Kế hoạch hoạt động của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Đà Nẵng năm 2008

22/02/2008
Nhằm triển khai tốt Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Trợ giúp pháp lý, đồng thời triển khai thực hiện Kế hoạch công tác năm 2008 của ngành Tư pháp thành phố Đà Nẵng và nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, viên chức của Trung tâm đối với công việc được giao; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước thành phố Đà Nẵng đã xây dựng kế hoạch hoạt động năm 2008 với một số nội dung trọng tâm sau:

1. Tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý bằng nhiều phương thức: bằng miệng, bằng văn bản, tư vấn trực tiếp, bằng thư tín, điện tín hoặc thông qua các phương tiện thông tin khác, thông qua trợ giúp pháp lý lưu động, sinh hoạt chuyên đề pháp luật, Câu lạc bộ pháp luật... đặc biệt tăng cường trợ giúp pháp lý lưu động về cơ sở, các xã miền núi, phường ven biển, xa trung tâm. Năm 2008, Trung tâm thực hiện 20 đợt trợ giúp pháp lý lưu động, bình quân 1,5 đến 2 đợt trợ giúp lưu động/tháng (mỗi quận, huyện thực hiện từ 02 đến 03 đợt trợ giúp pháp lý lưu động/năm) nhằm từng bước mở rộng, đưa hoạt động trợ giúp pháp lý đến với người dân.

Để thực hiện trợ giúp pháp lý lưu động có hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, Trung tâm sẽ phối hợp với các địa phương nơi thực hiện tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động thực hiện khảo sát nhu cầu trợ giúp pháp lý trong nhân dân trước khi thực hiện trợ giúp pháp lý lưu động.

2. Phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền phổ biến rộng rãi Luật trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật trợ giúp pháp lý.  

Trong quá hoạt động, Trung tâm thực hiện lồng ghép công tác tư vấn với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến nhân dân. Thông qua các đợt trợ giúp pháp lý lưu động, Trung tâm tổ chức giới thiệu chuyên đề về các vấn đề pháp luật mà người dân địa phương đang quan tâm, đồng thời thực hiện tư vấn pháp luật tại chỗ cho người dân có nhu cầu.

3. Chú trọng công tác đại diện, bào chữa cho người nghèo, người có công với cách mạng, người già cô đơn, người tàn tật, người dân tộc thiểu số và trẻ vị thành niên trong các vụ án hình sự, vụ việc dân sự và vụ án hành chính. Cụ thể, căn cứ vào Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 28/12/2007 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cáo Hướng dẫn áp dụng một số quy định về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, Trung tâm phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn thực hiện tốt hoạt động này nhằm đại diện, bào chữa kịp thời cho các đối tượng. Năm 2008, Trung tâm thực hiện bình quân 18 vụ/tháng.

4. Củng cố và nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý.

5. Rà soát và mở rộng mạng lưới cộng cộng tác viên trợ giúp pháp lý ở cấp huyện, cấp xã.

6. Tham gia đầy đủ các chương trình tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ do Bộ Tư pháp, Cục trợ giúp pháp lý tổ chức; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao trình độ chuyên môn và trách nhiệm nghề nghiệp của đội ngũ Trợ giúp viên và Cộng tác viên trợ giúp pháp lý.

7. Phối hợp với Phòng Văn bản quy phạm pháp luật cung cấp văn bản quy phạm pháp luật miễn phí cho đối tượng theo sự chỉ đạo của lãnh đạo Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng.

8. Thường xuyên cập nhật và cung cấp các văn bản pháp luật mới, nhất là các văn bản hướng dẫn thi hành luật Trợ giúp pháp lý cho các cộng tác viên; phát miễn phí tờ gấp pháp luật các loại cho người dân thông qua Bản tin pháp luật và qua hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động./.

Thu Hường