Hội nghị sơ kết 05 năm thi hành luật Trợ giúp pháp lý và kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển TGPL ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng 2030.

12/12/2011
Hội nghị sơ kết 05 năm thi hành luật Trợ giúp pháp lý và kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển TGPL ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng 2030.
Sáng nay (12/12), Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị sơ kết 05 năm thi hành luật Trợ giúp pháp lý và kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý (TGPL) ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng 2030. Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhấn mạnh: “…rất cần những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa nhằm nâng cao chất lượng hoạt động trợ giúp pháp lý, bảo đảm tính ổn định, bền vững của công tác trợ giúp pháp lý…”

Về tham dự Hội nghị có Lãnh đạo Bộ Tư pháp; đại diện các cơ quan: Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Thường trực Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp TW, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan; Lãnh đạo UBND, Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước 63 tỉnh, thành phố trực thuộc TW; Lãnh đạo Sở Công an, Sở Tài chính, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân 20 tỉnh, Thành phố trực thuộc TW; đại diện Trung ương Mặt trận TQVN; các quân khu trong toàn quốc và Lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.

 

 

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã khẳng định trợ giúp pháp lý là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Có thể nói, trợ giúp pháp lý là một trong những khâu làm trọn vẹn hơn vai trò và trách nhiệm của ngành Tư pháp, từ xây dựng văn bản pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật đến các biện pháp hỗ trợ pháp lý để đưa pháp luật vào cuộc sống, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của những người dân có hoàn cảnh đặc biệt. Bộ trưởng nhấn mạnh: cần phải có những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa nhằm nâng cao chất lượng hoạt động trợ giúp pháp lý; cần đẩy mạnh xã hội hoá, huy động rộng rãi các nguồn lực xã hội tham gia đóng góp, hỗ trợ và trực tiếp thực hiện TGPL; phân tích rõ nguyên nhân, từ đó tìm ra giải pháp mang tính đột phá, nâng cao một bước căn bản về chất lượng, hiệu quả của công tác này trong thời gian tới, góp phần thiết thực hơn vào công cuộc xoá đói, giảm nghèo, bảo vệ quyền con người, thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc.

 

 

Bà Tạ Thị Minh lý – Cục trưởng Cục TGPL đã báo cáo tóm tắt kết quả 05 năm triển khai thi hành Luật TGPL và các văn bản hướng dẫn thi hành. Sau gần 05 năm thực hiện Luật, trong cả nước đã thực hiện được 489.082 vụ việc cho 497.617 đối tượng thuộc diện trợ giúp pháp lý (người nghèo, người dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng, trẻ em, người khuyết tật và người già cô đơn không nơi nương tựa). Vấn đề kiện toàn, phát triển mạng lưới tổ chức thực hiện TGPL, nâng cao năng lực người thực hiện TGPL được chú trọng. Đến nay, trong toàn quốc đã có 63 Trung tâm, 161 Chi nhánh, 120 phòng chuyên môn, 320 tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật đăng ký tham gia TGPL. Hàng năm, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo Cục TGPL tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ toàn quốc và theo khu vực cho các cán bộ thực hiện TGPL. Sau 05 năm, toàn quốc đã có 984 đợt tập huấn nghiệp vụ cho 91.796 lượt Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên, Luật sư, Tư vấn viên pháp luật và mạng lưới TGPL cơ sở. Bên cạnh đó, các công tác khác như: truyền thông về TGPL, công tác phối hợp liên ngành về TGPL và hợp tác quốc tế đã được đẩy mạnh và chú trọng. Trong 05 năm qua, mặc dù công tác TGPL vẫn còn có những tồn tại, nhưng bước đầu đã khẳng định được vai trò của mình trong đời sống xã hội. TGPL không chỉ là công cụ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nghèo, các đối tượng yếu thế trong xã hội mà còn góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

 

 

Về tham dự Hội nghị, các đại biểu đều ghi nhận vai trò của hoạt động TGPL trong đời sống xã hội và kết quả thực hiện Luật TGPL, đồng thời có những phát biểu sâu sắc về công tác trợ giúp pháp lý trong thời gian qua, cũng như các kiến nghị trong thời gian tới để góp phần nâng cao chất lượng và đẩy mạnh hoạt động TGPL trong toàn quốc.

Đại diện Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị sớm triển khai văn bản pháp luật để nâng cao vị thế của Trợ giúp viên khi tham gia tố tụng; cần có chính sách và chế độ đãi ngộ tương xứng để đội ngũ cán bộ thực hiện TGPL yên tâm công tác; cần tăng cường đào tạo kỹ năng nghiệp vụ góp phần nâng cao chất lượng công tác TGPL; bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của liên ngành ở TW và các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương để thực hiện tốt Thông tư liên tịch số 10 năm 2007.

 

 

Đại diện Trung tâm TGPL tỉnh Gia Lai đã có phát biểu sâu sắc về mô hình trợ giúp pháp lý lưu động đến làng, thôn ở Gia Lai. Mặc dù mô hình hoạt động không mới, nhưng lại là hướng đi hiệu quả tại Gia Lai – nơi tập trung rất nhiều các dân tộc thiểu số. Đại diện Trung tâm TGPL tỉnh Đắk Lắk cũng khẳng định tính hiệu quả của mô hình trợ giúp pháp lý lưu động. Ông cho rằng TGPL cho người dân tộc thiểu số là khó và khá vất vả do đặc điểm về dân trí và địa hình nhưng lại là công việc mang nhiều ý nghĩa.

Đại diện Sở Tư pháp tỉnh Hòa Bình kiến nghị: Công tác TGPL phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của các cấp Ủy đảng, chính quyền các cấp; cần tăng cường TGPL lưu động tại cơ sở đến từng xóm, thôn, bản các xã vùng sâu, vùng xa; phải có cơ chế phối hợp thường xuyên giữa các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội tham gia TGPL; đồng thời cần quan tâm hơn nữa đến nguồn lực con người và cơ sở vật chất phục vụ công tác TGPL;

 

 

Đại diện Tòa án nhân dân tối cao đã khẳng định vai trò của TGPL đối với đời sống xã hội và cho rằng: Người dân nhận thức pháp luật còn hạn chế, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa. Vì vậy, việc TGPL cho người dân là rất quan trọng và cần thiết. Hàng năm Tòa án phải giải quyết khoảng 300 ngàn vụ việc, nhưng qua 05 năm thực hiện Luật TGPL, số vụ việc được giải quyết là 489.082. Như vậy đó chính là nghịch lý: người dân rất cần được trợ giúp pháp lý, nhưng tìm đến trợ giúp pháp lý thì rất ít. Vậy làm thế nào để người dân đến với trợ giúp pháp lý nhiều hơn là vấn đề còn nhiều băn khoăn và phải bàn. Bên cạnh đó, tình trạng đội ngũ thực hiện TGPL thuyên chuyển công tác còn nhiều, lực lượng TGPL mỏng, thiếu tính chuyên sâu. Cần có giải pháp đồng bộ để đáp ứng được yêu cầu về lực lượng TGPL chuyên sâu.

 

 

Đại diện Bộ Tài chính cho biết: Bộ Tài chính tích cực phối hợp với Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật liên quan đến công tác TGPL, hy vọng sẽ bước đầu đảm bảo được yêu cầu về tài chính trong công tác TGPL. Trong thời gian qua, việc thành lập Quỹ TGPL Việt Nam - một cơ chế tài chính mang tính trung gian chính là một bước đột phá cho công tác TGPL ở Việt Nam.

Hội nghị diễn ra trong 2 ngày 12 và  13/12/2011.

 

 

T.D