Đoàn công tác Bộ Tư pháp khảo sát về công chứng tại Tây Ban Nha

07/12/2011
Đoàn công tác Bộ Tư pháp khảo sát về công chứng tại Tây Ban Nha
Triển khai thực hiện Quyết định số 250/QĐ-TTg ngày 10/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở Việt Nam đến năm 2020”, Bộ Tư pháp đã tổ chức Đoàn công tác khảo sát về công chứng tại Tây Ban Nha từ ngày 25/11 đến ngày 04/12/2011.

Đoàn công tác gồm có bà Đỗ Hoàng Yến - Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp làm Trưởng Đoàn và các thành viên là Lãnh đạo các Vụ Kế hoạch - Tài chính, Cục Trợ giúp pháp lý, Vụ Hành chính tư pháp, Vụ Hợp tác quốc tế, Văn phòng Bộ, Bộ Tư pháp; đại diện Văn phòng Chính phủ; đại diện Bộ Nội vụ; các cán bộ Vụ Bổ trợ tư pháp và một số công chứng viên thuộc các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; đại diện Hội công chứng thành phố Hà Nội.

Trong quá trình công tác tại Tây Ban Nha, Đoàn đã thăm và làm việc với  Tổng cục quản lý đăng ký và công chứng (Bộ Tư Pháp); Viện nghiên cứu Pháp luật Quốc tế; Khoa Luật Đại học tổng hợp Rey Juan Carlos; Hội đồng công chứng tối cao Tây Ban Nha; Phòng quản lý đăng ký của thủ đô Madrid; Hội đồng công chứng thành phố Barcelona và một số Văn phòng công chứng ở Thủ đô Madrid và thành phố Barcelona. Tiếp đoàn gồm có bà Maria Ángeles Alcalá, Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý đăng ký và công chứng (Bộ Tư Pháp); ông Bruno Aguilera-Barchet, Viện trưởng Viện nghiên cứu Pháp luật Quốc tế; ông Joan Carles Ollé Favaró, Phó Chủ tịch Hội đồng công chứng tối cao Tây Ban Nha kiêm Chủ tịch Hội đồng công chứng thành phố Barcelona...

Hai bên đã trao đổi, chia sẻ về tổ chức và hoạt động công chứng của mỗi nước, trong đó chủ yếu tập trung vào một số chủ đề như tầm quan trọng của nghề công chứng phục vụ phát triển kinh tế và ổn định xã hội; Hiệu lực pháp lý của các văn bản công chứng; Tổ chức và hoạt động công chứng tại Tây Ban Nha nói riêng và hệ thống công chứng La tinh nói chung; Quy trình thi tuyển và bổ nhiệm công chứng viên; Vấn đề xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu thông tin công chứng các hợp đồng, giao dịch; Chức năng và nhiệm vụ cơ bản của Tổng cục quản lý đăng ký và công chứng Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức có liên quan đến nghề công chứng… 

Hiện nay, Tây Ban Nha là đất nước có nghề công chứng phát triển lâu đời (từ thế kỷ XVI), với số lượng hơn 3.000 công chứng viên, mỗi công chứng viên thành lập một Văn phòng công chứng hoạt động với tư cách cá nhân. Công chứng viên đặt dưới sự quản lý chặt chẽ của Bộ Tư pháp và được coi như công chức dù không hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Công chứng viên được bổ nhiệm và phân bố đều, rộng khắp ở các khu vực. Tổ chức và hoạt động công chứng chịu sự điều chỉnh của Luật Công chứng ban hành ngày 25/5/1865 (được sửa đổi, bổ sung vào năm 2001); Điều lệ công chứng toàn quốc ban hành ngày 02/06/1944 (được sửa đổi, bổ sung vào năm 2007)…

Đoàn công tác cũng đã nghe Hội đồng công chứng tối cao Tây Ban Nha giới thiệu về tổ chức và hoạt động của Hội đồng; về vấn đề bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên, việc xây dựng và quản lý Quỹ bảo hiểm công chứng tập thể  cho các công chứng viên trong toàn quốc để bảo đảm nghề nghiệp cũng như các thông tin so sánh về những điểm khác biệt và tương đồng giữa hệ thống công chứng Tây Ban Nha và hệ thống công chứng của một số quốc gia khác như Pháp, Đức...  

Qua chuyến công tác, Đoàn đã thu được nhiều kiến thức và kinh nghiệm về tổ chức và hoạt động công chứng từ phía Tây Ban Nha, tạo tiền đề cho việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Công chứng. Đồng thời, chuyến đi này cũng đặt nền móng cho việc thiết lập quan hệ hợp tác giữa các tổ chức công chứng của Việt Nam và Tây Ban Nha.

Tấn Vinh