Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh An Giang

09/01/2008
Thực hiện Quyết định 734/TTg ngày 06/9/1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành tổ chức trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách, ngày 07 tháng 02 năm 1998 Uỷ ban nhân dân tỉnh An Giang đã ban hành Quyết định số 196/ QĐ-UB-TC V/v thành lập Trung tâm TGPL của Nhà nước tỉnh An Giang.

Công tác trợ giúp pháp lý luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện cho Trung tâm TGPLNN tỉnh và đội ngũ cộng tác viên thực hiện tốt nhiệm vụ tư vấn, trợ giúp pháp lý cho các đối tượng chính sách, người nghèo, dân tộc, tôn giáo và các đối tượng khác thuộc diện được TGPLNN. Uỷ ban nhân dân tỉnh đã Chỉ thị tất cả các Sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cần quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về hoạt động trợ giúp pháp lý, xem đây là trách nhiệm của nhà nước đối với công dân, nhằm mục đích bảo vệ pháp luật và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa thông qua việc ban hành các văn bản như: Chỉ thị số 19 về tăng cường công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị số 13/2003/CT.UB Về việc thực hiện chương trình phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho phụ nữ trên địa bàn tỉnh; Công văn số 702/CV-UB ngày 15/4/2002 của Uỷ ban nhân dân tỉnh giao Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố khẩn trương xây dựng và hình thành mạng lưới Cộng tác viên trợ giúp pháp lý trên từng địa bàn trong phạm vi toàn tỉnh.

Khi mới thành lập, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh An Giang chỉ có 04 biên chế và 13 Cộng tác viên, cơ sở vật chất, trang, thiết bị làm việc hầu như không có gì. Nhưng cho đến nay, Trung tâm đã có 6 biên chế làm việc trong trụ sở đặt tại số 8/18 đường Lý Thường Kiệt-phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên với diện tích hơn 200 m2, được trang bị 02 xe máy và nhiều trang, thiết bị làm việc khác đảm bảo điều kiện làm việc thuận lợi cho Trung tâm. Toàn tỉnh hiện có 120 Cộng tác viên (cấp huyện là 87, cấp tỉnh  là 33). Trong đó, tham gia thường xuyên tại Trung tâm là 17 người, tất cả đều có trình độ Cử nhân Luật - là Luật sư, Luật gia và các đồng chí lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ thuộc các cơ quan Thanh tra, Địa chính, phóng viên báo chí, phát thanh-truyền hình địa phương, cán bộ ngành tư pháp từ tỉnh xuống cơ sở. Đến nay, toàn tỉnh đã có 11 Tổ TGPL cấp huyện và 39 Câu lạc bộ TGPL cấp xã trên tổng số 154 xã, phường, thị trấn. Thông qua đó, nhu cầu giải đáp, tư vấn pháp luật của nhân dân kịp thời tháo gỡ mọi lúc, mọi nơi.

Nhằm trang bị kiến thức pháp luật, kỹ năng trợ giúp pháp lý cho các cộng tác viên từ cấp tỉnh đến cơ sở và lực lượng tuyên truyền viên là cán bộ trong tổ chức chính trị xã hội, Trung tâm đã mở trên 20 lớp tập huấn các văn bản pháp luật mới ban hành hoặc sửa đổi bổ sung như: Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Dân sự, Hôn nhân và gia đình, Lao động, Đất đai, Hình sự, Khiếu nại - Tố cáo, Luật Bình đẳng giới,....cho hơn 2.000 lượt người dự. Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp với Cục Trợ giúp pháp lý đã tiến hành đào tạo 03 đợt cho các thành viên của 02 Câu lạc bộ TGPL của xã Vĩnh Tế, xã Mỹ Luông và tham gia cùng 02 xã này đào tạo thêm 09 đợt cho các tuyên truyền viên cộng đồng. Đặc biệt trong quá trình hoạt động Trung tâm phối hợp Cục Trợ giúp pháp lý tổ chức 03 cuộc toạ đàm và tập huấn ''Kỹ năng trợ giúp pháp lý về phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em và tăng cường bảo vệ nạn nhân bị buôn bán'' do Quỹ Châu Á tài trợ nhằm rút kinh nghiệm và tăng cường kỹ năng TGPL cho đối tượng là nạn nhân bị buôn bán trở về tái hoà nhập cộng đồng. Trung tâm đã in ấn hơn 200.000 tờ bướm các loại (có dịch ra tiếng Khmer), 2.000 quyển sách tuyên truyền về những văn bản pháp luật mới ban hành để cấp phát cho cơ sở và phục vụ cho các đợt tư vấn lưu động ở vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc, trang bị cho các cộng tác viên cấp tỉnh, huyện và các thành viên CLB TGPL cấp xã.

Hoạt động trợ giúp pháp lý thời gian qua đã và đang trực tiếp đưa các quy định pháp luật đến với người dân, giúp nhân dân sống và làm việc theo pháp luật, thực hiện công bằng xã hội, bảo vệ lợi ích chính đáng của cá nhân và cộng đồng, bảo đảm các quyền của công dân, giúp các cơ quan tố tụng và các cơ quan nhà nước có liên quan giải quyết vụ việc được kịp thời, khách quan, đúng pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, tạo được niềm tin trong nhân dân về thực thi pháp luật và từng bước khẳng định vai trò và tầm quan trọng của công tác trợ giúp pháp lý nhà nước trong nhân dân. Kết quả trong 10 năm qua, Trung tâm TGPLNN tỉnh đã thực hiện 24.419 trường hợp tư vấn cho các đối tượng chính sách, người nghèo, tôn giáo và dân tộc; Tham gia bào chữa cho 502 vụ việc; Tiếp cận tư vấn, trợ giúp cho 23 đối tượng là nạn nhân bị buôn bán và nhóm có nguy cơ cao.

Với sự phấn đấu và nỗ lực của toàn thể cán bộ, chuyên viên, cộng tác viên, tuyên truyền viên trợ giúp pháp lý, Trung tâm TGPL hằng năm đều được Bộ Tư pháp, Uỷ ban nhân dân tỉnh và Sở Tư pháp khen thưởng dưới nhiều hình thức và danh hiệu thi đua cho tập thể và các cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động TGPL.

Để thi hành Luật Trợ giúp pháp lý được Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 09 thông qua ngày 29 tháng 6 năm 2006, có hiệu lực từ ngày 01/01/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý; Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 35/2006/CT-TTg ngày 13 tháng 10 năm 2006 về việc triển khai thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý; Bộ trưởng Tư pháp ban hành Quyết định số 08/2006/QĐ-BTP ngày 15 tháng 11 năm 2006 kèm theo Kế hoạch của ngành Tư pháp thực hiện Chỉ thị số 35/2006/CT-TTg ngày 13 tháng 10 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để hoạt động TGPL tiếp tục được triển khai thực hiện hiệu quả, thiết thực hơn trong thời gian tới./.

Trần Hải Quân