Phát triển lý lịch tư pháp: Hướng tới chỉ số hài lòng trên 60% 

09/05/2012
Phát triển lý lịch tư pháp: Hướng tới chỉ số hài lòng trên 60% 
“Phát triển lý lịch tư pháp (LLTP) theo hướng là công cụ hỗ trợ đắc lực cho hoạt động tư pháp hình sự, phục vụ cho các lĩnh vực quản lý Nhà nước khác liên quan đến các cá nhân” là một trong những định hướng dự kiến được đưa vào dự thảo Chiến lược phát triển LLTP đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Ban soạn thảo dự thảo Chiến lược đưa ra thảo luận lần đầu tiên vào sáng nay (9/5).

Chủ động về “đương nhiên được xóa án tích”

Theo quy định pháp luật hiện hành (Luật Quốc tịch, Luật Nuôi con nuôi, Luật Luật sư…), Phiếu LLTP trở thành một loại giấy tờ bắt buộc phải có của cá nhân, được coi là một trong những giấy tờ để chứng minh cá nhân có hay không có tiền án khi tham gia vào các quan hệ pháp lý. Phiếu LLTP góp phần trực tiếp vào chính sách cá thể hóa tội phạm khi là căn cứ chính thức hỗ trợ hoạt động tố tụng hình sự trong việc xác định tái phạm hay không tái phạm, khi quyết định hình phạt.

Ông Đặng Thanh Sơn (Giám đốc Trung tâm LLTP Quốc gia - Bộ Tư pháp) khẳng định, Luật LLTP tạo nên cơ chế chủ động của cơ quan quản lý LLTP trong việc cập nhật thông tin về đương nhiên được xóa án tích của người bị kết án, tạo điều kiện cho người bị kết án tái hòa nhập cộng đồng. Bởi thông qua việc cập nhật và xử lý thông tin về LLTP, cơ quan quản lý LLTP sẽ cấp Phiếu LLTP cho cá nhân, trong đó ghi nhận “không có án tích” (theo yêu cầu của cá nhân) nếu thấy người bị kết án đã có đủ điều kiện đương nhiên được xóa án tích theo quy định của BLHS.

Thực tế cho thấy người đã được xóa án tích chỉ có thể tham gia vào các quan hệ xã hội (như xin việc, xuất khẩu lao động, du học, thăm thân, xuất cảnh, thành lập doanh nghiệp…) khi có Phiếu LLTP xác nhận nội dung “không có án tích”. Vì vậy, Phiếu LLTP ghi nội dung “không có án tích” là minh chứng cho cá nhân đó coi như chưa bị kết án, tạo điều kiện cho người đã từng bị kết án bớt mặc cảm, không bị cồng đồng phân biệt đối xử để tái hòa nhập cộng đồng, quay về cuộc sống lương thiện. 

Xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP một cấp

Từ khi ngành Tư pháp nhận nhiệm vụ cấp Phiếu LLTP cho công dân (năm 1999), các Sở Tư pháp đã thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu của mình với phần lớn các thông tin LLTP do tòa án cung cấp, nhưng để đảm bảo đủ thông tin cho việc cấp Phiếu LLTP thì chưa hoàn thiện. Trong khi có nhiều quy định liên quan đến án tích và xóa án tích, tái phạm, tái phạm nguy hiểm, nhưng lại chưa có quy định hướng dẫn cụ thể nào về việc cấp Phiếu LLTP để tạo sự “liên thông” giữa các quy định này.

Muốn cấp Phiếu LLTP cần phải có thông tin, nhưng việc xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP hiện được thực hiện theo hai cấp (tại Trung tâm LLTP quốc gia và tại 63 Sở Tư pháp) đã bắt đầu bộc lộ hạn chế, bất cập khiến việc tiếp nhận, xử lý, chuyển giao, tích hợp thông tin rất “vướng”. “Giải quyết hạn chế này là một bài toán khó khi chưa thể làm ngay mô hình cơ sở dữ liệu một cấp” - ông Sơn thừa nhận.

Do đó, theo xu hướng của nhiều nước (Pháp, Đức, Italia, Bỉ…), dự thảo Chiến lược phát triển LLTP xác định, xây dựng hệ thống dữ liệu LLTP vững chắc, gắn với cấp Phiếu LLTP thì cần thiết xây dựng mô hình tổ chức cơ quan quản lý LLTP theo mô hình một cấp để tránh tình trạng “của ai nấy làm thì khi cần thông tin sẽ rất mệt mỏi”. Hiện nay ngành Tư pháp “phải sử dụng thông tin do các cơ quan cung cấp” để xây dựng cơ sở dữ liệu trong khi mối quan hệ về cung cấp thông tin LLTP chưa được thực hiện theo đúng quy định của Luật LLTP vì còn… chờ văn bản hướng dẫn.

Quan tâm đến “nguồn” thông tin cho cơ sở dữ liệu LLTP là việc cần thiết nên trước mắt, chiều mai (10/5), các Bộ: Tư pháp, Công an, Quốc phòng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao sẽ ký Thông tư liên tịch về cung cấp, trao đổi xác minh thông tin LLTP tạo bước chuyển mới trong quá trình thực hiện Luật LLTP hiệu quả trên toàn quốc. Vấn đề là khi xây dựng cơ sở dữ liệu chung, “quan trọng là địa phương triển khai phải đồng bộ, thống nhất vì đây là cơ sở dữ liệu chung theo định hướng chung của TƯ và phù hợp chiến lược của địa phương” như đề nghị của Ban soạn thảo dự thảo Chiến lược. Đồng thời, thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin LLTP với các cơ sở dữ liệu khác tạo tiền đề khai thác lợi ích của quản lý LLTP phục vụ cho các lĩnh vực quản lý nhà nước liên quan đến các cá nhân….

Dự thảo Chiến lược sẽ sớm được trình cấp có thẩm quyền ban hành nhằm “định hướng ngay từ đầu để LLTP phát triển vững chắc, khẳng định giá trị của Phiếu LLTP trong quản lý hành chính nhà nước, quản lý xã hội và hoạt động tố tụng hình sự”.

Huy Anh, ảnh Cục CNTT


Cục CNTT