn pháp luật, thông qua chuyên mục này còn lồng ghép tuyên truyền trên sóng được 163 cuộc về nhiều lĩnh vực pháp luật,

Sở Tư pháp đã xây dựng và đưa vào hoạt động từ tháng 4/2007 Website phục vụ công tác cho PBGDPL (http://www.sotuphap-langson.gov.vn) qua hơn 01 năm hoạt động đã đăng tải hàng trăm tin bài về pháp luật; cập nhật hơn 500 văn bản QPPL của HĐND và UBND tỉnh ban hành từ năm 2000 đến nay phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật của cán bộ nhân dân.

Ngoài ra, Sở Tư pháp có kế hoạch trong quý III năm 2008 sẽ phối hợp với Toà án nhân dân tỉnh tổ chức một số phiên toà xét xử lưu động tại các địa bàn điểm nóng về tội phạm, qua đó giáo dục ý thức tự giác chấp hành pháp luật của nhân dân ở cơ sở.

Việc đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất thực hiện đề án

Từ khi có Quyết định 212/2004/QĐ-TTg ngày 16/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình hành động quốc gia PBGDPL và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 đến năm 2010 và Kế hoạch số 19/KH- UBND ngày 17/4/2006 của UBND tỉnh, công tác PBGDPL trên địa bàn đã được chú trọng đầu tư kinh phí và cơ sở vật chất như: UBND tỉnh đã quan tâm bằng việc dành nguồn kinh phí nhất định cho việc thực hiện 4 Đề án trong chương trình 212. Năm 2007, 2008 ngoài kinh phí chung dành cho công tác PBGDPL (260 triệu/ năm), Sở Tư pháp còn được cấp kinh phí triển khai thực hiện đề án IV - Chương trình 212 là 300 triệu đồng.

Nhìn chung, sau hơn hai năm triển khai thực hiện Đề án IV- chương trình 212 được sự quan tâm, lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền đại phương, sự chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể, kịp thời của Bộ Tư pháp, Đề án đã được triển khai kịp thời, đúng tiến độ, có sự phối hợp giữa các cấp, ngành, đoàn thể nhân dân, đã tạo sự chuyển biến nhất định trong việc phát huy vai trò của cơ quan tư pháp và cán bộ tư pháp trong công tác PBGDPL, hiểu biết và ý thức tự giác chấp hành pháp luật ngày càng được nâng lên, góp phần hạn chế các vi phạm pháp luật, thực hiện nếp sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật. 

Hùng Trường