Trong buổi gặp gỡ, ông Clément rất quan tâm tới vấn sửa đổi Hiến pháp của Việt Nam và hoạt động của Nhà Pháp luật Việt - Pháp. Bộ trưởng đã bày tỏ sự vui mừng và cảm ơn sự quan tâm của ông TGĐ đến việc sửa đổi Hiến pháp của Việt Nam. Bộ trưởng cho biết, từ năm 1945 đến nay Việt Nam đã qua 04 lần sửa đổi Hiến pháp, việc nghiên cứu, sửa đổi Hiến pháp lần này là sự kiện được chờ đợi từ lâu. Hiến pháp hiện hành được ban hành năm 1992 để đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới của đất nước - giai đoạn xây dựng kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế sâu rộng và xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN. Lần này, mong muốn của Quốc hội và toàn dân là Hiến pháp năm 1992 được sửa đổi toàn diện hơn.
|
|
Trải qua thực tế 10 năm (đến 2011), có nhiều dự kiến cải cách đã không thể thực hiện được do không phù hợp với Hiến pháp. Bộ trưởng đã đưa ra một số tổng kết từ việc thực hiện Hiến pháp như: Hiến pháp quy định Việt Nam có 4 cấp chính quyền: trung ương- tỉnh - huyện - xã và Hội đồng nhân dân được thành lập bên cạnh Ủy ban nhân dân từ cấp tỉnh xuống cấp xã không phân biệt đô thị hay nông thôn. Trong nhiều năm qua, người dân cho rằng bộ máy như vậy là cồng kềnh, thậm chí là hình thức. Quốc hội đã quyết định làm thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân ở cấp quận, huyện, phường tại 10 tỉnh, thành phố (đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng). Qua 3 năm, việc thực hiện thí điểm cho thấy hiệu quả rất tốt và cần phải sửa đổi Hiến pháp. Một vấn đề khác có liên quan đến sửa đổi Hiến pháp, đó là vấn đề tổ chức hệ thống Tòa án nhân dân. Hiện nay, một trong những biện pháp tương đối toàn diện nhằm bảo đảm sự độc lập tương đối của Tòa án là vấn đề tổ chức lại hệ thống tòa án, cụ thể là Tòa án cấp thấp nhất sẽ không theo đơn vị hành chính mà theo khu vực. Tại thời điểm hiện nay, Việt Nam có 700 Tòa án huyện tại 700 huyện, nếu tổ chức Tòa án theo khu vực sẽ thu gọn lại thành khoảng 200 tòa án. Từ năm 2005, vấn đề này đã được đặt ra nghiên cứu và xây dựng đề án nhưng chưa thông qua được do trái với Hiến pháp hiện hành.
|
|
Bộ trưởng cũng cho biết, trong bối cảnh của Việt Nam, bước vào công cuộc đổi mới, hệ thống pháp luật còn chưa hoàn thiện, nhất là các luật của Quốc Hội. Hiến pháp hiện hành phải “làm thay” nhiệm vụ của một đạo luật cơ bản khi quy định về kinh tế, văn hóa, xã hội, thể thao…Như vậy, việc sửa đổi Hiến pháp là cần thiết và hiện là thời điểm chín muồi để thực hiện. Quốc hội đã thành lập Ủy ban sửa đổi Hiến pháp và đang thực hiện tổng kết thi hành Hiến pháp. Dự kiến việc tổng kết này kết thúc vào giữa năm 2012, sau đó là quá trình nghiên cứu, đề xuất những nội dung sửa đổi, bổ sung. Nếu các điều kiện thuận lợi thì đến cuối 2013 sẽ có Hiến pháp sửa đổi, trong đó Quốc hội sẽ dành 02 tháng để lấy ý kiến của nhân dân.
Bày tỏ quan điểm của mình, TGĐ của tổ chức OIF phát biểu: “Văn phòng OIF tại Việt Nam có thể làm cầu nối giữa Việt Nam và các quốc gia nói tiếng Pháp khác, là cầu nối cho các chuyên gia cùng quan tâm đến việc nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp để cùng các chuyên gia Việt Nam cùng trao đổi kinh nghiệm.”
Trao đổi thông tin về hoạt động của Nhà pháp luật Việt - Pháp, cả Bộ trưởng Hà Hùng Cường và TGĐ Clément Duhaime đều đánh giá cao sự hợp tác giữa OIF và Bộ Tư pháp, thông qua Nhà pháp luật Việt Pháp. Bộ trưởng khẳng định, sự hợp tác đã giúp Nhà pháp luật Việt - Pháp đạt hiệu quả cao trong hoạt động và mong nhận được nhiều sự quan tâm hơn nữa của OIF trong thời gian tới, nhất là từ nay đến năm 2016, Việt Nam phải cơ bản xây dựng xong hệ thống pháp luật theo Hiến pháp sửa đổi, bổ sung. Thiết chế hợp tác đặc biệt này đã được nhiều tổ chức trong cộng đồng Pháp ngữ ủng hộ. Hoạt động của Nhà pháp luật Việt - Pháp đã vượt ra khỏi ranh giới Việt Nam và được mở rộng ra các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương…
T.D