Tư pháp Quảng Ngãi: Nhìn lại nửa chặng đường thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII

01/07/2008
Triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2006-2010) được xác định tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XVII, cũng như Chương trình công tác trọng tâm hàng năm của UBND tỉnh và Bộ Tư pháp đề ra, ngành Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi nói chung, Sở Tư pháp nói riêng đã tập trung khắc phục khó khăn, đoàn kết, nỗ lực vươn lên, kịp thời chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả trên hầu hết các lĩnh vực công tác.

Trong công tác tổ chức cán bộ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức luôn là lĩnh vực được lãnh đạo Sở quan tâm hàng đầu nên đã tập trung củng cố về tổ chức theo hướng nâng cao chất lượng, tập trung đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực làm việc cũng như bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức trong toàn ngành, công tác quy hoạch cán bộ thường xuyên được được rà soát và tiến hành chặt chẽ. Để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ mới, Sở Tư pháp đã tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 38/2006/QĐ-UBND ngày 19/7/2006 về việc ban hành Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Sở Tư pháp để phù hợp với nhiệm vụ mà ngành đang đảm nhận. Theo đó, các phòng chuyên môn của Sở được kiện toàn và hoạt động khá đồng đều, đủ sức tham mưu cho lãnh đạo Sở triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao; ban hành Quy chế hoạt động của Sở nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Đối với các Cơ quan Thi hành án dân sự, Sở Tư pháp đã tham mưu cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh kiện toàn ban chỉ đạo Thi hành án dân sự đồng thời lập hồ sơ trình Bộ Tư pháp bổ nhiệm, bổ nhiệm lại và bổ nhiệm mới đội ngũ Chấp hành viên; thực hiện tốt công tác tuyển dụng và luân chuyển cán bộ thi hành án dân sự, nhờ đó hầu hết các cơ quan, đơn vị trong ngành triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Đối với đội ngũ cán bộ, công chức Tư pháp cấp huyện và cấp xã, những năm qua Sở Tư pháp thường xuyên phối hợp với UBND các huyện, thành phố tập trung kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động cho Tư pháp cấp huyện và xã, đầu tư con người, giáo dục chính trị tư tưởng, đào tạo chuyên môn để cán bộ, công chức các Phòng Tư pháp đủ sức thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đồng thời phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội đào tạo lớp Trung cấp Luật khoá III để bổ sung cho Tư pháp cấp xã với 175 học viên theo học. Mặt khác, Sở Tư pháp còn tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 23/2007/CT-UBND ngày 28/9/2007 về việc củng cố tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Phòng Tư pháp các huyện, thành phố và Ban Tư pháp các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi nhằm đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao. Có thể nói công tác xây dựng ngành luôn được lãnh đạo Sở coi trọng, luôn tập trung xây dựng, củng cố, kiện toàn về tổ chức, ổn định bộ máy hoạt động, xây dựng ngành trong sạch, vững mạnh và đoàn kết nội bộ.

Đối với các lĩnh vực công tác chuyên môn thì công tác văn bản luôn được Sở Tư pháp tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh quản lý chặt chẽ từ khâu xây dựng kế hoạch, thẩm định tính pháp lý đến kiểm tra, rà soát và xử lý văn bản. Để công tác lập quy của UBND tỉnh được chủ động, hàng năm Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành trong tỉnh xây dựng Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trình UBND tỉnh phê duyệt, trên cơ sở đó đã tiến hành thẩm định 359 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Uỷ ban nhân dân tỉnh, đạt 181 % kế hoạch. Tổ chức lấy ý kiến trong ngành 25 dự thảo Luật, Pháp lệnh và 20 dự thảo Nghị định của Chính phủ và Quyết định, Thông tư của Bộ, ngành Trung ương đảm bảo chất lượng và thời gian. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành, Sở Tư pháp đã trình Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Chỉ thị số 10/2007/CT-UBND về tăng cường công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị số 22/2007/CT-UBND về xây dựng, kiện toàn tổ chức pháp chế tại các Sở, ban, ngành và doanh nghiệp Nhà nước của tỉnh Quảng Ngãi; Quyết định số 11/2007/QĐ-UBND quy định về bảo đảm kinh phí cho công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Trong công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật, Sở Tư pháp đã tiến hành kiểm tra tổng số 124.893 văn bản các loại tại 14 huyện, thành phố. Qua kiểm tra, Sở Tư pháp đã kiến nghị các huyện, thành phố kịp thời khắc phục những sai sót trong công tác ban hành văn bản, đưa công tác ban hành văn bản trên địa bàn tỉnh tiếp tục đi vào nề nếp. Hoạt động tự kiểm tra và rà soát, hệ thống hoá văn bản được Sở Tư pháp tiến hành thường xuyên. Sở Tư pháp tiến hành rà soát văn bản do HĐND và UBND tỉnh ban hành trên 13 lĩnh vực là: gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO); cư trú; kinh doanh bất động sản; chiến lược biển Việt Nam; quy hoạch; giao thông; dân sự; tư pháp; công nghiệp; ưu đãi đầu tư; thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng; văn hoá thông tin và tài chính. Đặc biệt trong năm 2007, Sở Tư pháp tham mưu cho UBND tỉnh triển khai rà soát văn bản về đất đai do Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành từ năm 1996 đến năm 2007 với tổng số 540 văn bản các loại liên quan đến lĩnh vực đất đai được rà soát. UBND tỉnh đã ban hành các Quyết định số 57, 58, 59 và 60/QĐ-UBND công bố danh mục các văn bản QPPL trong lĩnh vực đất đai do UBND tỉnh ban hành từ năm 1996 – 2007. Theo đó, 26 văn bản còn hiệu lực, 66 văn bản hết hiệu lực, 26 văn bản cần huỷ bỏ, bãi bỏ và 26 văn bản còn hiệu lực nhưng cần sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

Trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, thực hiện Chương trình phổ biến giáo dục pháp luật giai đoạn năm 2003-2007, Chương trình hành động quốc gia phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 đến năm 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và chỉ đạo của Bộ Tư pháp đối với công tác này, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 03/2007/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2007-2010 của tỉnh Quảng Ngãi; Quyết định ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Quảng Ngãi và Quyết định ban hành Quy chế Báo cáo viên, Tuyên truyền viên pháp luật...cũng như Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm của tỉnh. Trên cơ sở đó, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức 13 Hội nghị cấp tỉnh triển khai 31 Luật, Pháp lệnh với mỗi hội nghị có gần 200 đại biểu là cán bộ chủ chốt của cấp tỉnh và huyện tham dự. Sau Hội nghị cấp tỉnh, Sở Tư pháp cử Báo cáo viên tiếp tục triển khai cho cán bộ, công chức, viên chức của một số huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Sở Tư pháp còn phối hợp với 04 huyện là Tư Nghĩa, Mộ Đức, Ba Tơ và Trà Bồng tổ chức tập huấn nghiệp vụ tuyên truyền phổ biến pháp luật cho cán bộ cấp xã.  Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật bằng hình thức thi viết được cán bộ và nhân dân trong tỉnh hưởng ứng mạnh mẽ, cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về Vệ sinh an toàn thực phẩm” với tổng số 123.955 bài tham gia dự thi; cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về giáo dục” với tổng số 167.604 bài tham gia dự thi. Năm 2008, Sở Tư pháp tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”. Đặc san Tư pháp kịp thời phản ánh tình hình hoạt động của ngành và thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật. Ngoài ra, Sở Tư pháp còn biên soạn, in và cấp phát hơn 50.000 tờ rơi, tờ gấp pháp luật cấp phát cho cơ sở. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn được Sở Tư pháp thực hiện có hiệu quả thông qua việc phối hợp với Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh mở chuyên mục “Tìm hiểu pháp luật” phát hàng tuần trên sóng của Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh. Trang thông tin điện tử Sở Tư pháp thường xuyên cập nhật tình hình hoạt động của Sở, ngành và thực hiện phổ biến pháp luật, được UBND tỉnh đánh giá là có chất lượng cao, một trong những trang đứng đầu của tỉnh. Ngoài ra, Sở Tư pháp còn phối hợp với Thường trực Ban an toàn giao thông tỉnh tổ chức tốt công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Hội nông dân tỉnh tập huấn nâng cao nhận thức pháp luật cho cán bộ Hội Nông dân, Tổ trưởng Tổ hoà giải, cán bộ thuộc chi, tổ hội nông dân tại 15 xã, phường, thị trấn trong khuôn khổ thực hiện Chương trình phối hợp giữa Sở Tư pháp và Hội Nông dân tỉnh về thực hiện Chỉ thị 26/2001/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong việc tạo điều kiện cho Hội Nông dân các cấp tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo. Phối hợp với Sở Văn hoá-Thông tin phổ biến luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho cán bộ, công chức; tập huấn nghiệp vụ hoà giải, xây dựng hương ước, quy ước cho cán bộ cấp xã 07 huyện miền núi, hải đảo. Nhìn chung, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp tục được Sở Tư pháp thực hiện và chỉ đạo toàn ngành thực hiện khá sôi nổi và đều khắp, các văn bản luật mới ban hành đều được các cấp, các ngành liên quan tổ chức triển khai phổ biến bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thu hút đông đảo cán bộ và nhân dân tham gia học tập, đáp ứng yêu cầu Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư và Chỉ thị 31-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.

Công tác Thi hành án dân sự tiếp tục được lãnh đạo Sở Tư pháp chú trọng đẩy mạnh, quyết tâm giảm án tồn đọng, tạo bước chuyển biến mới trong công tác thi hành án dân sự, lãnh đạo Sở đã chỉ đạo các cơ quan Thi hành án dân sự thực hiện nhiều biện pháp đột phá giải quyết nhiều vụ án khó, phức tạp, tồn đọng nhiều năm...đưa tỷ lệ về việc và tiền hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu do Bộ Tư pháp đề ra, tạo niềm tin cho các tổ chức và công dân vào các cơ quan thi hành án.

Công tác quản lý, đăng ký hộ tịch được thực hiện nhanh chóng, đảm bảo các quy định của pháp luật, các yêu cầu về hộ tịch có yếu tố nước ngoài được Sở Tư pháp giải quyết kịp thời. Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đăng ký hộ tịch trên địa bàn tỉnh, xoá tình trạng trẻ em tại các huyện miền núi và hải đảo không có khai sinh, Sở Tư pháp đã phối hợp với tổ chức Plan triển khai thực hiện Dự án đăng ký khai sinh miễn phí cho trẻ em tại 07 huyện miền núi và hải đảo trên địa bàn tỉnh là Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà, Trà Bồng, Tây Trà, Sơn Tây và Lý Sơn. Qua rà soát, Sở Tư pháp đã cùng với Uỷ ban nhân dân cấp xã tại các huyện nói trên thực hiện đăng ký khai sinh cho 19.631 trường hợp. Ngoài ra, Sở Tư pháp còn phối hợp với tổ chức Plan tại Quảng Ngãi và UBND huyện Sơn Hà tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực tư pháp cho 44 đồng chí là cán bộ lãnh đạo của UBND, Văn phòng và Tư pháp của 14 xã trên địa bàn huyện. Mặt khác, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý đăng ký hộ tịch trên địa bàn tỉnh, đáp ứng tốt yêu cầu của công dân, Sở Tư pháp đã trình UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 12/2008/CT-UBND ngày 29/4/2008 về tăng cường công tác quản lý, đăng ký hộ tịch trên địa bàn tỉnh; đồng thời phối hợp với các ngành liên quan xây dựng Đề án áp dụng “cơ chế một cửa liên thông” trong việc giải quyết việc đăng ký kết hôn và đăng ký nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài; cấp Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam, Giấy chứng nhận mất quốc tịch Việt nam và Giấy chứng nhận không có quốc tịch Việt Nam; cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho công dân Việt Nam, trình UBND tỉnh thông qua. Nhìn chung công tác quản lý hộ tịch tiếp tục đi vào nề nếp, nhận thức của nhân dân đối với công tác đăng ký hộ tịch đã có chuyển biến tích cực nên tỷ lệ đăng ký hộ tịch năm sau đạt cao so với năm trước.

 Hoạt động công chứng, chứng thực trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt, đáp ứng yêu cầu của tổ chức và cá nhân. Phòng Công chứng thực hiện được 114.951 việc các loại, trong đó có 1.554 hợp đồng giao dịch và 29 di chúc. Công tác chứng thực ở cấp huyện nhìn chung đáp ứng yêu cầu của tổ chức và công dân thông qua việc thực hiện cơ chế “một cửa”. Công tác chứng thực ở cấp xã qua một năm triển khai thực hiện Nghị định số 79/2007/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký đã dần đi vào nề nếp, tạo thuận lợi cho tổ chức và công dân.

Hoạt động Trợ giúp pháp lý tiếp tục đẩy mạnh, kết hợp trợ giúp pháp lý lưu động với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đến hầu hết các huyện trong tỉnh nhất là đối với các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người. Trong công tác này, Sở Tư pháp đã tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 04/QĐ-UBND ngày 31/01/2007 về Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 35/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thi hành Luật Trợ giúp pháp lý; đồng thời trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành các Quyết định số 612 và 613/QĐ-UBND thành lập 02 Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Quảng Ngãi tại huyện Mộ Đức và Trà Bồng. Ngoài ra, hiện nay Sở Tư pháp đang triển khai thành lập Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý ở các xã nghèo, xã có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Trung tâm Trợ giúp pháp lý đã thực hiện tư vấn pháp luật cho gần 2.000 trường hợp; thực hiện 85 đợt trợ giúp pháp lý lưu động ở hầu hết các huyện trên địa bàn tỉnh; cử luật sư tham gia các giai đoạn tố tụng và đại diện, bào chữa trước Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng, Toà án nhân dân tỉnh và các Toà án  huyện, thành phố  trong tỉnh 165 vụ, cấp phát gần 15.000 tờ gấp pháp luật, góp phần giải toả vướng mắc pháp luật, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người nghèo, gia đình chính sách.

Để nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, Sở Tư pháp đã xây dựng và trình Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Đề án kiện toàn tổ chức và hoạt động của Trung tâm nhằm đáp ứng tốt yêu cầu của các tổ chức và công dân. Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản đã tổ chức bán đấu giá thành 90 hợp đồng, trị giá 26.627.281.000 đồng, tăng 4.154.380.000 đồng so với giá khởi điểm.

Công tác quản lý hoạt động của Đoàn Luật sư, Văn phòng Luật sư được thực hiện đúng quy định của pháp luật. Để kiện toàn và phát triển đội ngũ Luật sư trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến, Sở Tư pháp đã trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2312/KH-UBND ngày 06/8/2007 về triển khai thi hành Luật Luật sư và các văn bản hướng dẫn thi hành. Các tổ chức Giám định Tư pháp đã được Sở Tư pháp tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan kiện toàn, trong đó đã thành lập Phòng Giám định pháp y thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đồng thời Sở Tư pháp cũng đã lập hồ sơ trình Bộ Tư pháp cấp Thẻ giám định viên tư pháp cho 15 Giám định viên (07 Giám định viên thuộc lĩnh vực pháp y và 08 Giám định viên thuộc lĩnh vực kỹ thuật hình sự) và công nhận 15 đồng chí là cán bộ có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, tài chính, chế biến và nuôi trồng thuỷ sản, lâm nghiệp, thú y, thẩm định thiết kế xây dựng, điện dân dụng, cơ khí và văn hoá để làm người giám định theo vụ việc.

Công tác hoà giải ở cơ sở tiếp tục được Uỷ ban nhân dân cấp huyện, xã quan tâm chỉ đạo nên chất lượng và tỷ lệ hoà giải thành những năm qua ở các huyện như Ba Tơ, Mộ Đức, Bình Sơn, Đức Phổ, Sơn Tịnh và Thành phố Quảng Ngãi đạt cao, hoà giải thành trung bình trên 80% vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn nhỏ trong nhân dân.

Công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được Sở Tư pháp thực hiện kịp thời, không có trường hợp nào tồn đọng, đồng thời thực hiện tốt công tác tiếp công dân định kỳ vào hai ngày 01 và 15 hàng tháng. Sở Tư pháp đã tổ chức 07 Đoàn thanh tra, qua thanh tra đã kịp thời chấn chỉnh những sai sót, đồng thời kiến nghị xử lý những vi phạm theo quy định của pháp luật.

Nhìn lại nửa chặng đường thực Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XVII, dù điều kiện hoạt động vẫn chưa thật sự thuận lợi song toàn ngành Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức thực hiện có hiệu quả và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong các nhiệm vụ do Uỷ ban nhân dân tỉnh và Bộ Tư pháp giao, kết quả trên các mặt công tác đều đạt và vượt chỉ tiêu đã đề ra, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội và ổn định tình hình an ninh-chính trị trên địa bàn tỉnh./.

Cao Nguyên