An Hưng - Bình Định với sáng kiến đưa luật vào hương ước

17/03/2008
Chuyển các quy định pháp luật vào những nội dung các bản hương ước, rồi thông qua già làng của các thôn, các bản làng trong xã để dịch ra tiếng H'rê lồng vào các buổi sinh hoạt, lễ hội của các làng để phổ cập đến đồng bào H'rê. Đó là cách làm đầy sáng tạo của tư pháp xã An Hưng, huyện An Lão, tỉnh Bình Định

Từ năm 2000, khi có chủ trương xây dựng hương ước thôn, làng, anh Đinh Văn Dung, cán bộ tư pháp xã đã chuyển các quy định Luật Hôn nhân và gia đình; Nghị định 32 áp dụng Luật Hôn nhân và gia đình vào các dân tộc thiểu số, Pháp lệnh Dân số, Nghị định 83 về đăng ký và quản lý hộ tịch… thành những quy định ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ như: Quy định nam trên 20 tuổi, nữ trên 18 tuổi mới được đăng ký kết hôn; quyền và nghĩa vụ của vợ chồng phải bình đẳng, tôn trọng và chung thuỷ; vợ chồng chỉ được sinh từ 1 đến 2 con, tránh đẻ dày; xoá bỏ các tục lệ rườm rà kém văn minh trong ma chay, cưới hỏi… thành những điều khoản dễ nhớ để đưa vào hương ước. Để phổ biến nội dung hương ước đến từng hộ đồng bào dân tộc H'rê ở đây, anh Dung đề xuất UBND xã hỗ trợ kinh phí để photo và cấp phát mỗi hộ một bản hương ước bằng tiếng H'rê để thường xuyên học tập và thực hiện. Lựa chọn một số điều khoản trong hương ước thiết thực với người dân, anh Dung phóng to bằng chữ H'rê dán giữa nhà rông, mục đích để mọi người trước khi họp làng cùng đọc, cùng kiểm điểm lại những việc làm được và chưa làm được.

         Để các quy định của hương ước nhanh chóng ăn sâu vào tiềm thức, thói quen của người dân, anh Dung phối hợp với 5 già làng trong xã lồng ghép vào các lễ hội của làng để tuyên truyền, giúp người dân dễ tiếp thu, cảm thấy thích thú hơn. Để những quy định của hương ước dễ nhớ hơn, chi đoàn thanh niên của mỗi thôn cải biên một số quy định của hương ước thành một số câu ca bằng tiếng H'rê như: ca ngợi hôn nhân tự nguyện và tiến bộ; khuyên các chàng trai, cô gái không kết hôn sớm; trẻ em mới sinh ra phải khai sinh… Những câu ca, bài hát cải biên được các đoàn viên đưa vào sinh hoạt trong chi đoàn, làm sao cho dễ hát, dễ nhớ, dễ tuyên truyền. Sau đó, mỗi khi già làng tổ chức họp chỉ cần giới thiệu sơ lược rồi cùng hát những đoạn hát cải biên có "cái luật" cho bà con nghe. Trong cuộc họp bàn việc quy hoạch rừng, khoán rừng cho từng hộ chăm sóc hoặc tại lễ cúng cơm mới cũng được mọi người hát cho nhau nghe. Như mưa lâu thấm đất, "cái hương ước" đã thấm vào trong trí nhớ của bà con lúc nào không hay.

       Kết quả của 7 năm thực hiện hương ước, tình trạng tảo hôn, các hủ tục trong ma chay, cưới hỏi giảm đáng kể, và không còn một phụ nữ H'rê nào lỡ có sai phạm về cuộc sống tình duyên bị đuổi ra khỏi làng. Tệ cầm đồ thuốc độc không còn, các trường hợp "bắt vợ", "bắt chồng" không còn xảy ra, nam nữ đã đi đến hôn nhân bằng tự nguyện. Người dân An Hưng phấn khởi và tự giác đăng ký tham gia xây dựng làng văn hoá, cam kết thực hiện nếp sống mới trong cộng đồng người dân tộc H'rê ở từng thôn bước đầu khởi sắc.

    Đánh giá về cách làm có hiệu quả trong việc xây dựng và thực hiện hương ước ở xã An Hưng, ông Phạm Minh Xây - Trưởng phòng Tư pháp huyện An Lão - cho biết: "Với cách làm có sáng tạo của một xã miền núi, phù hợp với trình độ dân trí và nhận thức của bà con dân tộc H'rê, đến nay các thôn, các bản làng huyện miền núi An Lão đã xây dựng xong hương ước trên cơ sở nhân rộng xã điểm An Hưng. Đây là một điển hình tốt của công tác xã hội hoá pháp luật đến từng người dân".

          Những kinh nghiệm trong việc triển khai xây dựng và thực hiện hương ước của xã miền núi An Hưng là một cách làm hay cần nhân rộng trong toàn tỉnh Bình Định.

Nguyễn Huỳnh Huyện