Lạng Sơn là một tỉnh miền núi biên giới, có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế nhưng cũng là điều kiện dễ phát sinh các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, nhất là nạn buôn bán phụ nữ qua biên giới. Từ năm 1990 đến tháng 6 năm 2006 có tới 4.965 phụ nữ và trẻ em vắng mặt ở địa phương, trong đó 139 phụ nữ, trẻ em bị buôn bán, 4.818 phụ nữ, trẻ em tự ý đi Trung Quốc làm ăn, lấy chồng hợp pháp. Trong 6 tháng đầu năm 2007 các cơ quan chức năng đã phát hiện 13 vụ buôn bán phụ nữ và trẻ em, bắt 24 đối tượng, theo thống kê có sự gia tăng 6 vụ và 12 đối tượng so với cùng kỳ năm 2006.
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, phòng chống tội phạm, ma tuý, mại dâm; phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em nói riêng luôn được Sở Tư pháp Lạng Sơn quan tâm thực hiện. Không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền qua hình thức biên soạn tờ gấp pháp luật, biên soạn đĩa CD phổ biến, giáo dục pháp luật phát cho các xã có hệ thống loa truyền thanh cơ sở, việc biên soạn Đề cương tuyên truyền cũng là một hình thức tuyên truyền hết sức quan trọng và mang lại hiệu quả, đó là một nguồn tài liệu quan trọng để cán bộ, nhân dân nghiên cứu và làm cơ sở để thực hiện việc tuyên truyền đến nhân dân ở cơ sở.
Đề cương tuyên truyền phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em luôn được Sở Tư pháp biên soạn hàng năm để phục vụ cho công tác tuyên truyền, tuy nhiên để đáp ứng nhu cầu PBGDPL trong tình hình mới thì các nội dung của Đề cương tuyên truyền phải luôn được thay đổi cho phù hợp để nhận thức của mọi người dân không ngừng được nâng lên.
Để phục vụ cho công tác tuyên truyền qua hình thức mở các Hội nghị tuyên truyền phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em năm 2007 ở cơ sở, Sở Tư pháp đã biên soạn Đề cương tuyên truyền phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em năm 2007, trong đó Đề cương đã kế thừa những nội dung còn phù hợp, loại bỏ những nội dung đã cũ, không còn phù hợp và bổ sung những nội dung mới. Đề cương tuyên truyền đã tập trung vào những nội dung sau:
Phần thứ nhất đã làm rõ tình hình, thực trạng, nguyên nhân và hậu quả của tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em trên toàn quốc và trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, những thủ đoạn mà bọn tội phạm sử dụng và các con đường buôn bán phụ nữ và trẻ em.
Phần thứ hai là những nội dung cơ bản của Chương trình hành động phòng, chống buôn bán phụ nữ và trẻ em từ năm 2004 đến năm 2010 trong đó tập trung vào các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu của chương trình, các đề án của chương trình.
Phần thứ ba tập trung vào một số quy định của pháp luật về phòng, chống buôn bán phụ nữ và trẻ em như Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài và Nghị định 69/2006/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 68; Nghị định số 150/2002/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội...
Phần thứ tư là một số (8 tội) tội phạm trong Bộ luật Hình sự năm 1999 liên quan đến phòng, chống buôn bán phụ nữ và trẻ em.
Qua các Hội nghị tuyên truyền tại cơ sở do các Báo cáo viên pháp lụât của Sở Tư pháp trực tiếp lên lớp, các đại biểu dự Hội nghị là đại diện các ban, ngành của xã, Bí thư chi bộ thôn, Công an viên thôn, trưởng thôn xóm và các đoàn thể sẽ được phát đề cương tuyên truyền làm tài liệu học tập, nghiên cứu và là những hạt nhân tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em cho bà con nhân dân ở cơ sở, nâng cao cảnh giác và kịp thời tố giác tội phạm trong lĩnh vực này./.
Đức Khoa