Đăng ký khai sinh tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Bình Định: Còn nhiều cái khó!

22/02/2008
Giấy khai sinh là căn cứ đầu tiên, là cơ sở pháp lý quan trọng khi làm các giấy tờ khác liên quan đến quyền lợi của bản thân như: học tập, công tác, đăng ký hộ khẩu, chứng minh nhân dân… Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, ở một số địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh ta, việc đăng ký khai sinh đang gặp nhiều khó khăn và bất cập…

Tự do kết hôn và sinh con… tự do!?

Từ năm 2001, Sở Tư pháp tỉnh Bình Định đã tiến hành lập đế án và thực hiện rà soát và tổ chức đăng ký kết hôn và khai sinh miễn phí cho đồng bào dân tộc thiểu số hơn 66.000 cặp hôn nhân thực tế và phát hiện gần 8.000 cặp không đăng ký hoặc không đủ điều kiện đăng ký kết hôn theo luật định. Đến nay, tỷ lệ đăng ký kết hôn ở các huyện miền núi trong tỉnh chuyển biến hơn về vai trò, ý nghĩa pháp lý về việc đăng ký khai sinh trẻ em, huyện Vĩnh Thạnh, An Lão là nơi có nhiều biện pháp và hình thức triển khai thực hiện tốt công tác khai sinh trẻ em. Tuy nhiên, vẫn còn một số xã, làng dân tộc thiểu số ở Vân Canh, cán bộ tư pháp phát hiện một số cắp vợ chồng chưa đăng ký kết hôn, nhưng đã có với nhau mấy mặt con!?

Kết hôn “thoáng” như vậy nên hiện nay, vẫn còn nhiều trường hợp phát sinh trẻ em sinh ra chưa có giấy khai sinh, lẽ dĩ nhiên sẽ khó khăn trong việc thống kê dân số, và quản lý hộ tịch ở những nơ này. Mặt khác, một số nơi ở tình trạng sinh nhiều, đẻ lắm kéo theo một thực tế đáng buồn là nhiều trẻ em ở một số xã, làng vùng sâu vùng xa chưa được đăng ký khai sinh đúng hạn. Việc chưa đăng ký khai sinh cho các cháu khiến công tác an ninh trật tự ở các địa bàn, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số gặp rất nhiều khó khăn.

Đâu là nguyên nhân?

Về mặt khách quan, do địa bàn miền núi, địa hình chia cắt, giao thông khó khăn từ xã đến các làng, thôn có nơi phải mất vài ngày đi bộ, trình độ dân trí nhìn chung còn thấp, nên nhiều người ngại không đi đăng ký khai sinh cho con em mình. Nhưng về mặt chủ quan, cũng thấy rằng công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc thiếu số ở tỉnh ta còn nhiều bất cập, việc đăng ký khai sinh cho trẻ chưa được quan tâm đúng mức. Theo ông Nguyễn Bá, Trưởng Hộ tịch, Sở Tư pháp tỉnh, ngoài những nguyên nhân nói trên, còn do trình độ hạn chế của cán bộ tư pháp cơ sở. Số cán bộ tư pháp cơ sở chưa qua đào tạo vần còn. Mặc dù, hằng năm, UBND tỉnh Bình định đã mở các lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ cho cán bộ tư pháp cơ sở, nhưng thực tế chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, trong lúc cán bộ Tư pháp hiện nay phải gánh 16 đầu việc ở cơ sở, nhất là sự phân cấp trong hộ tịch và chứng thực bản sao các loại giấy tờ. Hơn nữa, do trình độ cán bộ tư pháp còn nhiều hạn chế, nên tại một số địa bàn đã phát hiện nhiều sai sót trong việc đăng ký và cấp giấy khai sinh.

Điều 11 Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em (sửa đổi) quy định rõ: “Trẻ em có quyền được khai sinh và có quốc tịch”… Tuy vậy, nhiều trẻ em vùng sâu, vùng xa ở vẫn chưa được đăng ký khai sinh. Thiết nghĩ các cấp uỷ, chính quyền, cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật hộ tịch cho đồng bào dân tộc. Coi việc làm tốt công tác hộ tịch, hộ khẩu, đăng ký khai sinh là một trong những tiêu chuẩn để được công nhận làng bản văn hoá. Bồi dưỡng, củng cố đội ngũ cán bộ tư pháp cơ sở ngày càng hoàn thiện về trình độ, nghiệp vụ; nghiên cứu cải tiến mẫu sổ, sách, giấy tờ về hộ tịch theo hướng đơn giản hoá.

Nguyễn Huỳnh Huyện