Tuy Phước - Bình Định: Kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động tìm biện pháp đưa pháp luật đến dân!

29/02/2008
Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (gọi tắt Hội đồng) huyện Tuy Phước, Bình Định vừa tổ chức hội nghị đánh giá thực hiện Quy chế tổ chức và hoạt động trong việc đưa pháp luật đến với người dân.

Ông Phạm Tích Hiếu, Phó chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, Bình Định kiêm Chủ tịch Hội đồng cho rằng: Tuy Phước có thể được xem là một trong những địa phương trong tỉnh có nhiều đơn thư khiếu nại, khiếu kiện đông người, mà theo ông, nguyên nhân cơ bản vẫn là người dân chưa hiểu pháp luật. Vậy làm sao phát huy được cơ chế phối hợp của các thành viên trong Hội đồng để đưa được các quy định pháp luật đến người dân, làm cho họ hiểu quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tạo ra ý thức tôn trọng pháp luật, thực hiện pháp luật ! Cùng với nhận định trên, Oâng Trần Hữu Hoàng, Trưởng phòng Tư pháp huyện, Phó chủ tịch Hội đồng nhận trách nhiệm về sự hạn chế trong việc phối hợp để đưa pháp luật đến người dân trong thời gian qua trên địa bàn huyện Tuy Phước.

Phân tích những nguyên nhân của hạn chế trên, nhiều đại biểu dự hội nghị cho rằng: việc thay đổi nhân sự (thuyên chuyển công tác, nghỉ hưu…) đã ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động phối hợp của các thành viên trong Hội đồng; công tác triển khai và phổ biến luật trong thời gian qua còn chậm so với nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ và nhân dân trên địa bàn do số lượng văn bản luật ban hành quá nhiều, trong lúc các thành viên của Hội đồng hầu hết là kiêm nhiệm; cơ quan thường trực của Hội đồng là Phòng Tư pháp chưa phát huy hết vai trò làm trung tâm tạo ra cơ chế phối hợp; việc sơ kết, tổng kết và chế độ thông tin, báo cáo và kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của huyện lâu nay chưa tốt. Một thực trạng, các tiểu ban của Hội đồng lâu nay chưa sinh hoạt lần nào do quy chế hoạt động và thư ký giúp việc chưa hình thành. Oâng Nguyễn Văn Màu, phó chủ tịch UBMTTQ Việt Nam của huyện, trưởng tiểu ban phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân cho rằng: Hoạt động phối hợp giữa các ngành trong tiểu ban chưa tốt chưa tốt do chế độ theo dõi và báo cáo chưa có, việc lồng ghép phối hợp để đưa pháp luật đến dân trong thời gian qua chưa chặt chẽ, chưa đồng bộ.

Để nâng cao cơ chế phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ và nhân dân trên địa bàn huyện, các thành viên của Hội đồng đều tỏ ra một quyết tâm phải có nhiều biện pháp để đưa pháp luật ngày càng nhiều đến với dân. Để giảm tình trạng khiếu nại vượt cấp, hạn chế tình hình người dân lấn chiếm đất đai, rác thải ra công cộng, gây ô nhiễm môi trường… Hội đồng thống nhất cần tổ chức nhiều đợt tuyên truyền dưới nhiều hình thức về các quy định Luật Đất đai, Luật bảo vệ và phát triển môi trường, Luật Nhà ở… cho dân hiểu và thực hiện. Việc tuyên truyền luật cũng cần hướng đến từng đối tượng, riêng đối tượng là học sinh trên địa bàn, ông Trương Văn Dự, Hiệu trưởng Trường PTTH Tuy Phước I cho rằng: hướng đến việc phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường được sẽ được làm thường xuyên, bởi thông qua đó nhằm giáo dục đạo đức cho học sinh. Bằng việc tổ chức cuộc thi, sinh hoạt ngoại khoá và có thể dành 15 phút đầu giờ để tuyên truyền, giáo dục pháp luật học sinh. Ngoài ra, cũng cần thường xuyên cung cấp tài liệu, đề cương tuyên truyền pháp luật cho báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng tuyên truyền cho đội ngũ xã..

Nguyễn Huỳnh Huyện