Định hướng hợp nhất Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật: Rà soát giảm “tầng nấc” hệ thống văn bản

17/06/2012
Ngày 15/6, Bộ Tư pháp tổ chức tọa đàm về định hướng hợp nhất hai đạo luật liên quan đến Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Đây là một Dự án Luật quan trọng, tương tự “một linh kiện giúp cho bộ máy nhà nước vận hành trơn tru” như Thứ trưởng Lê Thành Long chủ trì buổi tọa đàm đã nhấn mạnh.

“Luật của Luật”

Trong những năm qua, công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, chất lượng của hệ thống pháp luật có nhiều vấn đề phải xem xét như tính thống nhất chưa cao, tính ổn định còn thấp, tính khả thi còn bất cập, tính công khai, minh bạch còn hạn chế. Để khắc phục tình trạng trên, Dự án Luật Ban hành VBQPPL (hợp nhất) đã được Quốc hội khóa XIII đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, trên cơ sở hợp nhất Luật Ban hành VBQPPL năm 2008 và Luật Ban hành VBQPPL của HĐND, UBND năm 2004. Ngoài mục đích thống nhất các quy định về ban hành VBQPPL, về hợp nhất VBQPPL, pháp điển hệ thống QPPL, kiểm tra VBQPPL, việc ban hành Luật mới để thay thế 2 Luật này sẽ là cơ sở pháp lý nâng cao chất lượng VBQPPL, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo định hướng XHCN, bảo vệ các quyền con người, nội luật hóa các điều ước quốc tế.

Các đại biểu tham dự tọa đàm là các chuyên gia pháp lý, các nhà hoạch định chính sách, các nhà thực tế… đều đồng tình với ý tưởng hợp nhất 2 đạo luật về ban hành VBQPPL bởi trong công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật không thể tồn tại 2 Luật riêng rẽ như hiện nay. Có đại biểu gọi Dự án Luật hợp nhất là “Luật của Luật”, theo đó cần xác định vị trí của VBQPPL là công cụ quản lý nhà nước. Còn Thứ trưởng Lê Thành Long ví nó như “một linh kiện giúp cho bộ máy nhà nước vận hành trơn tru”.

Giảm “tầng nấc” phải song hành với chất lượng

Với vị trí, vai trò quan trọng như vậy thì theo Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Nguyễn Hồng Tuyến, một trong những định hướng lớn khi xây dựng Luật hợp nhất chính là tập trung đổi mới hệ thống pháp luật Việt Nam nhằm khắc phục tình trạng phức tạp, cồng kềnh, nhiều tầng nấc, với nhiều chủ thể ban hành nhiều loại VBQPPL. Mặc dù Luật Ban hành VBQPPL năm 2008 đã thu gọn một bước các loại VB do các cơ quan nhà nước ở TƯ ban hành nhưng vẫn còn đến 12 loại VB. Do đó, sẽ tiếp tục rà soát các VBQPPL để xác định rõ thẩm quyền ban hành, tiếp tục giảm bớt các hình thức VBQPPL trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Chẳng hạn, sẽ nghiên cứu, xem xét theo hướng không quy định nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội là VBQPPL, nghiên cứu bỏ hình thức VBQPPL liên tịch giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, TANDTC, VKSNDTC, bỏ hình thức chỉ thị của UBND các cấp; xem xét bỏ thẩm quyền ban hành VBQPPL của HĐND, UBND cấp huyện và cấp xã, Chánh án TANDTC, VKSNDTC (chỉ giữ lại thẩm quyền ban hành VBQPPL của Hội đồng thẩm phán TANDTC)…

Nhận định những đề xuất bỏ thẩm quyền ban hành VBQPPL của một số cơ quan TƯ là rất mạnh dạn, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự Hành chính Nguyễn Quốc Việt còn kiến nghị cân nhắc cả Hội đồng thẩm phán TANDTC vì ít thực hiện  chức năng giải thích pháp luật suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên, cũng theo ông Việt, nên giới hạn thẩm quyền của cấp tỉnh, chỉ ban hành VBQPPL đối với một số lĩnh vực thực sự đặc thù của địa phương, những vấn đề mà TƯ chưa quy định, đồng thời chưa nên bỏ hình thức văn bản liên tịch giữa các bộ ngành khi nhiều nội dung trong các Luật vẫn cần phải hướng dẫn cụ thể. Đã là nghị quyết thì không chứa quy phạm.

Trong khi ấy, tuy tán thành định hướng hạn chế thẩm quyền ban hành VBQPPL của HĐND, UBND cấp huyện, cấp xã, bà Trần Hồng Nguyên (Ban Cải cách tư pháp TƯ) bày tỏ băn khoăn: Nếu bỏ thẩm quyền ban hành VBQPPL của VKSNDTC, TANDTC thì ai sẽ ban hành những VB trong các ngành này. “Thu gọn không có nghĩa cắt hết thẩm quyền ban hành VBQPPL” – bà Nguyên đúc rút.

Đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Giáo dục&Đào tạo) phản ánh, hiện đang tồn tại một lượng lớn VB không phải là QPPL, nên chăng Luật hợp nhất không cần theo hướng giảm bớt các loại VBQPPL mà phải tập trung hoàn thiện hệ thống VBQPPL, nâng cao chất lượng VB. “Nếu giảm số lượng VBQPPL thì sẽ tăng số lượng các VB khác như công văn trái luật, VB hành chính, hay phổ biến là rất nhiều Bộ ngành đề xuất xây dựng Đề án – một loại VB chưa được quy định ở đâu cả, rồi trên cơ sở các Đề án rất nhiều VBQPPL lại ra đời” – vị này phân tích.

Cẩm Vân