Thái Bình: Kết quả công tác trợ giúp pháp lý 6 tháng đầu năm 2008

21/07/2008
Sáu tháng đầu năm 2008, theo sự chỉ đạo của Bộ Tư pháp về việc thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác Trợ giúp pháp lý (TGPL) năm 2008 và Chương trình công tác của Sở Tư pháp, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Thái Bình đã tổ chức triển khai toàn diện các mặt hoạt động và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.

Thứ nhất về công tác tổ chức và triển khai thực hiện: Ngay từ đầu năm Trung tâm TGPL tỉnh đã tổ chức hội nghị triển khai công tác TGPL tới toàn thể chuyên viên, cộng tác viên, phòng Tư pháp cấp huyện, Câu lạc bộ TGPL cấp xã và một số ngành có liên quan đến công tác Trợ giúp pháp lý, trên cơ sở đó các cơ  quan chủ động xây dựng kế hoạch Trợ giúp pháp lý của cơ quan, đơn vị và ngành mình phù hợp với tình hình thực tế trong năm 2008.

Hoàn thiện Đề án tổ chức của Trung tâm và các Chi nhánh cấp huyện trình UBND tỉnh phê duyệt. Nếu được phê duyệt, theo Đề án này bộ máy của Trung tâm sẽ bao gồm 2 phòng chức năng và 2 chi nhánh cấp huyện.

Thành lập mới 02 Câu lạc bộ pháp lý tại xã Đông Trung huyện Tiền Hải và xã An Ninh huyện Quỳnh Phụ. Như vậy tính 4/2008, toàn tỉnh có 12 Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý. Mỗi Câu lạc bộ pháp lý có từ 5-10 thành viên. Thành phần Ban chủ nhiệm gồm: Phó chủ tịch, cán bộ Tư pháp, trưởng một số tổ chức đoàn thể hoặc trưởng thôn, bí thư chi bộ. Số lượt người tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ: 3445 người. Trong đó, thành phần tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ: Ban chủ nghiệm, các thành viên Câu lạc bộ, người nghèo, người có công với cách mạng và một số đối tượng khác. Tỷ lệ người thuộc diện Trợ giúp pháp lý tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ: khoảng 30%. Trong các buổi sinh hoạt Câu lạc bộ thường tập trung tuyên truyền pháp luật Đất đai, Hôn nhân gia đình, Dân sự, Luật Giao thông, Luật Bình đẳng giới, Luật Cư trú, Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở, một số văn bản về chế độ bảo trợ xã hội hoặc chế độ đối với người có công với cách mạng.

Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý bước đầu hoạt động có nề nếp được chính quyền và nhân dân các xã đồng tình ủng hộ và đạt được kết quả nhất định. Tuy nhiên hoạt động của các Câu lạc bộ chưa được đồng đều, một số Câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt chưa thường xuyên, kết quả chưa cao.

Tổ chức thành công hội nghị triển khai Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 28/12/2007 hướng dẫn áp dụng một số quy định về TGPL trong hoạt động tố tụng cho hơn 100 đại biểu la lãnh đạo UBND tỉnh, Văn phòng Nội chính Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, các cơ quan Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, công an cấp tỉnh và huyện, sở Tài chính, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Đoàn luật sư, Hội luật gia.

Phối hợp với Văn phòng Sở tổ chức 01 hội nghị tập huấn cho chuyên viên, cộng tác viên giới thiệu: Nghị định 07 hướng dẫn thi hành một số điều của luật Trợ giúp pháp lý, Quy chế cộng tác viên, một số biểu mẫu, giấy tờ trong hoạt động Trợ giúp pháp lý; Giới thiệu các văn bản mới về chế độ đối với người có công với cách mạng, một số nội dung cơ bản của Luật Bảo hiểm xã hội và một số kỹ năng nghiệp vụ, trình tự, thủ tục lập hồ sơ vụ việc Trợ giúp pháp lý.

Phối hợp với Sở Lao động - TB&XH tỉnh xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí trình UBND tỉnh phê duyệt thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006- 2010 và tổ chức thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2008.

          Thứ hai là làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật: Trung tâm đã biên soạn và in 6000 tờ gấp bạn cần biết về Trợ giúp pháp lý nhằm giới thiệu mục đích, ý nghĩa, đối tượng, phạm vi, trình tự thủ tục Trợ giúp pháp lý miễn phí cho hàng nghìn đối tượng là người nghèo, người có công với cách mạng, người tàn tật, người già cô đơn, một số cán bộ và nhân dân trong tỉnh.

Thông qua hệ thống phương tiện thông tin đại chúng như Báo Thái Bình, Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh: Đài phát thanh truyền hình của tỉnh 8 lần phát sóng đưa tin về hoạt động Trợ giúp pháp lý, Đài phát thanh các huyện 5 lần đưa tin, Đài truyền thanh của xã 26  lần đưa tin về hoạt động Trợ giúp pháp lý nhằm giới thiệu hoạt động Trợ giúp pháp lý miễn phí, đưa tin lễ ra mắt câu lạc bộ, sinh hoạt Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý, đưa tin các hội nghị tập huấn, triển khai hoạt động Trợ giúp pháp lý.

Thông qua tổ chức các hội nghị tại cơ sở Trung tâm TGPL tỉnh đã trực tiếp giới thiệu  một số văn bản pháp luật gần gũi với đời sống của nhân dân như: Luật Trợ giúp pháp lý, Bộ luật Dân sự, luật Đất đai, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở.v.v.

Thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động: Trong 6 tháng vừa qua, Trung tâm trợ giúp pháp lý của nhà nước tỉnh Thái Bình đã tiến hành tổ chức 23 đợt trợ giúp pháp lý lưu động tại cơ sở, trong đó thực hiện lưu động tại huyện Vũ Thư: 9 xã, Quỳnh Phụ: 6 xã, Kiến Xương: 4 xã, Đông Hưng 2 xã, Thái Thuỵ: 2 xã. Thời gian thực hiện trợ giúp pháp lý lưu động mỗi xã từ 1 đến 2 ngày kết hợp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, giới thiệu hoạt động trợ giúp pháp lý với việc trợ giúp pháp lý trực tiếp cho các đối tượng. Tổng số vụ việc được giải quyết trong các đợt Trợ giúp pháp lý lưu động: 384 vụ việc cho 384 đối tượng.

Thứ ba về công tác chuyên môn: Toàn tỉnh đã thụ lý và tiến hành trợ giúp 544 vụ, giảm 20 vụ việc so với 6 tháng đầu năm 2007. Trong đó số vụ việc do trợ giúp viên pháp lý thực hiện: 182; cộng tác viên thực hiện:362 vụ việc. Số người được trợ giúp là 544 người. Trong hơn 500 vụ, việc các trợ giúp viên và cộng tác viên của Trung tâm đã thụ lý phải kể đến vụ việc của ông Đỗ Ngọc Hiển là người có công với cách mạng, thường trú tại xã Thái Hoà, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình. Ông có thời gian công tác trên 30 năm, có quyết định cho nghỉ hưu tại tỉnh Thừa Thiên Huế, nơi ông Hiển công tác, do thần kinh không ổn định với sự thiếu hiểu biết về pháp luật đối với việc chuyển hồ sơ hưu trí do đó ông đã nhiều lần đề nghị nhưng không thực hiện đúng thủ tục và gửi yêu cầu đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Khi ông có đơn yêu cầu Trợ giúp pháp lý, xác định việc ông Hiển nghỉ hưu là đúng pháp luật. Cộng tác viên của trung tâm đã tiếp nhận hồ sơ, hướng dẫn ông làm đơn và các thủ tục cần thiết đề nghị vớ cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Bình, Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Một thời gian sau yêu cầu của ông Hiển được các cơ quan có thẩm quyền xem xét chấp nhận, ông được Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Bình chi trả với số tiền truy lĩnh là 26.700.000đồng và được hưởng trợ cấp hưu trí hàng tháng là 800.000đồng.

 Vụ việc thứ hai của anh D. Nội dung vụ việc như sau: anh Nguyễn Văn H hợp đồng miệng với gia đình ông Q, nhận phần công thợ xây dựng cho gia đình ông Q xây nhà với số tiền công khoán gọn là 33.000 đồng/ngày + 10.000 đồng tiền ăn/1 ngày. Để thực hiện hợp đồng trên, anh H đã thoả thuận với anh D và một số người thợ xây khác đi làm công nhật cơm nuôi và trả công 33.000 đồng/ ngày. Trong quá trình làm anh H là người phân công công việc, tổ chức ăn uống, nhận tiền công từ chủ nhà để thanh toán cho anh em xây dựng.

Vào sáng ngày 22/4/2006 trong khi anh D đang làm việc trên mái tầng 2, anh D cầm thước nhôm dài 2 m để làm việc thì anh bị đường dây điện 35 kv phía trên hút lên. Anh D đã bị điện giật ngã xuống mái nhà ngất đi. Anh D được mọi người đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình. Anh H hứa sau khi anh D điều trị xong anh H sẽ chịu một nửa chi phí thuốc men. Song sau khi anh D ra viện anh H không hỏi han gì!

Quá trình trợ giúp: Trung tâm đã tiếp nhận hồ sơ, hướng dẫn thủ tục đề nghị Toà án nhân dân giải quyết theo quy định của pháp luật và cử luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho đối tượng.

Toà án nhân dân Huyện đã thụ lý vụ án để giải quyết. Nhưng Toà lại xác định quan hệ yêu cầu bồi thường giữa anh D và anh H là quan hệ dân sự và yêu cầu bồi thường giữa anh D và anh H là quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo luật Dân sự và quyết định mức bồi thường cho anh D là 3.500.000 đồng.  Anh D không nhất trí với quyết định của Toà án đã kháng cáo lên Toà án nhân tỉnh yêu cầu xét xử phúc thẩm. Toà án nhân dân tỉnh đã xác định quan hệ yêu cầu bồi thường nêu trên là quan hệ lao động, quyết định huỷ án sơ thẩm trả hồ sơ để Toà án nhân dân huyện giải quyết lại theo thủ tục chung.

Kết quả Trợ giúp pháp lý: Vụ án nêu trên đã được Toà án xét xử lại buộc anh H có trách nhiệm bồi thường cho anh D số tiền là  13.758.700 đồng.

Để có được kết quả trên là do Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Thái Bình luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo lãnh đạo của Bộ Tư pháp, Cục Trợ giúp pháp lý cho tham gia hoạt động của dự án, hỗ trợ nhiều mặt để Trung tâm triển khai tốt hoạt động trợ giúp pháp lý tại địa phương. Bên cạnh đó, Trung tâm còn được Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh, Sở Tư pháp quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ về kinh phí, phương tiện, địa điểm thuận lợi cho người dân dễ tiếp cận với hoạt động trợ giúp pháp lý. Đồng thời với sự phối kết hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, đoàn thể... tạo điều kiện thuận lợi cho Trung tâm tổ chức tốt các đợt tuyên truyền, trợ giúp pháp lý lưu động về cơ sở. Trong 6 tháng cuối năm, Trung tâm TGPL tỉnh tiếp tục thực hiện theo kế hoạch đã duyệt./.

Nguyễn Ngọc Hiển