Cà Mau: Tăng cường kiểm tra cơ sở, kịp thời phát hiện và nhân rộng phong trào thi đua

03/01/2007
Thực hiện phương châm hướng mạnh về cơ sở, năm 2006 công tác tư pháp ở Cà Mau đã có sự chuyển hướng rõ rệt, nhiều mặt công tác chuyên môn được quan tâm chỉ đạo thực hiện đi vào chiều sâu. Sự chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Sở đã chú trọng nhiều hơn đến việc nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác. Đây chính là một nét mới của công tác tư pháp tỉnh Cà Mau năm 2006.

Các mặt công tác tư pháp được triển khai khá đồng bộ. Qua kiểm tra thực tế ở xã, phường, thị trấn cho thấy nhiều địa phương đã có sự quan tâm thực sự đối với công tác tư pháp. Phòng Tư pháp các huyện, thành phố đã tổ chức triển khai Chỉ thị 01 của Bộ Tư pháp và chương trình công tác tư pháp của tỉnh, huyện năm 2006 cho tư pháp xã, phường, thị trấn đạt 100%.

 Các huyện như U Minh, Ngọc Hiển, Năm Căn đã chỉ đạo thành lập 100% ban tư pháp cấp xã theo quy định tại Thông tư liên tịch số 04. Có 100% xã, phường, thị trấn có cán bộ tư pháp chuyên trách; có hơn 65% xã, phường thị trấn bố trí thêm 01 định suất cán bộ giúp việc cho tư pháp. Từ đầu năm đến nay Sở Tư pháp đã trực tiếp tổ chức 04 đợt tuyên truyền pháp luật lưu động tại các xã vùng sâu, vùng xa; tổ chức 04 cuộc thi tìm hiểu luật giao thông đường thuỷ nội địa tại các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, Phú Tân, Trần Văn Thời; tổ chức 18 đợt trợ giúp pháp lý lưu động đến các xã vùng sâu vùng xa. Tư pháp cấp huyện làm tốt hơn việc kiểm tra văn bản quy phạn pháp luật của cấp xã theo quy định. Công tác hoà giải được kiện toàn một bước, kết quả hoà giải thành năm 2006 đạt trên 62 % so với số vụ đưa ra hoà giải.

 Đặc biệt, từ đầu năm đến nay Sở Tư pháp đã tổ chức 03 đợt kiểm tra cơ sở: đầu năm, giữa năm và cuối năm 2006; đã trực tiếp kiểm tra ở tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh và 36 xã, phường, thị trấn. Qua kiểm tra đôn đốc nhận thấy công tác tư pháp các huyện, thành phố và cấp xã có những chuyển biến tích cực, đáng ghi nhận; cơ quan tư pháp phát huy khá tốt vai trò tham mưu các cấp chính quyền thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác tư pháp trên địa bàn.

 Để có cơ sở tổng kết đánh giá các phong trào thi đua trong năm, Giám đốc Sở Tư pháp đã ban hành kế hoạch số 30 ngày 13/11/2006 và thành lập 04 đoàn công tác đi kiểm tra tình hình thực hiện các nhiệm vụ tư pháp cuối năm theo tinh thần Chỉ thị 01 của Bộ trưởng Bộ tư pháp. Đến 28/12/2006 đã tiến hành kiểm tra 9/9 huyện, thành phố và 18 xã, phường, thị trấn. Qua công tác kiểm tra đã phát hiện, nhân rộng, biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích, hoạt động thực sự có hiệu quả để biểu dương khen thưởng kịp thời; đồng thời chỉ đạo uốn nắn những khiếm khuyến, hạn chế trong công tác tư pháp ở cơ sở.

 Công tác kiểm tra đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên và được chú ý nhiều hơn về nội dung, phương pháp kiểm tra. Thực tế cho thấy tổ chức tư pháp ở cơ sở tuy đã được quan tâm bố trí đủ cán bộ theo quy định, song trình độ và năng lực cán bộ nhìn chung còn nhiều hạn chế, bất cập. Khối lượng công việc tư pháp cấp xã đang đảm nhận trên thức tế là quá sức. Hầu hết các đơn vị được kiểm tra đều thừa nhận với tình hình can bộ như hiện tại thì không thể đảm đương tốt nhiệm vụ theo Thông tư 04 quy định cho tư pháp cấp xã. Qua kiểm tra phát hiện có nhiều sai sót về nghiệp vụ như chưa biết rõ việc minh phải làm như thế nào; chưa có phương pháp quản lý công tác hoà giải, hộ tịch, chứng thực đúng theo quy định; sai sót trong ghi chép, lưu giữ hồ saơ, tài liệu…. Điểm mới ở đây là trong các lần kiểm tra với ý thức trách nhiệm và tinh thần cầu thị, các thành viên trong các đoàn công tác đã kịp thời chỉ ra những sai sót về nghiệp vụ của cán bộ tư pháp cơ sở; những hạn chế trong chỉ đạo của lãnh đạo địa phương đối với cống tác tư pháp. Các Đoàn công tác dành một thời gian đáng kể để giải thích, hướng dẫn  về nghiệp vụ tư pháp; tranh thủ sự quan tâm, chỉ đạo của cấp uỷ và UBND đối với công tác tư pháp. Đồng thời mạnh dạn trao đổi, đề xuất với lãnh đạo địa phương những giải  pháp khắc phục hạn chế, yếu kém. Về điểm này rất được lãnh đạo địa phương và cán bộ tư pháp cơ sở hoan nghênh, nghiêm túc tiếp thu.

 Đối với các đoàn công tác, đi kiểm tra cơ sở là dịp cọ sát thực tế, có ý nghĩa nhiều mặt. Cán bộ trong các đoàn công tác đã có kịp tiếp cận, nắm bắt tình hình và thực tế công tác tư pháp cơ sở, rút kinh nghiệm cho mình trong chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ sau này. Qua mỗi đợt  đi kiểm tra họ thấy mình trưởng thành hơn.

 Năm 2006 ngành tư pháp Cà Mau ghi nhận nhiều hoạt động hướng về cơ sở rất thiết thực. Tin rằng đây sẽ là kinh nghiệm quý cho công tác chỉ đạo và thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình; đẩy mạnh phong trào thi đua trong năm 2007 và những năm tiếp theo.

 NGUYỄN SƠN