Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị pháp chế triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII

09/12/2011
Ngày 26/11/2011, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 20/2011/QH13 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII. Trên cơ sở Nghị quyết số 20/2011/QH13, ngày 09/12/2011, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII.

Hội nghị do Thứ trưởng Lê Thành Long chủ trì với sự tham gia của đại diện Vụ Pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, đại diện Vụ Pháp luật, Văn phòng Quốc hội và đại diện các đơn vị thuộc Bộ có liên quan.

Hội nghị đã tập trung đánh giá việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XII của Chính phủ; đặc điểm của Chương trình khóa XIII, tình hình triển khai Chương trình năm 2012 và chuẩn bị cho việc lập Đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013 của Quốc hội.

Theo Nghị quyết số 20/2011/QH13 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ khóa XIII, có 117 dự án luật, pháp lệnh do Chính phủ đề nghị được đưa vào Chương trình khóa XIII, gồm 82 dự án thuộc Chương trình chính thức và 35 dự án thuộc Chương trình chuẩn bị.

Trong số 82 dự án thuộc Chương trình chính thức thì có:

- 10 dự án thuộc lĩnh vực tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị (8 luật và 02 pháp lệnh);

- 06 dự án luật thuộc lĩnh vực quyền con người, quyền tự do dân chủ của công dân;

- 29 dự án thuộc lĩnh vực dân sự, kinh tế (28 luật và 01 pháp lệnh);

- 22 dự án thuộc lĩnh vực giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, y tế, văn hóa – thông tin, thể thao, dân tộc, tôn giáo, dân số, gia đình, trẻ em, lao động và chính sách xã hội (21 luật và 01 pháp lệnh);

- 14 dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng và an ninh, trật tự an toàn xã hội (12 luật và 02 pháp lệnh).

So với tổng số các dự án mà Chính phủ được giao chủ trì soạn thảo trong nhiệm kỳ khóa XII (133 dự án) thì tổng số các dự án mà Chính phủ được giao chủ trì soạn thảo trong khóa XIII (117 dự án) ít hơn 16 dự án và chiếm 88,64% tổng số các dự án thuộc Chương trình khóa XIII (132 dự án).

Hội nghị đã đề ra một số giải pháp để bảo đảm thực hiện Chương trình khóa XIII và đặc biệt là Chương trình năm 2012 như các Bộ, cơ quan ngang bộ cần chủ động triển khai, xây dựng kế hoạch thực hiện cho từng năm, có lộ trình cụ thể đối với mỗi dự án để bảo đảm chất lượng và tiến độ của các dự án trình, hạn chế tối đa việc xin điều chỉnh thời gian trình; dành thời gian thỏa đáng, bố trí đủ nguồn lực để nghiên cứu, soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh bảo đảm chất lượng và thời hạn trình dự án; Lãnh đạo các cơ quan được phân công chủ trì soạn thảo kịp thời báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về định hướng và những vấn đề lớn, quan trọng (“chủ thuyết”) của dự án trước khi soạn thảo; tăng cường hơn nữa sự phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ trong quá trình soạn thảo để việc tổ chức thẩm định được thực hiện thuận tiện, có hiệu quả hơn; huy động sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học trong quá trình soạn thảo; nâng cao vai trò của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp trong việc hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chương trình xây dựng pháp luật… Đối với các dự án thuộc Chương trình năm 2012, các cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc khả năng hoàn thành, đối với các dự án mà khả năng không bảo đảm được tiến độ thì cần dự kiến dự án khác thuộc Chương trình chuẩn bị để thay thế. Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với Văn phòng Chính phủ để tổ chức các buổi làm việc trực tiếp với các Ban soạn thảo của các dự án trong năm 2012 để nắm bắt tình hình soạn thảo cũng như những chủ thuyết lớn của dự án.