Sở Tư pháp tỉnh Lạng Sơn ban hành kế hoạch thực hiện Đề án IV- Chương trình 212.

17/03/2008
Nhằm tiếp tục củng cố và phát huy vai trò của cơ quan Tư pháp và cán bộ Tư pháp trong phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn trên cơ sở tăng cường năng lực PBGDPL của cán bộ Tư pháp, phát huy có hiệu quả giáo dục pháp luật của các hoạt động Tư pháp, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan Tư pháp, Sở Tư pháp Lạng Sơn đã ban hành kế hoạch thực hiện đề án "phát huy vai trò của cơ quan Tư pháp và cán bộ Tư pháp trong phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn" năm 2008 (Đề án IV- Chương trình 212).

Kế hoạch đã xác định rõ trong năm 2008 thực hiện 9 nội dung sau: 

          1. Chỉ đạo các đơn vị được lựa chọn thực hiện điểm đề án trong năm 2007 tiến hành sơ kết 01 năm thực hiện Đề án, từ đó tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền nhân diện rộng trên địa bàn huyện.

          Tiếp tục nhân rộng mô hình chỉ đạo điểm đề án tại 8 xã của 4 huyện Văn Lãng, Tràng Định, Lộc Bình và Bình Gia (bao gồm tổ chức tập huấn nghiệp vụ PBGDPL, trợ giúp pháp lý, cung cấp tài liệu cho cán bộ Tư pháp xã, Công an xã và lực lượng tuyên truyền viên PL xã…).

          2. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ PBGDPL, trợ giúp pháp lý và bồi dưỡng kiến thức pháp luật, lý luận chính trị cho cán bộ Tư pháp, giảng viên Ban Tư pháp cấp xã.

          Ở cấp tỉnh Sở Tư pháp sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn nghiệp vụ PBGDPL, trợ giúp pháp lý, kiến thức pháp luật, lý luận chính trị cho cán bộ Tư pháp và Giảng viên trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện.

          Ở cấp huyện tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ PBGDPL, trợ giúp pháp lý, kiến thức pháp luật và lý luận chính trị cho Báo cáo viên PL, thành viên Ban Tư pháp cấp xã.

          Chỉ đạo các xã tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật và cung cấp tài liệu PL cho lực lượng Tuyên truyền viên ở xã, cộng tác viên tuyên truyền PL, Hoà giải viên thôn, bản, khối phố.

          3. Tăng cường Trợ giúp pháp lý cho các đối tượng được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật; gắn công tác trợ giúp pháp lý với công tác PBGDPL cho nhân dân.

          Trung tâm TGPL tỉnh tăng cường các hoạt động trợ giúp pháp lý tại văn phòng và tổ chức các đợt Trợ giúp lưu động định kỳ cho nhân dân ở cơ sở, trong đó quan tâm các đối tượng là người  nghèo, đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số; tập trung vào những lĩnh vực PL liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân, những vấn đề PL vướng mắc, nổi cộm tại địa bàn.

          Phối hợp với các huyện, thành phố thành lập các Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý tại các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn theo chỉ đạo chung.

          Phòng Tư pháp cấp huyện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với Trung tâm TGPL tỉnh đẩy mạnh hoạt động TGPL cho nhân dân trên địa bàn.

          4. Nâng cao hiệu quả quản lý và khai thác Tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn, ngăn sách PL ở thôn, bản, khối phố.

          Sở Tư pháp chỉ đạo, hướng dẫn việc quản lý, hướng dẫn việc quản lý và khai thác TSPL ở xã, phường, thị trấn để TSPL thực sự trở thành nguồn tra cứu PL phong phú giúp cho cán bộ, công chức cấp xã áp dụng giải quyết công việc đúng PL và phục vụ nhu cầu tìm hiểu PL của nhân dân.

          Tiếp tục tăng cường đầu tư kinh phí để trang bị bổ sung các loại đầu sách, báo, tạp chí PL cho TSPL bằng nguồn ngân sách của cấp xã có sự hỗ trợ của cấp tỉnh, cấp huyện.

          5. Biên soạn, phát hành các tài liệu tuyên truyền, PBGDPL phục vụ việc nâng cao năng lực giải quyết công việc của cán bộ các cơ quan Tư pháp và hiểu biết PL của nhân dân ở xã, phường, thị trấn gồm Sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ PBGDPL, Tờ gấp PL, băng cassette, đĩa CD có nội dung tuyên truyền PL để cấp phát cho các xã, phường, thị trấn.

          6. Củng cố nâng cao hoạt động của các Tổ hoà giải ở cơ sở.

          Sở Tư pháp hướng dẫn UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tiếp tục củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tổ hoà giải ở cơ sở theo đúng quy định của PL về hoà giải ở cơ sở và Chỉ thị số 12/2007/CT-UBND ngày 17/8/2007 của UBND tỉnh Lạng Sơn về tăng cường công tác hoà giải trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn…

          7. Thông qua trang tin điện tử của Sở Tư pháp Lạng Sơn tăng cường đưa các tin bài tuyên truyền PL để phổ biến cho cán bộ và nhân dân; kịp thời giải đáp các thắc mắc của cán bộ, nhân dân liên quan đến PL.

          8. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa Sở Tư pháp và các ban, ngành liên quan trong việc thực hiện đề án nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ Tư pháp xã, công an xã trong việc thực hiện nhiệm vụ thi hành các bản án, quyết định của Toà án theo thẩm quyền và PBGDPL thông qua các phiên toà xét xử lưu động.        Sở Tư pháp phối hợp với Công an tỉnh, Sở Nội vụ, TAND tỉnh, Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh ký kết kế hoạch liên ngành để thực hiện đề án và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả.

          Với 9 nội dung cần thực hiện trong năm 2008 nêu trên, Sở Tư pháp cũng đã xác định tiến độ thời gian thực hiện đảm bảo triển khai đề án IV- Chương trình 212 năm 2008 phù hợp và hiệu quả./.

Đức Khoa