Bình Định với việc thực hiện Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18.5.2007 của Chính phủ

28/12/2007
Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18.5.2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2007. Qua 5 tháng triển khai và thực hiện trên địa bàn tỉnh Bình Định đã đem lại nhiều kết quả thiết thực cho người dân.

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 79/2007/NĐ-CP, ngày 25.6.2007, Sở Tư pháp Bình Định đã tiến hành tập huấn nghiệp vụ, phân cấp thẩm quyền việc cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký cho Trưởng, phó phòng Tư pháp các huyện, thành phố. Ngày 28.6.2007, UBND tỉnh tổ chức hội nghị triển khai Nghị định số 79/2007/NĐ-CP cho lãnh đạo: UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố, phóng viên Đài phát thanh - truyền hình, Báo Bình Định. Đồng thời, tuyên truyền phổ biến Nghị định số 79/2007/NĐ-CP trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Ngày 02.7.2007 tất cả 11 huyện, thành phố và 159 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Bình Định đều triển khai thực hiện chứng thực theo thẩm quyền đã phân cấp theo Nghị định số 79/2007/NĐ-CP. Việc phân cấp chứng thực về UBND xã, phường, thị trấn là việc làm thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân yêu cầu chứng thực, được người dân hết sức hoan nghênh, đồng tình. Đến nay việc chứng thực các loại việc theo quy định của Nghị định số 79/2007/NĐ-CP tại các Phòng Tư pháp huyện, thành phố và UBND cấp xã đã đi vào hoạt động nề nếp, UBND cấp xã đều bố trí cán bộ, cơ sở vật chất, sắp xếp thời gian để tiến hành chứng thực các loại việc theo quy định, đáp ứng tốt nhất nhu cầu chứng thực của công dân và tổ chức. Kết quả cụ thể như sau: Cấp huyện:Chứng thực chữ ký: 521 trường hợp. Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài: 143 trường hợp. Cấp xã: Chứng thực sao y từ bản chính: 99.396 trường hợp. Chứng thực chữ ký: 902 trường hợp.Cấp bản sao từ sổ gốc: 10.048 trường hợp

Sau khi Nghị định số 79/2007/NĐ-CP có hiệu lực trên phạm vi toàn tỉnh, Sở Tư pháp đã phối hợp với UBND huyện đi kiểm tra thực tế 6 huyện, 18 xã, thị trấn và qua tổng hợp báo cáo các Phòng Tư pháp các huyện, thành phố thì hiện không có địa phương nào trong tỉnh tùy tiện tự đặt ra điều kiện trái với quy định pháp luật hoặc từ chối  chứng thực với lý do người yêu cầu chứng thực còn nợ các khoản đóng góp như: thuế, qũy an ninh, qũy khuyến học ...

Nhìn chung, việc thực hiện chứng thực trên địa bàn tỉnh Bình Định theo tinh thần Nghị định số 79/2007/NĐ-CP đã đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân cũng như các cơ quan, tổ chức có nhu cầu.Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những khó khăn, vướng mắc đó là: Chức năng, nhiệm vụ của công chức tư pháp - hộ tịch ở cấp xã quá nhiều nhưng chỉ có 01 biên chế làm công tác tư pháp - hộ tịch, do đó áp lực công việc rất lớn dẫn đến quá tải nhất là trong lĩnh vực chứng thực. Đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã luôn biến động, chưa được đào tạo một cách có hệ thống về nghiệp vụ chuyên môn, đặc biệt là nghiệp vụ chứng thực thì quá mới mẻ. Nên việc triển khai chứng thực một số UBND cấp xã còn gặp khó khăn, lúng túng.

Nguyễn Huỳnh Huyện