Đoàn công tác của Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra về đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại Thành phố Hồ Chí Minh

11/06/2012
Tiếp theo hoạt động kiểm tra tại tỉnh Thừa Thiên Huế và TP. Đà Nẵng, trong ngày 07/6 và 08/6/2012, Đoàn công tác liên ngành của Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên - Môi trường đã kiểm tra công tác đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Với vị trí là trung tâm kinh tế của đất nước, số lượng các giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất được đăng ký tại TP. Hồ Chí Minh cao nhất cả nước. Sau khi làm việc với đại diện Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường, các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, tổ chức hành nghề công chứng, tổ chức tín dụng nhằm giải đáp vướng mắc và tháo gỡ kịp thời những khó khăn cho địa phương trong thực tiễn áp dụng pháp luật về giao dịch bảo đảm và đăng ký giao dịch bảo đảm, Đoàn công tác đã kiểm tra Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất TP Hồ Chí Minh, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất quận Bình Tân và quận 1.

Thực hiện Nghị định số 83/2010/NĐ-CP về đăng ký giao dịch bảo đảm, Sở Tư pháp và Sở Tài nguyên và Môi trường cùng với các Sở, ngành có liên quan bước đầu đã tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm trên địa bàn thành phố (ví dụ: tham mưu với Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Chỉ thị số 05/2012/CT-UBND về việc triển khai Nghị định số 83/2010/NĐ-CP; bố trí 01 công chức Phòng Bổ trợ tư pháp của Sở Tư pháp theo dõi công tác đăng ký giao dịch bảo đảm; phối hợp tổ chức khảo sát thực tế về đăng ký giao dịch bảo đảm; tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định số 83/2010/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; một số văn bản QPPL trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm cũng đã được tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp tiếp cận, thực hiện; tổ chức họp giao ban giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan đến giao dịch bảo đảm và đăng ký giao dịch bảo đảm). Thành phố cũng đã có phương án để đầu tư hoàn thiện hệ thống dữ liệu địa chính (trong đó có dữ liệu về biến động) phục vụ công tác đăng ký giao dịch bảo đảm. Thủ tục đăng ký đã được các VPĐK niêm yết công khai; các Văn phòng đăng ký đã bố trí, sắp xếp cán bộ chuyên trách để thực hiện công tác đăng ký giao dịch bảo đảm (ví dụ: VPĐK Thành phố bố trí 04 chuyên viên, VPĐK quận Bình Tân bố trí 02 chuyên viên, VPĐK quận 1 bố trí 1 chuyên viên thực hiện việc đăng ký giao dịch bảo đảm)…

Tuy nhiên, công tác đăng ký giao dịch bảo đảm tại TP.HCM vẫn tồn tại những hạn chế cần khắc phục, cụ thể như: Ủy ban nhân dân TP chưa ban hành Quy chế phối hợp trong quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm nên việc xác định phạm vi thẩm quyền, trách nhiệm của các Sở còn lúng túng; chưa có phương án cụ thể để thực hiện cơ chế chia sẻ thông tin giữa các cơ quan có liên quan đến thông tin về giao dịch bảo đảm theo Thông tư liên tịch số 20/2012/TTLT-BTP-TNMT; việc phối hợp trong công tác kiểm tra các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất chưa được Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện, do đó một số vướng mắc, hạn chế trong hoạt động đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm chậm được tháo gỡ. Công tác cập nhật, chỉnh lý hồ sơ đăng ký chưa được thực hiện theo đúng hướng dẫn của các Thông tư liên tịch (ví dụ: Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất quận Bình Tân và quận 1 chưa thực hiện chỉnh lý Sổ địa chính, Sổ theo dõi biến động đất đai). Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất vẫn chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật, ví dụ như PĐK quận Bình Tân chưa có giải pháp để thực hiện đúng quy định về thời hạn đăng ký (hiện nay Văn phòng đăng ký cần 03 ngày để giải quyết 01 hồ sở đăng ký thế chấp); VPĐK quận 10, VPĐK quận Bình Tân yêu cầu phải kê khai bên vay vốn trong trường hợp thế chấp để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người khác (bên vay vốn và bên thế chấp là 02 chủ thể khác nhau); một số VPĐK yêu cầu xuất trình các giấy tờ không có trong hồ sơ đăng ký (ví dụ: yêu cầu xuất trình văn bản ủy quyền khi người yêu cầu xóa đăng ký là bên thế chấp); một số tổ chức tín dụng vẫn sử dụng mẫu Đơn yêu cầu đăng ký thế chấp cũ, chưa kê khai theo mẫu đơn đăng ký được ban hành theo Thông tư liên tịch số 20/2011/TTLT-BTP-BTNMT, chưa thực hiện đúng quy định về đăng ký thay đổi, xóa đăng ký giao dịch bảo đảm…

Ngoài ra, Đoàn kiểm tra nhận thấy, trong thời gian tới, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành có liên quan cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, ví dụ: Hướng dẫn cụ thể về xử lý tài sản bảo đảm nhằm tăng cường tính thanh khoản của tài sản bảo đảm; hướng dẫn trường hợp thế chấp và đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai theo quy định của Nghị định số 71/2010/NĐ-CP; nghiên cứu ban hành chuẩn nghiệp vụ cho cán bộ đăng ký và tiến tới xây dựng chức danh Đăng ký viên.

Dương Thu Trang - Cục Đăng ký