Nam Định đa dạng hoá các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật

17/03/2008
Sau khi có Chỉ thị 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tỉnh Nam Định đã ban hành Chỉ thị 26-CT/TU ngày 21-4-2004 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân trong tỉnh.

. Ngay sau đó tỉnh Nam Định đã tổ chức hội nghị quán triệt Chỉ thị 32-CT/TW, Chỉ thị 26-CT/TU, gắn với việc tiếp tục chỉ đạo thực hiện Quyết định số 13/2003/QĐ-TTg ngày 17/01/2003 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2003 đến năm 2007 tới cán bộ chủ chốt của tỉnh. Một trong những kết quả nổi bật sau 5 năm thực hiện Quyết định 13/2003/QĐ-TTg chính là sự đa dạng của các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật ở tỉnh Nam Định.

Tuyên truyền miệng: Là hình thức được sử dụng chủ yếu trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại Nam Định. Với đội ngũ 300 báo cáo viên cùng với 2.000 tuyên truyền viên pháp luật trên toàn tỉnh đã trực tiếp tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật tới cơ sở, kết quả đã tổ chức được hàng ngàn buổi tuyên truyền pháp luật cho hàng chục ngàn lượt người cho cán bộ, công chức, hội viên, đoàn viên, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân về nội dung các văn bản pháp luật mới ban hành, các quy định pháp luật phục vụ việc triển khai nhiệm vụ chính trị ở địa phương…

Biên soạn, phát hành tài liệu: Nhằm đáp ứng nhu cầu về tài liệu phục vụ hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, trong những năm qua, các ngành, các cấp tập trung vào việc biên soạn phát hành các loại tài liệu như sách pháp luật bỏ túi, Bản tin Tư pháp, cẩm nang pháp luật, tờ gấp pháp luật, băng catsett và tổ chức phát hành các loại sách pháp luật phục vụ cán bộ, nhân dân trong tỉnh. 

Sở Tư pháp đã phát hành Bản tin Tư pháp ra hàng quý (4.000 bản/số), biên soạn và phát hành hàng trăm bộ đề cương tuyên truyền các văn bản pháp luật phát hành đến cơ sở, cấp 2.796 cuốn sách pháp luật tới 466 thôn, xóm, tổ dân phố thuộc 30 xã, phường, thị trấn được chọn làm điểm trong Chương trình 212 (đề án phát huy vai trò của cơ quan và cán bộ tư pháp trong phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn); Hỗ trợ sách pháp luật cho 6 đơn vị thuộc Bộ đội biên phòng và một số xã trong tỉnh…. Sở Văn hoá – Thông tin thông qua việc phát hành tạp chí của ngành dành nhiều trang bài để chuyển tải nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật như chuyên mục “xây dựng gia đình văn hoá để chủ động phòng chống các tệ nạn xã hội”; phát hành cuốn “Văn bản pháp quy về kinh doanh và dịch vụ văn hoá” tới cán bộ làm công tác văn hoá ở tất cả các xã, phường, thị trấn trong tỉnh; giao cho các Phòng Văn hoá các huyện, thành phố xuất bản và phát hành hàng vạn tài liệu sách báo, tranh ảnh, áp phích, tờ rơi phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

 Tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa phát thanh: Nhận thức đầy đủ ưu thế, tác dụng và hiệu quả của các phương tiện thông tin đại chúng đối với công tác phổ biến giáo dục pháp luật, các cấp, các ngành, Báo Nam Định, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh và Đài phát thanh cấp huyện, Đài truyền thanh cấp xã đã đưa thông tin, giới thiệu các văn bản pháp luật một cách thường xuyên, hoặc thông qua trao đổi, giải đáp pháp luật theo yêu cầu của khán thính giả và mở các chuyên mục như: “Tìm hiểu chế độ, chính sách”, “Văn bản mới”, “Hỏi đáp pháp luật”, “Câu chuyện pháp luật”, “Toàn dân phòng chống ma tuý”… đặc biệt Chuyên trang, chuyên mục “Pháp luật và đời sống” được cải tiến, nâng cao chất lượng thường xuyên, nội dung, hình thức ngày càng phong phú, tạo được sự quan tâm, đồng tình của các cấp, các ngành, đoàn thể và công chúng. Tính đến nay, Đài phát thanh của 10 huyện đã có chuyên mục “Pháp luật và đời sống”, 229 xã, phường, thị trấn đã tổ chức tuyên truyền pháp luật thường xuyên, có hệ thống.

Xây dựng và phát triển mạng lưới câu lạc bộ pháp luật ở cơ sở.

Câu lạc bộ pháp luật là một hình thức phổ biến giáo dục pháp luật, một tổ chức sinh hoạt pháp lý tự nguyện của những người có nhu cầu tìm hiểu pháp luật. Trong những năm qua đã tổ chức chỉ đạo thành lập, phát triển nhiều mô hình câu lạc bộ như Câu lạc bộ “Tuổi trẻ với pháp luật”, Câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”, Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” đặc biệt là sự phát triển của mô hình câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”( toàn tỉnh có 195 Câu lạc bộ với gần 5.000 thành viên, các huyện Ý Yên, Nghĩa Hưng,  thành phố Nam Định đã thành lập được câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật” ở 100% xã, phường, thị trấn) và Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” (với 11 Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” trên toàn tỉnh). Các câu lạc bộ được thành lập và hoạt động tốt đã đem lại hiệu quả thiết thực, từng bước đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của các đối tượng. Gần đây, mô hình câu lạc bộ trợ giúp pháp lý được thành lập ở hơn 20 đơn vị cấp xã trong tỉnh đang được nhân rộng đã và đang là một hình thức để phổ biến, giáo dục pháp luật quan trọng của người dân ở cơ sở đến đối tượng có nhu cầu.

 Xây dựng, nhân rộng, phát huy có hiệu quả tủ sách pháp luật.

Ngày 08/4/2003 UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-UB về tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng Tủ sách pháp luật (TSPL) ở xã, phường, thị trấn; xây dựng TSPL ở cơ quan, doanh nghiệp, trường học. Trên cơ sở đó, Sở Tư pháp Nam Định đã hướng dẫn nghiệp vụ xây dựng, quản lý, khai thác sử dụng TSPL trong cơ quan, hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp, trường học; giúp UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc kiểm tra tiến độ xây dựng TSPL ở các địa phương, đơn vị. Đến nay 100% số xã, phường, thị trấn của tỉnh Nam Định đã có tủ sách pháp luật; nhiều cơ quan, doanh nghiệp, trường học đã có tủ sách pháp luật và đã bắt đầu xây dựng Tủ sách pháp luật ở các đơn vị còn lại. Để bảo đảm thuận lợi cho việc tìm hiểu pháp luật của nhân dân, các địa phương thực hiện việc luân chuyển sách giữa tủ sách pháp luật của xã với tủ sách pháp luật của Bưu điện văn hoá xã. Sở Văn hoá – Thông tin chỉ đạo Thư viện tỉnh phối hợp với các huyện, thành phố xây dựng các tủ sách pháp luật ở UBND xã, phường, thị trấn, các làng văn hoá, các điểm bưu điện văn hoá xã để mọi người dân có điều kiện thuận lợi nghiên cứu các văn bản pháp luật.

Tăng cường thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý.

 Thực hiện Quyết định 13/2003/QĐ-TTg, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động Trợ giúp pháp lý tại tỉnh Nam Định ngày càng được quan tâm tập trung, đầu tư, có hiệu quả cao, việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trực tiếp cho đối tượng chính sách và người nghèo đã trở thành một nội dung quan trọng và cần thiết khi tiến hành các hoạt động Trợ giúp pháp lý. Thông qua việc thành lập và hoạt động của mô hình Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý đã giúp người dân cơ sở giải đáp được những vướng mắc pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.

Thực hiện phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hoà giải cơ sở.

Với mục tiêu thông qua hoà giải để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật từ đó góp phần hạn chế vi phạm pháp luật, mâu thuẫn xích mích trong nội bộ nhân dân, đến nay toàn tỉnh đã có 3.581 tổ hoà giải và gần 19.000 hoà giải viên cơ sở, với tỷ lệ hoà giải thành 82%. Năm 2005, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ tư pháp và UBND tỉnh, Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã tổ chức cuộc thi “hoà giải viên giỏi”, cấp xã, cấp huyện và hội thi hoà giải viên giỏi tỉnh Nam Định lần thứ hai đã đạt được kết quả tốt. Sở Tư pháp thường xuyên chỉ đạo, củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở, với mục tiêu thông qua hoạt động hoà giải để tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật.

Có thể nói rằng sau 5 năm thực hiện Quyết định 13/2004/QĐ- TTg, tỉnh Nam Định đã tích cực chủ động tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đạt nhiều kết quả tích cực. Các cấp chính quyền ngày càng coi trọng hơn công tác lãnh đạo trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đồng thời xác định phổ biến giáo dục pháp luật là một nhiệm vụ thường xuyên trong chỉ đạo, điều hành, làm cho nhân dân thấy sự cần thiết phải tìm hiểu pháp luật, tạo ý thức, thói quen sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã đem lại những hiệu quả, chuyển biến tích cực; ý thức tự giác chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân được đề cao. Tuy nhiên, điều kiện cơ sở vật chất dành cho triển khai chương trình, kế hoạch, nội dung nhiệm vụ phổ biến giáo dục pháp luật còn rất hạn chế, chưa đáp ứng tích cực những hoạt động của công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Trong thời gian tới, Nam Định cần tập trung đề cao và triệt để khai thác mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan tư pháp với các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền các địa phương nhằm phát huy vị trí, vai trò thế và lực trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động, đối tượng quản lý của mỗi cơ quan, tổ chức. Chủ động xây dựng và tăng cường quản lý lực lượng làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở tỉnh, các ngành, các địa phương (báo cáo viên, tuyên truyền viên, hoà giải viên ở cơ sở, đội ngũ giáo viên giảng dạy pháp luật, giáo dục công dân, phóng viên cơ quan Báo, Đài…) đủ về số lượng, có chất lượng, thường xuyên được tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức pháp luật, bảo đảm kinh phí hoạt động./.

 Trần Thị Hồng Nhung