Điểm sáng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại tỉnh Nam Định

24/10/2007
Thực hiện chương trình phối hợp số 14/2002/TP-PN giữa Bộ Tư pháp và Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Kế hoạch số 01/KH-TP-PN ngày 13/02/2003 giữa Sở tư pháp và Hội LHPN tỉnh Nam Định, Kế hoạch số 01/KH-TP-PN ngày 8/4/2003 giữa Phòng tư pháp và Hội liên hiệp phụ nữ huyện Trực Ninh về phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho phụ nữ đã chọn Thị trấn Cổ Lễ làm thí điểm đầu tiên cho mô hình này.

Lãnh đạo địa phương rất phấn khởi và ủng hộ với chủ trương thành lập câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”, vì đây là một mô hình hoạt động mới và  cần thiết đối với phụ nữ.

Ngày 09/0/2003, câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật ” đã được ra mắt. Từ khi có câu lạc bộ đến nay, được sự quan tâm của Đảng uỷ- UBND, câu lạc bộ đã đi vào hoạt động mang lại hiệu quả cao.

Định kỳ 3 tháng một lần sinh hoạt, Câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật” thị trấn Cổ Lễ đã thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục  pháp luật, tập trung vào các nội dung: chính sách lao động nữ, quyền và nghĩa vụ của công dân, pháp luật về hôn nhân gia đình, dân số, đất đai, thừa kế, nghĩa vụ quân sự. Câu lạc bộ đã vận dụng linh hoạt các hình thức tuyên truyền pháp luật, cụ thể là: phổ biến giáo dục pháp luật trực tiếp bằng miệng về pháp luật, chủ yếu là các văn bản luật; xây dựng quản lý và khai thác tủ sách pháp luật; phổ biến pháp luật thông qua hoạt động hoà giải cơ sở; thông qua các loại hình văn hoá, văn nghệ. Tại các buổi sinh hoạt, CLB đã mời báo cáo viên pháp luật của Sở tư pháp, Tỉnh hội, Huyện hội, Phòng tư pháp, Uỷ ban dân số, kế hoạch hoá gia đình giới thiệu những nội dung cơ bản của pháp luật về hôn nhân gia đình, Luật đất đai, Pháp lệnh dân số thu hút 1.830 lượt chị em tham gia.

Bằng cách tham gia câu lạc bộ, nhiều chị em được trực tiếp bày tỏ nguyện vọng cũng như những vướng mắc trong cuộc sống gia đình và đều được tháo gỡ. Chị em hội viên đã có nhiều tiến bộ về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật thể hiện ở số lượng phụ nữ tham gia bầu cử cao trong bầu cử HĐND, các chị em tích cực tham gia xây dựng làng văn hoá mới, thực hiện phong trào 5 không trong khu dân cư do Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động.

Thông qua hình thức thi tìm hiểu pháp luật, Câu lạc bộ đã thu hút đông đảo chị em hội viên tham gia. Có 140 bài tham gia dự thi tìm hiểu Pháp lệnh phòng chống mại dâm, 250 câu hỏi xã hội học, 10/10 chi hội với 930 lượt chị em được phổ biến về Luật bầu cử HĐND &UBND sửa đổi do đồng chí chủ tịch Chủ tịch Hội LHPN huyện và đồng chí Phó bí thư Đảng bộ truyền đạt, đã có 5 chị là đại biểu HĐND và có 2 chị trong Ban chấp hành Đảng uỷ.

Trong hoạt động tư vấn pháp luật, câu lạc bộ đã tiến hành phát phiếu cho 10/10 chi hội cho 57 trường hợp cần trợ giúp, tư vấn pháp luật, với các nội dung về quyền sử dụng đất, chế độ thanh niên xung phong, các khoản đóng góp xây dựng trường học.

Trong công tác hoà giải, phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, 10/10 tổ hoà giải đều có 10 thành viên câu lạc bộ tham gia tổ chức hòa giải, câu lạc bộ đã hoà giải thành công 24/32 vụ.

Thực hiện theo đúng quy chế, sau 4 năm sinh hoạt, câu lạc bộ đã tổ chức được 9 kỳ sinh hoạt thu hút 1.325 lượt chị em phụ nữ tham gia. Từ con số ban đầu là 25, đến nay, câu lạc bộ đã nâng tổng quân số là 67 hội viên. Ban chủ nhiệm câu lạc bộ luôn sáng tạo trong cách thức tổ chức câu sinh hoạt, không quản khó khăn tìm cách tháo gỡ những vướng mắc trong từng hoàn cảnh cụ thể của từng hội viên. Thi hoà giải viên giỏi được nhất huyện Trực Ninh, tham gia lớp tập huấn do Sở tư pháp và Tỉnh hội tổ chức. Câu lạc bộ được Sở tư pháp- Tỉnh hội tặng tủ sách  pháp luật và nhiều tài liệu, tờ rơi về các nội dung pháp luật cần thiết. Trong các buổi sinh hoạt, bao giờ Câu lạc bộ cũng dành 1 giờ đầu  cho chị em đọc tài liệu, cho chị em mượn sách về nghiên cứu. Các hội viên được trang bị nhiều tài liệu, kiến thức về pháp luật, các thông tin cần thiết cho việc tuyên truyền các đối tượng thực hiện chủ trương, chính sách pháp luật  của Đảng và Nhà nước.

Hiệu quả trong hoạt động của “Câu lạc bộ Phụ nữ với pháp luật” đã thể hiện ở việc: Con em của hội viên không mắc vào các tệ nạn xã hội hoặc đã từng nghiện hút nay đã trở về với cuộc sống đời thường; đời sống khu dân cư được đảm bảo an ninh trật tự, ít có vi phạm pháp luật, những tranh chấp nhỏ ở cơ sở về lối đi liền kề hầu như không còn, giảm bớt những vụ việc phải xét xử tại Toà án nhất là các các vụ việc ly hôn do phụ nữ đứng tên. Từ ảnh hưởng của câu lạc bộ, người dân thị trấn Cổ Lễ đã ngày càng tin tưởng vào đường lối của Đảng và Nhà nước, nghiêm túc chấp hành pháp luật, mà kết  quả cụ thể là hai năm qua thị trấn Cổ Lễ không có đơn thư khiếu kiện nào ở cơ sở.

Với các kết quả hoạt động của câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật ” ở thị trấn Cổ Lễ đã nâng cao hiệu quả của công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho phụ nữ thị trấn nói riêng và phụ nữ tỉnh Nam Định nói chung. Qua đó để thấy được việc chấp hành pháp luật nghiêm túc của 1 tập thể- Câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”, mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn song vẫn làm tốt công tác phổ biến pháp luật cho hội viên của mình. Thông qua hoạt động của mô hình câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật” đã rút ra một số kinh nghiệm bước đầu, đó là: để việc phổ biến, giáo dục và chấp hành pháp luật đạt hiệu quả cao cần phải được các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tạo điều kiện; thành viên câu lạc bộ ngoài sự nhiệt tình còn phải trang bị cho mình kiến thức pháp luật nhất định để tuyên truyền vận động các tầng lớp phụ nữ cùng thực hiện; ngoài ra cần phải có kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động của câu lạc bộ, tạo mọi điều kiện tốt cho công tác phổ biến pháp luật, lấy cơ sở nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân.

Trần Hồng Nhung