Đề án quy hoạch các tổ chức hành nghề công chứng: Vướng về tiêu chí!

10/11/2009
Theo đại diện Vụ Bổ trợ tư pháp, tiêu chí nào để quy hoạch các tổ chức hành nghề công chứng (TCHNCC) là một trong những câu hỏi cần được giải đáp đối với Đề án xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển các TCHNCC ở Việt Nam

Theo Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp Đỗ Hoàng Yến, thực hiện chủ trương xã hội hoá, số lượng các công chứng viên (CCV) và TCHNCC ở Việt Nam phát triển rất nhanh. Đến tháng 10/2009, cả nước có 228 TCHNCC và 600 CCV so với 129 Phòng công chức và 410 CCV trước đó. Tuy nhiên, sự phát triển này không đồng đều và bất hợp lý như mới có 27/63 địa phương thành lập Văn phòng Công chứng, trong đó riêng Hà Nội có 42 văn phòng, TP. HCM có 12 văn phòng, số tỉnh còn lại có từ 1-3 văn phòng. Hay cả Hà Nội có 51 TCHNCC gồm 9 Phòng công chứng và 42 văn phòng công chứng, song riêng trên địa bàn quận Cầu Giấy có tới chục TCHNCC trong khi 12 quận huyện khác lại vắng bóng… Vì vậy, cái đích hướng tới của Đề án là “vẽ” bản đồ tổng thể cho các TCHNCC phát triển có quy hoạch hợp lý. “Việc quy hoạch phát triển TCHNCC có thể được xây dựng trên 3 tiêu chí sau: nhu cầu công chứng của xã hội, diện tích và phân bố dân cư, dự báo tốc độ phát triển và nhu cầu công chứng của từng khu vực được hay không?”, bà Yến đặt câu hỏi.

Là một địa phương đã phê duyệt Đề án quy hoạch phát triển nghề công chứng, Sở Tư pháp Vĩnh Phúc từng rất lúng túng trong tham mưu cho UBND tỉnh về tiêu chí để đưa ra quy hoạch cho một tỉnh có hơn 100 xã với 1,2 triệu dân. Ông Trần Diện (Sở Tư pháp Vĩnh Phúc) cho biết, tỉnh chưa có quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thì việc quy hoạch TCHNCC có thể nói là bài toán hóc búa. Tuy nhiên, giải pháp của Vĩnh Phúc là đặt VPCC ở vùng giáp ranh các huyện theo bản đồ hành chính. Đồng thời khẳng định chủ trương đưa các Phòng công chứng đến hoạt động tại các huyện vùng sâu, vùng xa. Theo ông Diện, nếu mục tiêu của Đề án là “vẽ” bản đồ cả nước thì cần đưa ra những tiêu chí cụ thể, rõ ràng hơn. Bên cạnh việc xác định tiêu chí phát triển kinh tế - xã hội là quan trọng phải xây dựng được thêm tiêu chí khác tạo thành một hệ tiêu chí để định hướng cho các địa phương.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Bắc Ninh Đỗ Xuân Hoà nhấn mạnh, Đề án Quy hoạch phải mang tính luật pháp, nên việc xây dựng đòi hỏi rất công phu, nhất là trong việc xác định các tiêu chí. Tán thành giải pháp đưa Phòng công chứng về vùng sâu, vùng xa của Vĩnh Phúc nhưng ông Hoà nhấn mạnh phải có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các CCV làm nhiệm vụ này như là “đi bộ đội”. “Nếu không các CCV sẽ xin nghỉ ngay để mở VPCC và như thế quy hoạch sẽ không thành công”. Ông cũng tâm tư, các nước có quá trình phát triển cả trăm năm mới hình thành được bản đồ quy hoạch, vậy mà Việt Nam chỉ 1-2 năm đã “vẽ được thì không ổn về tiến độ”, đặc biệt nếu xây dựng Đề án trên những tiêu chí như phát triển kinh tế - xã hội, dân số… thì đều là những yếu tố biến động.

Chuyên gia tư vấn Dương Thanh Mai nhận định, bản đồ không phải là mục đích tự thân của Đề án. Nên chăng để đáp ứng nhu cầu của xã hội, Ban soạn thảo có thể điều chỉnh thành Đề án phát triển nghề công chứng, chứ không đơn thuần là TCHNCC. Quan điểm của bà Mai là đi từ cái chung đến cái riêng, từ chính sách của nhà nước đến hiện thực của địa phương. Bà Lê Hải Yến (Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ Tư pháp) cũng cho rằng, Đề án này là một bộ phận cấu thành của Đề án phát triển nghề công chứng. Bà Yến khẳng định, Đề án có thể làm được, có thể vẽ ra bản đồ song sẽ lại là khó khi chưa có Đề án phát triển nghề công chứng trước. “Trong thời gian ngắn vừa điều tra, khảo sát, vừa xây dựng hệ tiêu chí thì e rằng khó khả thi”, bà Yến cũng băn khoăn.

Thục Quyên