Thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở của Bộ Tư pháp: Đề cao vai trò làm chủ và giám sát của cán bộ, công chức

01/02/2012
Với nhận thức sâu sắc trách nhiệm ngày càng lớn về công tác tư pháp trong điều kiện mới, Bộ Tư pháp thường xuyên tổ chức quán triệt gắn với thực hiện các văn bản của Đảng và Nhà nước về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Tư pháp luôn đề cao sự chủ động, phát huy vai trò làm chủ, đề xuất sáng kiến và giám sát của cán bộ, công chức (CBCC) nhằm triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được giao.

Kịp thời giải quyết nguyện vọng của CBCC

Để đáp ứng yêu cầu kiện toàn tổ chức bộ máy của Bộ theo Nghị định số 93/2008/NĐ-CP, Bộ Tư pháp đã đổi mới phương thức, lề lối làm việc của Bộ và các đơn vị thuộc Bộ theo hướng cụ thể, từng bước hiện đại và chuyên nghiệp hóa, tăng cường phân cấp và khẳng định rõ trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ trong quản lý và điều hành hoạt động của đơn vị. Trên cơ sở Quyết định số 880/QĐ-BTP về ban hành Quy chế làm việc của Bộ Tư pháp và Quyết định số 2377/QĐ-BTP ban hành Quy chế làm việc mẫu của các đơn vị thuộc Bộ, đến nay hầu hết các đơn vị thuộc Bộ đều đã ban hành Quy chế làm việc của đơn vị mình trình lãnh đạo Bộ phê duyệt.

Năm 2011 vừa qua, Bộ Tư pháp tiếp tục triển khai Đề án xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn ISO 9001:2008 vào hoạt động của cơ quan Bộ Tư pháp. Hoạt động này rất có ý nghĩa trong việc tạo ra các quy trình chuẩn để CBCC triển khai thực hiện nhiệm vụ, từ đó xác định trách nhiệm, quyền hạn của từng cá nhân và cũng để CBCC thực hiện có hiệu quả quyền giám sát của mình.

Trong phạm vi cơ quan, đơn vị của Bộ, lãnh đạo Bộ, thủ trưởng các đơn vị rất nghiêm chỉnh thực hiện trách nhiệm của mình, tạo điều kiện để cơ quan, đơn vị hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, lãnh đạo Bộ quan tâm sắp xếp thời gian để gặp, lắng nghe ý kiến, yêu cầu, nguyện vọng của CBCC, viên chức, kịp thời xem xét, trao đổi công khai và giải quyết thỏa đáng các nguyện vọng ấy. Đây cũng là cơ hội cho CBCC, viên chức phản ánh những thông tin liên quan đến hoạt động của các đơn vị.

Phát huy các hình thức dân chủ

Trong năm 2011, Bộ Tư pháp đã tiến hành nghiêm túc Quy chế dân chủ ở cơ sở thông qua việc tổ chức các cuộc họp, hội nghị và qua việc tiếp xúc giữa lãnh đạo Bộ với CBCC. Các CBCC đã đóng góp ý kiến vào kết quả triển khai các nhiệm vụ của Bộ và đề xuất, kiến nghị nhiều biện pháp hay nhằm hoàn thành tốt Kế hoạch công tác năm, nhất là rất chủ động, tích cực tham gia vào quá trình thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện dân chủ của Bộ Tư pháp.

Cụ thể, CBCC được tham gia vào giám sát, kiểm tra một số việc như thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, kế hoạch công tác hàng năm của cơ quan; sử dụng kinh phí hoạt động, chấp hành chính sách, chế độ quản lý và sử dụng tài sản của cơ quan; thực hiện nội quy, quy chế cơ quan; thực hiện các chế độ, chính sách của Nhà nước về quyền và lợi ích của CBCC cơ quan; giải quyết khiếu nại, tố cáo trong nội bộ cơ quan.

Ngoài ra, Ban Thanh tra nhân dân và các tổ chức đoàn thể (Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Nữ công) cũng khẳng định được “tiếng nói” của mình trong việc bảo đảm và giám sát thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, giám sát việc thực hiện các hoạt động chuyên môn, tích cực phản ánh những đề đạt của CBCC tới lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các đơn vị. Qua thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, vai trò của các tổ chức trên được nâng cao, trở thành cầu nối giữa CBCC với lãnh đạo Bộ, lãnh đạo đơn vị. Nhiều ý kiến, đề xuất của các tổ chức vừa góp phần phát huy được dân chủ trong cơ quan, vừa đóng góp tích cực vào công tác quản  lý, điều hành của lãnh đạo Bộ, thủ trưởng các đơn vị và tiến hành các nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ của ngành.

Tạo điều kiện để thực hiện quyền giám sát

Tuy nhiên, một số quy định về thực hiện dân chủ chưa được làm tốt như có một số việc cần được đưa ra thảo luận tập thể CBCC trước khi quyết định song thực tế mới thảo luận trong tập thể lãnh đạo hoặc liên tịch quyết định. Thậm chí có đơn vị đã vi phạm nghiêm trọng các quy định về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan, dẫn tới những sai phạm của cả tập thể và cá nhân tới mức bị xử lý kỷ luật theo quy định. Tổ chức đoàn thể của cơ quan và một số đơn vị thực hiện dân chủ còn mang tính hình thức, chưa phát huy hết trách nhiệm của mình trong việc động viên, khích lệ thành viên của tổ chức mình tham gia ý kiến, đề xuất những giải pháp, biện pháp để nâng cao chất lượng và hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chung của cơ quan, đơn vị. Không những thế, ý thức kỷ luật, tinh thần đấu tranh phê bình và tự phê bình ở một số CBCC chưa cao, cá biệt vẫn có hiện tượng đơn thư nặc danh, ảnh hưởng đến uy tín và sự đoàn kết trong nội bộ cơ quan, đơn vị.

Nhằm giảm thiểu những hạn chế trên, Bộ Tư pháp đã đưa ra nhiều giải pháp rất rõ ràng, trong đó hàng đầu là phải tăng cường quản lý, chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt của lãnh đạo Bộ; điều hành tổ chức và hoạt động trên cơ sở pháp luật và nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị. Việc thực hiện Quy chế dân chủ cần gắn kết với việc phát động và duy trì đều đặn các phong trào thi đua, nhất là Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, sẽ công khai, minh bạch kế hoạch của các đơn vị về tiêu chuẩn, chế độ, khen thưởng, phân công công tác, lên lương cũng như giao trách nhiệm và tạo điều kiện để CBCC, viên chức thực hiện quyền giám sát của mình…

Cẩm Vân

Bộ Tư pháp cũng bảo đảm thực hiện dân chủ trong công tác tổ chức cán bộ, trong quản lý tài chính, tài sản công, trong công tác thi đua – khen thưởng… Trong tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của CBCC, người lao động trong cơ quan thì có 1 đơn tố cáo liên quan đến lĩnh vực tổ chức cán bộ đã được xem xét, giải quyết đúng quy định của pháp luật. Cơ quan Bộ còn đặt Hòm thư góp ý để CBCC đóng góp ý kiến về việc quản lý, điều hành của lãnh đạo Bộ, của thủ trưởng cơ quan, đơn vị; phản ánh tâm tư, nguyện vọng hoặc các hiện tượng tiêu cực; nêu lên các giải pháp, các kế hoạch để làm tròn chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và của cá nhân.