Ông Trương Quang Thêm, Giám đốc Sở Tư pháp Quảng Bình: “Lãnh đạo Bộ cần tăng cường hơn nữa các chuyến về cơ sở”
“Năm qua, thành công lớn đối với ngành Tư pháp Quảng Bình là đã hoàn chỉnh bộ máy toàn ngành từ cấp tỉnh đến cấp xã. Ở cấp Sở, bộ máy các Phòng chuyên môn đã kiện toàn xong với 100% quân số có trình độ từ Đại học trở lên. Đặc biệt, riêng Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh hiện tại đã có tới 26 biên chế, 75% số huyện đã thành lập chi nhánh. Cấp Phòng bình quân có 4 biên chế đều có trình độ Đại học, sắp tới sẽ cố gắng lên 5 biên chế/phòng. Riêng cấp xã chúng tôi đã có 65% số xã có 2 cán bộ tư pháp có trình độ Đại học. Còn lại đều đã có trình độ trung cấp pháp lý.
Để triển khai các nhiệm vụ mới (như bồi thường nhà nước, lý lịch tư pháp…) tôi đề nghị Bộ sớm có các văn bản hướng dẫn về chuyên môn cũng như tổ chức bộ máy để địa phương thuận lợi trong triển khai. Lãnh đạo Bộ cần tăng cường hơn nữa các chuyến đi về cơ sở, cùng cấp ủy, chính quyền địa phương gỡ khó cho tư pháp”.
Ông Hầu Minh Lợi, Giám đốc Sở Tư pháp Hà Giang: “Cần cải thiện chế độ, chính sách để thu hút cán bộ”
“Tư pháp Hà Giang năm 2011 đã bám sát các nhiệm vụ chính trị của ngành, của địa phương, phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu đề ra đầu năm, trong đó nổi bật là công tác bán đấu giá tài sản. Đến nay, về cơ bản tất cả các tài sản đã được giao về cho Trung tâm bán đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp. Năm qua, Trung tâm đã bán vượt giá khởi điểm, làm lợi cho ngân sách nhà nước trên 2 tỷ đồng. So với các năm trước, đây là kết quả đáng mừng.
Khó khăn của ngành Tư pháp Hà Giang hiện tại vẫn là cán bộ. Tình trạng thiếu nguồn tuyển dụng cán bộ vẫn chưa được khắc phục. Kinh phí cho thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn còn quá eo hẹp. Về lâu dài, ngành Tư pháp cần có những cải thiện về chế độ, chính sách để thu hút cán bộ có trình độ vào cơ quan tư pháp, đặc biệt đối với các tỉnh miền núi như Hà Giang”.
Ông Lê Đình Thu, Giám đốc Sở Tư pháp Điện Biên: “Công tác phổ biến pháp luật đã hướng nhiều về vùng đồng bào dân tộc thiểu số”
“Năm 2011 là năm Tư pháp Điện Biên đều có những chuyển biến tích cực; đã bám sát nhiệm vụ trọng tâm của Ngành và của địa phương. 100% văn bản quy phạm pháp luật trước khi ban hành đều qua thẩm định của ngành Tư pháp. Công tác trợ giúp pháp lý, hòa giải cơ sở, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp… đều có những dấu ấn. Đặc biệt, việc phổ biến pháp luật đã hướng nhiều về vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, cũng như nhiều tỉnh miền núi khác khó khăn nhất hiện nay là cán bộ ngành Tư pháp tỉnh vẫn rất thiếu. Nhiều đơn vị cấp phòng của Sở hiện chỉ có hai cán bộ, cấp huyện 3- 4 cán bộ/phòng. Riêng cấp xã có 153 công chức tư pháp - hộ tịch, trong đó có 41/112 xã có hai công chức tư pháp - hộ tịch, chiếm tỷ lệ 37%”, chế độ đãi ngộ cho cán bộ công chức còn nhiều hạn chế. Nếu tháo được “điểm nghẽn” này tôi tin tư pháp Điện Biên sẽ tiếp tục làm tốt hơn các nhiệm vụ chuyên môn”.
Ông Nguyễn Hữu Thuận, Giám đốc Sở Tư pháp Nghệ An: “Đề nghị Bộ Tư pháp nhân rộng mô hình nâng cao chất lượng văn bản QPPL cấp xã”
“Công tác Tư pháp năm 2011 của Nghệ An đã được triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát chương trình, nhiệm vụ trọng tâm đề ra. Kết quả ở nhiều lĩnh vực công tác cao hơn so với cùng kỳ năm 2010.
Nghệ An là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành và thực hiện Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xây dựng văn bản QPPL cấp xã. Việc thực hiện Đề án giai đoạn 2007-2010 đã mang lại những kết quả quan trọng trong việc nâng cao chất lượng VBQPPL ở cơ sở. Đề nghị Bộ Tư pháp quan tâm, nghiên cứu nhân rộng mô hình, có sự quan tâm, hỗ trợ kinh phí để Nghệ An tiếp tục thực hiện Đề án giai đoạn 2 (2012-2015)”.
B.A