Hà Tây: Những kết quả bước đầu của chiến lược cải cách tư pháp

07/07/2008
Sau 3 năm, triển khai Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, ngành Tư pháp tỉnh Hà Tây đã thực hiện đúng trọng tâm, tiến độ kế hoạch công tác tư pháp, tạo bước tiền đề quan trọng cho những năm tiếp theo.

         Nhằm nâng cao hiệu quả công tác cải cách tư pháp cũng như đáp ứng yêu cầu chương trình cải cách hành chính, Đảng uỷ và lãnh đạo Sở Tư pháp đã xây dựng Đề án củng cố, kiện toàn tổ chức, của các cơ quan tư pháp. Từ đó, Sở Tư pháp đã thực hiện việc sắp xếp các phòng chuyên môn nghiệp vụ, điều động luân chuyển, cán bộ, công chức, viên chức tại các bộ phận, đơn vị trực thuộc phù hợp với năng lực và chuyên môn nghiệp vụ. Đề nghị bổ nhiệm đủ số lượng  lượng Công chứng viên cho các phòng công chứng, Trợ giúp viên cho Trung tâm Trợ giúp pháp lý... Cán bộ tư pháp cấp huyện hiện nay, có 61 người, đảm bảo về trình độ, tiêu chuẩn  đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trong năm 2007, cơ quan Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh tiến hành luân chuyển Chấp hành viên tỉnh đến cơ quan THADS các huyện, thành phố; bổ nhiệm lại và bổ nhiệm mới 13 lãnh đạo cơ quan THA; đồng thời tổ chức thi tuyển công chức cơ quan THA theo quy trình, thủ tục chặt chẽ, nghiêm túc. Đến nay, cơ quan THADS đã có 7 CHV cấp tỉnh, 51 CHV, 62 chuyên viên... đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Chú trọng tới đội ngũ cán bộ Tư pháp - Hộ tịch ở cơ sở nên trong thời gian qua, Sở Tư pháp tỉnh Hà Tây đã phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức 2 khoá học Trung cấp luật đào tạo được 270 cán bộ tư pháp cơ sở. Đội ngũ cán bộ được đào tạo cơ bản đã giúp UBND cấp xã quản lý công tác Tư pháp - Hộ tịch ở cơ sở rất có hiệu quả.

      Là cơ quan thường trực của Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, Sở Tư pháp đã có những biện pháp tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh, Hội đồng PHCTPBGDPL, ban hành Kế hoạch, Chương trình công tác, chỉ đạo các thành viên Hội đồng và UBND các huyện, thành phố  thực hiện tốt Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.  Chính vì vậy, công tác PBGDPL đã đi vào thực chất, thiết thực, triển khai trên diện rộng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu, đòi hỏi bức xúc của nhân dân, giảm tính hình thức trong hoạt động PBGDPL.  Trong năm 2007, Sở Tư pháp đã tham mưu cho Tỉnh uỷ ban hành Nghị quyết số 27 NQ/TU về Tăng cường lãnh đạo công tác PBGDPL đến năm 2010 và những năm tiếp theo. Triển khai Nghị quyết trên, UBND tỉnh đã quy định các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị dành 1 ngày trong tháng thực hiện “Ngày pháp luật”.  Đồng thời, Sở Tư pháp đã  trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch PBGDPL trên toàn tỉnh và Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình hành động quốc gia về công tác PBGDPL; triển khai kế hoạch thực hiện Đề án “Phát huy vai trò của cơ quan và cán bộ tư pháp trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn”. Đến nay, các cơ quan Tư pháp phát huy được vai trò đầu mối, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể  cùng cấp tổ chức triển khai công tác PBGDPL bằng nhiều hình thức phong phú. Cùng với việc phối hợp tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng, Sở Tư pháp đã biên soạn và phát hành đến tận cơ sở 12.000 Bản tin Tư pháp, 10.000 cuốn Hỏi - đáp  và hàng vạn tờ gấp pháp luật, có nội dung tìm hiểu về các lĩnh vực pháp luật: Hình sự, dân sự, đất đai, giao thông đường bộ….Thực hiện 29  đợt trợ giúp pháp lý lưu động, miễn phí và tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đã trợ giúp pháp lý cho hơn 5.000 trường hợp, góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ người dân tiếp cận hệ thống pháp luật và tư pháp. Trong thời gian này, Sở tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, thực hiện cơ chế “một cửa” nên các công việc về tư pháp được giải quyết nhanh chóng, chính xác, rút ngắn thời gian trả kết quả hơn trước, tạo thuận lợi cho nhân dân. Chính vì vậy Sở Tư pháp đã giải quyết được: 325 trường hợp kết hôn, cấp 9.062 phiếu lý lịch tư pháp... 2 Phòng Công chứng đã giải quyết hơn 200.000 việc

          Công tác THADS đã có những tiến bộ đáng kể, số việc thi hành án xong năm sau cao hơn năm trước; có nhiều vụ việc tồn đọng từ nhiều năm trước, đã được giải quyết dứt điểm. Trong 3 năm qua, các cơ quan THADS đã giải quyết xong  13.929, đạt tỉ lệ là 96 % trên tổng số việc có điều kiện thi hành, với số tiền đã thi hành là 112.129.596.000 đồng. Ban chỉ đạo THADS ở các cấp thường xuyên được củng cố kiện toàn, nhiều xã đã thành lập được Ban chỉ đạo Thi hành án. Những vụ việc có giá trị từ 500.000đ trở xuống được chuyển giao cho UBND cấp xã đôn đốc thi hành được 4.961 số vụ việc có điều kiện thi hành, với số tiền là 909.650.0000 đồng. Công tác giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực THA được quan tâm chú trọng, giải quyết kịp thời, đã giúp cho đương sự hiểu rõ các quy định pháp luật về thi hành án, qua đó giúp ổn định tình hình trật tự và an toàn xã hội trên địa bàn. Tuy nhiên, hoạt động THADS  vẫn còn gặp nhiều khó khăn do một số nơi thiếu sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền cơ sở, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của các tổ chức quần chúng tham gia vào việc vận động, thuyết phục người phải thi hành án tự giác chấp hành. Cá biệt một số nơi, chính quyền cơ sở còn có biểu hiện không hợp tác với cơ quan thi hành án trong việc thuyết phục, cưỡng chế thi hành án.

     Có thể nói, việc triển khai thực hiện NQ49 trong ngành Tư pháp tỉnh Hà Tây 3 năm qua, đã tạo được những chuyển biến tích cực về nhận thức, đạt được yêu cầu, nội dung của Nghị quyết đề ra đối với hoạt động của ngành như: Tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức của ngành được kiện toàn củng cố, đã có chuyển biến về tinh thần trách nhiệm trong rèn luyện, nâng cao trình độ, phẩm chất đạo đức theo tiêu chuẩn hoá cán bộ. Nhằm tiếp tục tăng cường hiệu quả công tác cải cách tư pháp theo tinh thần NQ49, Sở Tư pháp đã đề xuất, kiến nghị một số giải pháp như sau: Cần chú trọng công tác đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ, lý luận chính trị  và kiến thức xã hội cho đội ngũ cán bộ  tư pháp, nhằm đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp hiện nay; phát triển đội ngũ luật sư, giám định viên, công chứng viên, chấp hành viên có đủ năng lực, phẩm chất đạo đức. Đẩy mạnh và triển khai sâu rộng công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân theo Chỉ thị số 32-CT/TW  của Ban Bí thư Trung ương Đảng đến các cơ quan, ban, ngành, cán bộ, công chức làm công tác tư pháp cũng như đến đông đảo các tầng lớp nhân dân trên địa bàn ngày càng trở nên cần thiết và vô cùng cấp bách trong giai đoạn hiện nay, nhằm thu hút sự quan tâm và tham gia của xã hội và nhân dân đối với công tác tư pháp. Đặc biệt, chính quyền các cấp cần quan tâm, tăng cường về cơ sở vật chất và kinh phí  hoạt động cho các cơ quan tư pháp, giám định

Công Dũng