Thực hiện Dự án về phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em: Thành lập nhóm hỗ trợ pháp lý đa ngành

05/11/2009
Để triển khai các hoạt động từ Dự án “Phòng chống buôn bán người ở Việt Nam” do Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) hỗ trợ, Cục Trợ giúp pháp lý (TGPL) đã có bản hướng dẫn các Trung tâm TGPL thực hiện các hoạt động hỗ trợ một cách có hiệu quả. Trong đó, đáng chú ý là việc hướng dẫn thành lập và các nội dung hoạt động của Nhóm hỗ trợ pháp lý đa ngành.

Theo Cục TGPL, các Trung tâm TGPL Nhà nước cần chủ động chuẩn bị tài liệu, liên hệ về nhân sự, tham mưu cho Giám đốc Sở Tư pháp xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan và đoàn thể xã hội, đặc biệt là các cơ quan, tổ chức có chức năng đại diện và bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em là nạn nhân tội phạm buôn bán người như cơ quan công an, biên phòng, cơ quan tiến hành tố tụng, Hội Liên hiệp phụ nữ, cơ quan lao động - xã hội, chính quyền các cấp… nhằm tạo điều kiện cho nạn nhân được hưởng dịch vụ TGPL để họ sớm hòa nhập cộng đồng và ổn định cuộc sống; đồng thời ra quyết định thành lập Nhóm. Thành viên của Nhóm hỗ trợ bao gồm đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp và Trung tâm TGPL, Biên phòng, đại diện các cơ quan tiến hành tố tụng (cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án), đại diện Hội Phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc và Đoàn luật sư. Việc thành lập và hoạt động của Nhóm hỗ trợ pháp lý đa ngành của tỉnh cần được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương để giúp các nạn nhân bị buôn bán biết rõ quyền được hỗ trợ và bảo vệ trong các vấn đề pháp lý và quá trình tố tụng hình sự.

Cục TGPL cũng nhấn mạnh, kế hoạch hoạt động của Nhóm cần cụ thể, gắn với các Đồn Biên phòng, các cơ quan có liên quan trong việc tiếp nhận nạn nhân. Các hoạt động của Nhóm có thể là những hoạt động hỗ trợ ban đầu về y tế, tâm lý, pháp luật hay hỗ trợ nạn nhân về các thủ tục hành chính (xin cấp lại chứng minh thư, hộ khẩu, đăng ký khai sinh cho trẻ em, xin lại nhà, đất, việc làm, đăng ký tạm trú hoặc đăng ký về nơi cư trú cũ…) hoặc hướng dẫn nạn nhân làm đơn tố cáo người có hành vi buôn bán người, đơn khiếu kiện, yêu cầu xử lý về tài sản…

Về thủ tục tiếp nhận vụ việc, thành viên Nhóm hỗ trợ pháp lý đa ngành trao đổi, thảo luận với các cơ quan có liên quan giải quyết vụ việc của nạn nhân và phân công cán bộ thực hiện TGPL. Đối với trường hợp nạn nhân yêu cầu bảo vệ, thành viên làm việc với chính quyền, với Hội Phụ nữ tạo điều kiện bố trí chỗ tạm lánh. Nếu nạn nhân yêu cầu hỗ trợ việc làm đơn tố cáo, khiếu kiện thì Trung tâm TGPL cử người để tư vấn, đại diện hoặc tham gia tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích cho nạn nhân. Trong trường hợp các vụ việc phức tạp, liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, Nhóm hỗ trợ pháp lý đa ngành tổ chức họp để giải quyết vụ việc.

Vụ việc của nạn nhân có thể được thực hiện thông qua các hình thức: cử Trợ giúp viên pháp lý, thuê luật sư, tư vấn viên là cộng tác viên TGPL thực hiện tư vấn, đại diện ngoài tố tụng hoặc tham gia tố tụng; tổ chức thảo luận, trao đổi trong Nhóm hỗ trợ pháp lý đa ngành để giải quyết vụ việc theo nguyên tắc chỉ thuê cộng tác viên đối với những vụ việc phức tạp, vượt qua khả năng tư vấn của trợ giúp viên, thành viên Nhóm hỗ trợ pháp lý đa ngành. “Cộng tác viên được thuê phải là những người có trình độ, kinh nghiệm, tâm huyết và có cùng giới với nạn nhân để họ dễ dàng bày tỏ”, một lãnh đạo của Cục TGPL khẳng định.

Cẩm Vân

Trong khuôn khổ Dự án, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm và trật tự xã hội (Bộ Công an) và Cục Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) đã ký kết thực hiện các nội dung như xây dựng Quỹ hỗ trợ pháp lý cho nạn nhân bị buôn bán; thành lập và nâng cao năng lực, hỗ trợ kỹ thuật cho các Nhóm hỗ trợ pháp lý đa ngành; thực hiện các vụ việc TGPL cho nạn nhân bị buôn bán.

 

Ngoài việc thành lập và nội dung các hoạt động của Nhóm hỗ trợ pháp lý đa ngành, tài liệu hướng dẫn của Cục TGPL còn hướng dẫn các Trung tâm TGPL Nhà nước trong tập huấn nâng cao kỹ năng TGPL và trang bị kiến thức pháp luật về phòng chống buôn bán người; trong TGPL lưu động; trong sinh hoạt CLB TGPL; trong tổ chức tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân. Bên cạnh đó, tài liệu này còn hướng dẫn thực hiện thanh toán và lưu ý một số vấn đề về thuế và hóa đơn.