Tiền Giang tổ chức Hội thảo “Những hình thức phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu quả”

31/12/2007
Tiền Giang tổ chức Hội thảo “Những hình thức phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu quả”
Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư và Thông tri số 18-TT/TU ngày 08/01/2004 của Tỉnh uỷ vế tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức và nhân dân; Được sự tài trợ của Dự án VIE/02/015, ngày 25/12/2007 Uỷ ban nhân tỉnh tổ chức Hội thảo “Những hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả” với sự tham dự của đại diện Bộ Tư pháp, Dự án VIE/02/015, Thường trực Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh, đại diện Sở Tư pháp các tỉnh Long An, Bạc Liêu, Tây Ninh, Kiên Giang, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh và lãnh đạo các phòng, trung tâm của huyện.

Tại Hội thảo, đại biểu đã được nghe ý kiến của các đơn vị: Bạc liệu, Tây Ninh, trường PTTH, công an, quân sự, báo, đài… đa số các ý kiến đều xoay quanh những vấn đề hiệu quả của công tác phổ biến giáo dục pháp luật, những thuận lợi, khó khăn và những hình thức PBGDPL có hiệu quả tại địa phương cũng như lĩnh vực thuộc ngành mình.

 Các tham luận cũng đã nêu rõ: để nâng cao chất lượng công tác PBGDPL trong nhận thức của cán bộ, nhân dân, trước hết cần tập trung vào các vấn đề như: nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên, thành viên tổ hòa giải, tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật với nội dung gắn liền với việc giáo dục ý thức chấp hành pháp luật. Hình thức PBGDPL phải phong phú đa dạng hơn như: phát tờ rơi, tổ chức các buổi nói chuyện theo chuyên đề ở các tụ điểm dân cư, phát sóng thường xuyên các chương trình theo chủ đề tại đài truyền hình, phát thanh, truyền thanh địa phương, lồng ghép PBGDPL với đặc thù từng loại hoạt động tư pháp, các thiết chế văn hóa ở cơ sở để phát huy tác dụng, hiệu quả giáo dục pháp luật của các hoạt động này khi thực hiện ở xã, phường, thị trấn.

Tuy nhiên, các đại biểu đều khẳng định hình thức tuyên truyền miệng là một trong những hình thức mang lại hiệu quả nhất, tuyên truyền miệng có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ, lồng ghép với nhiều hình thức tuyên truyền khác, là một công đoạn không thể thiếu trong phần lớn các hình thức tuyên truyền pháp luật, là hình thức chủ yếu được thực hiện thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như báo nói, báo hình, qua mạng lưới truyền thanh cơ sở hoặc thông qua hội nghị triển khai các luật mới, hội thảo, tập huấn, sinh hoạt câu lạc bộ, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, hoặc tuyên truyền thông qua trợ giúp pháp lý, công tác hòa giải ở cơ sở ... Đồng thời các đại biểu cũng đưa ra các hình thức tuyên truyền khác cho là có tính khả thi để góp phần đưa công tác PBGDPL được nâng cao ở một tầm mới trong thời đại công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Thanh Thủy