Bắc Giang: Đánh giá công tác tuyên truyền, PBGDPL ở nông thôn, miền núi, vùng khó khăn

01/07/2008
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang về việc đánh giá công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở nông thôn, miền núi, vùng khó khăn, vừa qua, Sở Tư¬ pháp Bắc Giang đã tiến hành đánh giá với kết quả cụ thể như sau:

1. Thực trạng công tác tuyên truyền, PBGDPL ở khu vực nông thôn, miền núi

Trong những năm gần đây, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật luôn được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện. Với Sở Tư pháp- Cơ quan Thường trực của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh nhiều năm gần đây đã xác định công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm để tập trung thực hiện không chỉ ở bề rộng mà cả chiều sâu theo ngành, lĩnh vực, theo địa bàn, qua đó nhiều hình thức đã được áp dụng, một số lượng văn bản quy phạm pháp luật lớn được chuyển tải đến các tầng lớp nhân dân trong tỉnh theo nhiều cách thức khác nhau góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân trong tỉnh. Nội dung pháp luật cần tuyên truyền cũng đã có những đổi mới từ chỗ chỉ nêu những điều pháp luật quy định đến nêu những vấn đề  người dân cần nghe, cần nắm bắt; từ việc xây dựng chương trình theo bề rộng nay theo hướng chiều sâu theo ngành, lĩnh vực, đối tượng, vùng miền.vv..

Thực tế tổ chức thực hiện các nhiệm vụ tuyên truyền cho thấy, hiệu quả của công tác này gắn liền với sự phối hợp của các ngành, các cấp trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Do vậy, Sở Tư pháp đã chủ động ký kết các Chương trình phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật với các ngành như: Nông dân, Dân tộc, Đoàn thanh niên, MTTQ, Phụ nữ, giáo dục.vv..để phối hợp tuyên truyền theo các lĩnh vực mà các ngành được giao phụ trách. Theo đó, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các khu vực miền núi, vùng khó khăn, nông thôn cũng được ưu tiên thực hiện. Tuy nhiên, do đặc điểm địa lý và nhận thức không đồng đều của nhân dân tại khu vực này có những khác nhau nên việc phổ biến, giáo dục pháp luật chưa được sâu rộng.

Mặt khác, thực trạng cuộc sống thuần nông của đại bộ phận nhân dân sinh sống trên khu vực này cũng còn những khó khăn, ý thức nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật còn bị giới hạn, cuộc sống tự cung tự cấp của một bộ phận dân cư vùng núi, vùng sâu đã tạo nên thói quen khép kín, gia đình, làng xã nên việc tiếp thu các kiến thức mới, đặc biệt là kiến thức về pháp luật chưa được coi trọng. Do vậy, nhiều hình thức tuyên truyền pháp luật được ưu tiên áp dụng tại các khu vực này như: Tăng cường công tác Trợ giúp pháp lý, Thành lập các Câu lạc bộ pháp luật, biên soạn các tờ gấp tuyên truyền, hướng dẫn nội dung tin, bài cho hệ thống truyền thanh, cấp phát băng ghi âm có nội dung pháp luật, cấp phát đĩa hình về tiểu phẩm pháp luật với những nội dung dễ hiểu, dễ nhớ về các văn bản Luật liên quan mật thiết đến quyền và nghĩa vụ của nhân dân, các chế độ chính sách của Nhà nước. Việc phối hợp với các ngành, đoàn thể trong tổ chức các Hội nghị tuyên truyền theo các chương trình đề án cũng đã được thực hiện ở các huyện miền núi nhiều hơn so với các huyện, thành phố khác nhưng sự tham dự của người dân còn hạn chế dẫn đến sự hiểu biết và thực thi pháp luật chưa cao.

 2. Nguyên nhân

- Trong những năm qua, tuy đã có sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, song các cấp, các ngành và một số địa phương chưa có nhận thức đúng đắn, đầy đủ về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác này, hơn nữa khi thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở những vùng khó khăn, miền núi, nông thôn thường có những khó khăn, phức tạp hơn ở các khu vực đồng bằng (như trình độ dân trí, khả năng tiếp thu, phương tiện tuyên truyền...)

- Việc phổ biến pháp luật là việc làm thường xuyên, liên tục, lâu dài trong khi các thành viên Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp đều là kiêm nhiệm với những vị trí công tác khác nhau nên vẫn còn tồn tại tình trạng tuyên truyền mang tính thời sự, phong trào, theo từng thời điểm nhất định, chưa thực sự liên tục, thường xuyên.

- Đội ngũ cán bộ Tư pháp cấp xã, lực lượng nòng cốt cho việc tham mưu giúp UBND cùng cấp trong việc quản lý đội ngũ tuyên truyền viên ở cơ sở phải thực thi nhiều nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, trong khi trình độ, năng lực còn hạn chế, làm ảnh hưởng không nhỏ đến vai trò làm cầu nối chuyển tải pháp luật đến nhân dân, đặc biệt ở miền Nýu là những vùng khó khăn.

3. Giải pháp

- Cần tạo sự chuyển biến về nhận thức của các cấp uỷ, chính quyền trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đặc biệt là cấp uỷ, chính quyền ở các khu vực khó khăn; Xác định nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật là bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng theo tinh thần của Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách Tư pháp đến năm 2020; do đó các ngành, các cấp cần tập trung chỉ đạo mặt công tác này; coi tuyên truyền pháp luật là một công việc của hoạt động thực thi pháp luật.

- Các cấp uỷ, chính quyền triển khai một cách đồng bộ Nghị quyết số 61/2007/NQ- CP ngày 7/12/2007 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư TW Đảng và Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2008-2012 của Chính Phủ, tổ chức chỉ đạo liên tục, thường xuyên với hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho công tác này; gắn việc tuyên truyền phổ biến pháp luật với việc phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.

- Các ngành, đoàn thể và các địa phương chủ động lựa chọn các hình thức, biện pháp phổ biến pháp luật phù hợp với đối tượng được tuyên truyền theo đặc điểm vùng miền cụ thể. Lựa chọn những mô hình đem lại hiệu quả cao, có tính phổ biến để nhân rộng thực hiện ở các địa phương, cơ sở.

- Ngành Tư pháp- cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cấp tỉnh và cấp huyện phát huy vai trò là đầu mối trong công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền trong tình hình mới; tích cực chủ động khai thác sử dụng hiệu quả hơn hình thức tuyên truyền thông qua hệ thống truyền thanh ở cơ sở, Tủ sách pháp luật, phát triển Câu lạc bộ pháp luật, tăng cường Trợ giúp pháp lý lưu động lồng ghép tuyên truyền pháp luật tại những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi; đa dạng hoá các hình thức thi tìm hiểu pháp luật, giao lưu sinh hoạt văn hoá, văn nghệ lồng ghép nội dung pháp luật.../.

Hoàng Giang