Lạng Sơn: Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS, phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm với công tác phòng, chống ma tuý

06/08/2007
Hiện trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn còn 991 người nghiện. Trong 6 tháng đầu năm đã cai nghiện cho 90 người (cai bắt buộc 38, tự nguyện 26, cai tại gia đình và cộng đồng 26). Cũng thời gian này các lực lượng chức năng đã triệt phá 1 tụ điểm 17 đối tượng sử dụng ma tuý tổng hợp, phát hiện bắt 39 vụ 57 đối tượng mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma tuý, thu giữ tang vật gồm 4.469,868 gam, 69 liều gói hêrôin, 69 viên ma tuý tổng hợp, 668 ống Diazepam, 37 ống Nôvôcain, 39.962000đ, 7 môtô, 16 điện thoại di động...

Trong 6 tháng đầu năm 2007, các sở, ban, ngành, đoàn thể, Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS, ma tuý, mại dâm các huyện, thành phố Lạng Sơn đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền phòng, chống ma tuý. Các ngành chức năng như công an, hải quan, bộ đội biên phòng đã phối hợp chặt chẽ, phát huy hiệu quả trong công tác nắm tình hình, quản lý đối tượng, địa bàn, kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới. Ngành công an đã đấu tranh quyết liệt với tội phạm ma tuý và tệ nạn ma tuý, mở nhiều đợt cao điểm tấn công trấn áp, triệt phá được nhiều đường dây mua bán trái phép chất ma tuý, kiềm chế được tình hình mua bán ma tuý nhỏ, không có tụ điểm phức tạp về ma tuý trên địa bàn.

Để đạt được những kết quả đó, công tác tuyên truyền, PBGDPL là hết sức quan trọng. Công an tỉnh đã chủ động phối hợp với Báo Lạng Sơn và Đài PT-TH tỉnh duy trì có hiệu quả chuyên mục “vì an ninh xứ Lạng”, xây dựng và đăng tải 50 tin phóng sự, 19 bài tuyên truyền về công tác phòng, chống ma tuý; kịp thời đưa tin phản ảnh gương người tốt, việc tốt trong công tác PCMT. Cấp phát 1.700 cuốn tạp chí phòng chống tội phạm, phòng chống ma tuý, 3000 tờ rơi tuyên truyền về nhận biết một số loại cây có chứa chất ma tuý... Ngành văn hoá- thông tin đã biên tập, in, phát hành 4 bộ tài liệu, 22 băng casette để tuyên truyền trên đường phố được 100 buổi thu hút hàng trăm nghìn lượt người nghe; kẻ vẽ 250m2 panô, bảng tường, tranh áp phích, treo 100 băngzôn, chiếu bóng lưu động 120 buổi phục vụ 18.000 lượt người xem, tổ chức 40 buổi sinh hoạt Câu lạc bộ tuyên truyền PCMT đến nhân dân.

Đài PT- TH tỉnh và Báo Lạng Sơn đã đăng tải 495 tin, bài trong đó có nhiều nội dung tuyên truyền pháp luật về phòng, chống ma tuý, tuyên dương gương người tốt trong công tác phòng, chống ma tuý.

Ngành Giáo dục và đào tạo đã tích cực tuyên truyền pháp luật về PCMT trong học sinh, sinh viên, tuyên truyền kiến thức về PCMT vào chương trình sinh hoạt ngoại khoá 155 buổi với 58.650 lượt học sinh, sinh viên tham gia, các trường học đã cho học sinh ký cam kết 5 không “không tàng trữ, không vận chuyển, không buôn bán, không thử, không sử dụng ma tuý” cho 51.652 học sinh, sinh viên ký.

Đoàn TNCSHCM đã phát huy vai trò xung kích trong công tác tuyên truyền phòng, chống ma tuý, tổ chức các buổi sinh hoạt văn hoá văn nghệ thu hút trên 70.000 lượt đoàn viên, thanh niên tham gia và hàng nghìn lượt quần chúng nhân dân hưởng ứng, tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về phòng, chống HIV, ma tuý, mại dâm, xây dựng lối sống đẹp, lành mạnh, có văn hoá cho 48.000 lượt đoàn viên, cấp phát 300 cuốn sách, 7000 tờ rơi với nội dung phòng chống ma tuý, mại dâm.

Bộ đội biên phòng đã tuyên truyền được 37 buổi cho 1.915 lượt nhân dân tham gia nghe, tăng cường các hoạt động kiểm soát, quản lý xuất nhập cảnh...Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh tuyên truyền được 781 buổi, thu hút 31.743 lượt hội viên tham gia tuyên truyền với chủ đề “không có chỗ dành cho ma tuý” được 92 buổi và 5.817 lượt hội viên tham gia. Uỷ ban mặt trận tổ quốc tỉnh tích cực vận động nhân dân các vùng biên giới, vùng sâu, vùng cao không trồng cây thuốc phiện. Đẩy mạnh thực hiện phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, “xây dựng gia đình, địa bàn không có người nghiện và tội phạm ma tuý”...

Công tác phòng, chống ma tuý (tuyên truyền và đấu tranh) là một công tác cần được tiến hành thường xuyên, liên tục và mạnh mẽ. Với vị thế là một tỉnh miền núi biên giới, công tác này đối với Lạng Sơn ngày càng được coi trọng, trong đó tích cực tuyên tuyền bằng nhiều hình thức và giúp đỡ người nghiện tái hoà nhập cộng đồng là một biễn pháp hữu hiệu và mang đậm tính xã hội sâu sắc./.

Đức Khoa