Nhìn vào hoạt động hiện nay của Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Quảng Ngãi có thể thấy những thay đổi đang diễn ra và sự thay đổi này sẽ khởi đầu cho một sự đổi mới trong hoạt động bán đấu giá tài sản (BĐGTS) trên địa bàn tỉnh
Hoạt động BĐGTS của tỉnh Quảng Ngãi chỉ thực sự được đổi mới từ khi Chính phủ ban hành Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18/01/2005 về BĐGTS và tiếp theo đó là việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 18/2006/CT-TTg về tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác BĐGTS theo Nghị định số 05/2005/NĐ-CP thì công tác BĐGTS ở tỉnh mới được các cấp, các ngành ở tỉnh quan tâm hơn. Nếu so với trước đây, công tác BĐGTS của Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Quảng Ngãi không chỉ khó khăn trong việc cố gắng tìm kiếm tài sản để tổ chức bán đấu giá nhằm duy trì hoạt động mà muốn tham mưu ban hành một văn bản để chỉ đạo hoạt động này trên địa bàn tỉnh còn khó hơn nhiều vì thiếu những văn bản, ý kiến chỉ đạo cụ thể từ cấp trên. Đứng trước yêu cầu về đổi mới và kiện toàn lại hoạt động BĐGTS theo quy định của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trung tâm đã lần lượt tham mưu cho Sở Tư pháp Quảng Ngãi trình UBND tỉnh ban hành các văn bản để chỉ đạo và tổ chức lại hoạt động này, từng bước đưa công tác BĐGTS của tỉnh đi vào nề nếp.
Khởi đầu cho sự đổi mới là kiến nghị của Sở Tư pháp để UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành Quyết định số 1375/QĐ-UBND ngày 09/6/2006 hủy bỏ Hội đồng định giá, BĐGTS tịch thu sung quỹ nhà nước cấp tỉnh nhằm loại bỏ sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ trong công tác BĐGTS, đảm bảo mỗi địa phương chỉ thành lập một trung tâm có chức năng BĐGTS theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tư pháp. Sau khi Hội đồng định giá, BĐGTS tịch thu sung quỹ nhà nước được hủy bỏ, Sở Tư pháp Quảng Ngãi đã tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo hoạt động BĐGTS trên địa bàn tỉnh phải được thực hiện thống nhất theo quy định của Nghị định số 05/2005/NĐ-CP (Công văn số 2588/UBND-TCTM ngày 21/9/2006 về việc thực hiện công tác BĐGTS theo Chỉ thị số 18/2006/CT-TT của Thủ tướng Chính phủ). Theo đó, các tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước và tài sản thi hành án có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên, tài sản của Nhà nước phải bán đấu giá cùng các loại tài sản khác còn lại được quy định tại Điều 5 của Nghị định số 05/2005/NĐ-CP được chuyển giao cho Trung tâm dịch vụ BĐGTS của tỉnh để tổ chức bán đấu giá theo đúng quy định. Ngoài ra, các đơn vị sự nghiệp và tổ chức không được thành lập và hoạt động theo quy định của Nghị định số 05/2005/NĐ-CP thì không được phép thực hiện hoạt động BĐGTS.
Có thể nói, đây là lần đầu tiên hoạt động BĐGTS của tỉnh Quảng Ngãi được quan tâm, chỉ đạo cụ thể đến như vậy và đây cũng là một sự đổi mới cơ bản nhất cho hoạt động của Trung tâm. Việc chỉ đạo thống nhất trong chuyển giao tài sản bán đấu giá về Trung tâm sẽ đảm bảo được nguồn thu cho Trung tâm và ngân sách nhà nước, đồng thời chấm dứt việc tự ý tổ chức bán tài sản của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã diễn ra trong suốt thời gian qua.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động BĐGTS, Sở Tư pháp Quảng Ngãi đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch thực hiện hoạt động BĐGTS theo Chỉ thị số 18/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 69/QĐ-UBND ngày 27/11/2006). Nội dung của Kế hoạch đã triển khai đến các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh quy định về chuyển giao tài sản thi hành án; tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước; tài sản nhà nước; tài sản giao dịch bảo đảm (tài sản cầm cố, thế chấp, bảo lãnh vay tại các ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng); tài sản là hàng hóa bị lưu giữ trên địa bàn tỉnh; tài sản của cá nhân, tổ chức có yêu cầu bán đấu giá; việc xác định giá khởi điểm khi chuyển giao tài sản; cách xác định giá khởi điểm của từng loại tài sản; vấn đề ký kết hợp đồng giữa Trung tâm dịch vụ BĐGTS với người chuyển giao tài sản và trách nhiệm tổ chức thực hiện nội dung Kế hoạch của các cơ quan có liên quan.
Với kế hoạch này, hoạt động BĐGTS không chỉ là trách nhiệm của riêng Trung tâm dịch vụ BĐGTS mà còn tăng cường được trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan. Vai trò, vị trí hoạt động BĐGTS được nhìn nhận đúng nghĩa của nó và hoạt động này không chỉ đơn thuần là xử lý tài sản sung quỹ nhà nước mà còn bảo vệ hiệu quả lợi ích của Nhà nước, bảo đảm quyền và lợi ích cho những cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động này.
Đi đôi với việc chấn chỉnh, tăng cường quản lý thống nhất hoạt động bán đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, việc quan tâm đầu tư đồng bộ cho hoạt động của Trung tâm dịch vụ BĐGTS là một trong những vấn đề trọng tâm mang tính cấp thiết. Trong thời gian tới UBND tỉnh Quảng Ngãi sẽ phê duyệt Đề án về tăng cường cán bộ, bảo đảm cơ sở vật chất cho Trung tâm. Dự kiến trong Quý I của năm 2007, UBND tỉnh Quảng Ngãi trình HĐND tỉnh thông qua Đề án về thu phí bán đấu giá và tiếp theo đó các văn bản như: Quy chế về tổ chức và hoạt động của Trung tâm và Quy chế phối hợp về bán đấu giá tài sản thi hành án cũng sẽ được ban hành.
Từ những đổi mới trên đây cho thấy hoạt động BĐGTS trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã và đang từng bước đi vào ổn định và giữ vai trò, vị trí quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích của nhà nước và nhân dân. Bên cạnh đó, hoạt động này cũng đặt ra nhiều thách thức mới, đó là sự quan tâm, phối hợp kịp thời, đồng bộ của các cấp, các ngành và sự chủ động, tích cực trong điều hành công tác chuyên môn của Sở Tư pháp Quảng Ngãi, sự tham mưu của Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Quảng Ngãi để hoạt động BĐGTS của tỉnh ngày càng phát triển và đáp ứng được yêu cầu của xã hội./.
Võ Tấn Lựu
(GĐ Trung tâm DVBDGTS tỉnh Quảng Ngãi)