Nam Định: Kết luận thanh tra hoạt động tư pháp

25/06/2008
Thực hiện Chương trình công tác trọng tâm ngành tư pháp năm 2008 và sự chỉ đạo của Giám đốc Sở Tư pháp. Đoàn thanh tra Sở Tư pháp đã tiến hành thanh tra hoạt động tư pháp tại 3 huyện Mỹ Lộc, Nghĩa Hưng, Nam Trực với 9 xã, thị trấn là xã Mỹ Tiến, xã Mỹ Tân, xã Mỹ Phúc, xã Tân Thịnh, xã Nam Thanh, thị trấn Nam Giang (Nam Trực) và thị trấn Rạng đông, thị trấn Liễu Đề, xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng).

Nội dung thanh tra tập trung vào công tác thi hành án dân sự; việc thực hiện pháp luật về đăng ký và quản lý hộ tịch; chứng thực; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; củng cố tổ chức và hoạt động của Tư pháp cấp xã; việc thực hiện nhiệm vụ phổ biến giáo dục pháp luật. Đoàn Thanh tra đã trực tiếp làm việc với Uỷ ban nhân dân 3 huyện và thường trực Uỷ ban nhân dân 9 xã, thị trấn, đã có một số nhận xét qua đợt thanh tra hoạt động tư pháp tại 3 huyện, trong đó, ghi nhận những kết quả đã đạt được, phân tích những mặt còn tồn tại, thiếu sót và đề nghị UBND các huyện, UBND các xã và các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục có giải pháp cụ thể, sát với thực tiễn, đúng với quy định của pháp luật để thực hiện tốt hơn công tác tư pháp trên địa bàn. Cụ thể:

Đối với công tác thi hành án dân sự: Phòng tư pháp 3 huyện đều đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo thực hiện pháp lệnh thi hành án dân sự và Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự”, phối hợp với các ngành, các xã, thị trấn giải quyết án dân sự với tổng số vụ việc phải thi hành  là 1.989 việc, số việc có điều kiện thi hành là 1.363 việc, giải quyết xong hoàn toàn là 922 việc, trong đó tỷ lệ giải quyết về việc đạt tại huyện Nghĩa Hưng  là 64,9%, tại huyện Nam Trực là 88,5%, tại huyện Mỹ Lộc là 74%. Số vụ việc chuyển giao cho cấp xã là 830, số việc đã thi hành xong là 404 việc.

Đối với công tác đăng ký quản lý hộ tịch, sử dụng biểu mẫu hộ tịch: Phòng Tư pháp 3 huyện đã tích cực tham mưu cho UBND huyện tổ chức quán triệt sâu rộng đến cán bộ chủ chốt cấp xã, các ngành thực hiện Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch, thường xuyên tổ chức hướng dẫn nghiệp vụ, tiến hành kiểm tra việc thực hiện công tác đăng ký và quản lý hộ tịch ở các xã, thị trấn. Trong những năm qua công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn 3 huyện đã đi vào nề nếp, hoạt động có hiệu quả. Việc sử dụng biểu mẫu, sổ sách đúng theo quy định của pháp luật, phục vụ kịp thời những yêu cầu của công dân.

Đối với công tác chứng thực: tại 3 huyện, UBND huyện đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả tại các Trung tâm giao dịch hành chính “một cửa”, bảo đảm kịp thời phục vụ nhu cầu của công dân. Thực hiện Nghị định số 75/2000/NĐ-CP về công chứng, chứng thực và Nghị định số 79/2007/NĐ-CP của Chính phủ về cấp bản sao từ bản gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, các Phòng Tư pháp đã kịp thời tham mưu UBND huyện chỉ đạo và tổ chức tập huấn triển khai Nghị định và thường xuyên hướng dẫn các xã, thị trấn thực hiện thống nhất các quy trình, thủ tục chứng thực nhằm bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật.

Đối với công tắc giải quyết khiếu nại, tố cáo: Trong những năm qua trên địa bàn 3 huyện Nghĩa Hưng, Mỹ Lộc, Nam Trực chưa có khiếu kiện, tố cáo về việc giải quyết công tác tư pháp tại địa phương.

Đối với công tác kiện toàn hoạt động của Ban Tư pháp: các Phòng tư pháp đã chủ động phối hợp với Phòng Nội vụ lao động thương binh và xã hội huyện tham mưu UBND huyện chỉ đạo kiện toàn Ban tư pháp và bố trí cán bộ làm công tác Tư pháp - Hộ tịch đáp ứng được yêu cầu giải quyết công việc trong giai đoạn hiện nay, đến nay 56/56 xã, thị trấn của 3 huyện đều thành lập được Ban tư pháp với 316 đồng chí, trong ban tư pháp có 01 đồng chí là thường trực UBND xã làm trưởng ban, các thành viên là các tổ chức chính trị - xã hội làm uỷ viên. Các ban tư pháp đã phát huy tinh thần trách nhiệm, tích cực hoạt động, tham mưu cho UBND xã, thị trấn thực hiện theo đúng chức năng nhiệm vụ tư pháp ở địa phương.

Đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật: Các Phòng Tư pháp đã tích cực tham mưu UBND huyện kiện toàn Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, xây dựng quy chế làm việc của Hội đồng. Chỉ đạo 100% các xã, thị trấn củng cố, khai thác có hiệu quả tủ sách pháp luật đáp ứng nhu cầu tìm hiểu đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước của cán bộ, nhân dân. Tại huyện Nam Trực, đã tổ chức được 159 hội nghị phổ biến, giáo dục pháp luật, phát hành 14.500 bộ tài liệu các loại. Tại huyện Nghĩa Hưng đã củng cố được 338 tổ hoà giải ở cơ sở với 2.072 hoà giải viên, trong 2 năm gần đây, đã tiến hành hoà giải thành 1.057 vụ trên tổng số 1.178, đạt tỷ lệ 89,7%. Tại huyện Mỹ Lộc đã phối hợp với Trung tâm TGPL tỉnh tổ chức trợ giúp pháp lý miễn phí tại xã Mỹ Thịnh, Mỹ Hà, Mỹ Trung, Mỹ Hưng…

Bên cạnh những kết quả đạt được, Đoàn thanh tra cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: ở cả 3 huyện, còn một số vụ việc có điều kiện thi hành án nhưng chưa đôn đốc thi hành, việc xác minh để thi hành án chưa thường xuyên theo quy định tại Thông tư số 12 ngày 26/02/2001 của Bộ Tư pháp - Viện kiểm sát nhân dân tối cao; chưa yêu cầu đương sự ký vào đơn và sổ đăng ký hộ tịch (xã Tân Thịnh, thị trấn Nam Giang), chưa yêu cầu đương sự ghi đầy đủ ngày tháng năm vào đơn, giấy chứng nhận kết hôn (xã Mỹ Tiến, thị trấn Nam Giang), số liệu báo cáo về khai sinh không khớp với sổ lưu trữ (huyện Mỹ Lộc), đăng ký khai sinh, đăng ký lại việc sinh, cải chính hộ tịch cho người trên 14 tuổi chưa đảm bảo đầy đủ về thủ tục theo quy định của pháp luật (huyện Nghĩa Hưng)…; chứng thực một số giao dịch, hợp đồng không đúng thẩm quyền (huyện Nghĩa Hưng, Nam Trực), một số đơn vị không thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ Tư pháp về hình thức văn bản chứng thực, một số trường hợp chứng thực chưa đúng theo quy định của pháp luật…

Để công tác tư pháp tại 3 huyện đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, Đoàn thanh tra Sở đã yêu cầu Phòng tư pháp, cơ quan thi hành án dân sự huyện tham mưu chỉ đạo tập trung giải quyết lượng án tồn đọng, giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp có điều kiện thi hành; chú ý khi áp dụng các văn bản pháp luật để xác định về thẩm quyền, thủ tục trong hoạt động chứng thực, phải đảm bảo đúng quy định pháp luật; đề nghị UBND huyện thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các xã, thị trấn nâng cao hơn nữa trách nhiệm của chính quyền trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý công tác tư pháp ở địa phương…

Kết thúc đợt thanh tra, Đoàn Thanh tra Sở cũng ghi nhận và tiếp thu các ý kiến đề xuất, kiến nghị của địa phương, cơ sở nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn, góp phần đưa công tác tư pháp đạt chất lượng và hiệu quả.

Nguyễn Lệ Huyền