Đánh giá hoạt động xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam: Xem trọng tính hợp lý, phù hợp của từng văn bản QPPL

30/10/2009
Đánh giá hoạt động xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam: Xem trọng tính hợp lý, phù hợp của từng văn bản QPPL
Được sự hỗ trợ của Dự án VIE/02/015 của UNDP về Chiến lược xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, vào ngày 29/10/2009 tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Bộ Tư pháp đã phổi hợp tổ chức Hội thảo “Tiêu chí và phương pháp sơ kết Nghị quyết số 48-NQ/TW và đánh giá nhu cầu pháp luật giai đoạn 2011-2020”

Đến dự buổi hội thảo có ông Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng ban Chỉ đạo sơ kết và hai Phó trưởng ban Chỉ đạo là các ông Nguyễn Văn Thuận – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và ông Hà Hùng Cường – Bộ trưởng Bộ Tư pháp, cùng đông đảo đại diện các Bộ, ngành, các viện nghiên cứu pháp lý, các nhà khoa học.

Hướng tới mục tiêu xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, ngày 24/5/2005 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 48-NQ/TW, về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Triển khai Nghị quyết này, ngày 21/3/2007 UBTVQH đã ban hành Nghị quyết số 900/UBTVQH 11 về kế hoạch triển khai. Đến nay, hai VBQPPL trên đã có một chặng đường dài đi vào thực tiễn và đòi hỏi phải có sự đánh giá, sơ kết. Tuy nhiên, vì các lý do đặc biệt như mốc giới hạn 2010 theo nội dung Nghị quyết đề ra đã sắp tới, Quốc hội khóa XII cũng chuẩn bị kết thúc và đặc biệt chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa 13, 14 trong các năm từ 2010-2020 đòi hỏi phải nhanh chóng có sự cụ thể hóa hoạt động lập pháp này, nên việc sơ kết triển khai thực hiện Nghị quyết số 900 là hết sức quan trọng và cấp thiết.

Theo tinh thần của dự thảo kế hoạch việc sơ kết nhất thiết phải đáp ứng được một số mục tiêu chính. Đó là, đánh giá khách quan và đúng đắn kết quả triển khai kế hoạch thực hiện, nêu rõ nhưng kết quả đạt được, những mặt còn hạn chế, bất cập, phân tích nguyên nhân..., để trên cơ sở đó đề ra những giải pháp thiết thực tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật để hướng tới mục tiêu Nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế...

Trong phiên thảo luận, các đại biểu đã nhất trí với hệ thống tiêu chí về nội dung, về kỹ thuật lập pháp để đánh giá là các tính toàn diện, đồng bộ, phù hợp, thống nhất, ổn định, dễ dàng tiếp cận và thi hành, công khai, minh bạch, kịp thời, nhất quán chính sách.... Tuy nhiên theo các đại biểu khi đánh giá cần đặc biệt chú ý đến hai đặc tính của hệ thống pháp luật, đó là tính toàn diện, đồng bộ, thống nhất của hệ thống và tính hợp lý, phù hợp của cả hệ thống cũng như từng VBQPPL.

Xuân Hoa