Dự thảo Thông tư hướng dẫn việc quản lý, sử dụng và khai thác cơ sở dữ liệu lý lịch Tư pháp: Nhiều biến chuyển tích cực trong cấu trúc và nội dung

01/12/2011
Dự thảo Thông tư hướng dẫn việc quản lý, sử dụng và khai thác cơ sở dữ liệu lý lịch Tư pháp: Nhiều biến chuyển tích cực trong cấu trúc và nội dung
Đó là nhận định chung của các chuyên gia và đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp các tỉnh phía Bắc và khu vực miền Trung tại “Hội thảo về dự thảo Thông tư hướng dẫn việc quản lý, sử dụng và khai thác cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp” do Bộ Tư pháp tổ chức sáng qua (30/11) tại Quảng Ninh. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phạm Quý Tỵ và ông Đặng Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp Quốc gia chủ trì hội thảo.

Sát Luật lý lịch tư pháp

Luật Lý lịch Tư pháp đã được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 17/6/2009 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2010. Tiếp đó, ngày 23/11/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2010/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật này. Một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được quy định trong Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật là việc xây dựng, quản lý khai thác cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp. Tương ứng với nhiệm vụ đó, Luật xác định cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp là tài sản quốc gia phải được bảo vệ chặt chẽ, an toàn, lâu dài, chỉ người có thẩm quyền mới được tiếp cận, khai thác.

Ông Đặng Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia khẳng định: “ Việc xây dựng, quản lý, khai thác tốt cơ sở dữ liệu  lý lịch tư pháp nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu về cấp phiếu Lý lịch tư pháp ngày càng tăng của công dân. Nếu chúng ta không hiểu đúng, không hết tinh thần của cải cách hành chính cũng như xem nhẹ  tính chất bổ trợ Tư pháp của Lý lịch Tư pháp thì có thể dẫn tới tình trạng “hành chính hóa” công tác lý lịch tư pháp, như đã từng xảy ra với một số hoạt động bổ trợ tư pháp khác. Điều này sẽ dẫn đến hệ quả là giá trị của Phiếu lý lịch tư pháp sẽ không được nâng cao cũng như không đảm bảo được đầy đủ quyền và lợi ích của công dân về mặt tư pháp”.

 

 

Như vậy, việc xây dựng Thông tư phải đáp ứng những yêu cầu như: việc quản lý, sử dụng, khai thác cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp phải tuân theo các quy định của Luật Lý lịch tư pháp, Nghị định số 111/2010/NĐ-CP ngày 23/11/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Lý lịch tư pháp và các văn bản liên quan; phải đảm bảo tôn trọng bí mật đời tư cá nhân. Thông tin lý lịch tư pháp phải được cung cấp, tiếp nhận, cập nhật đầy đủ, chính xác theo đúng trình tự, thủ tục theo Luật định. Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp phải được bảo vệ chặt chẽ, an toàn và lưu trữ lâu dài.

Theo ông Sơn, để thực hiện được các yêu cầu cụ thể nêu trên thì việc xây dựng thể chế mà cụ thể là việc xây dựng thông tư phải bám sát từng yêu cầu đã được xác định. Trong số đó, vấn đề đẩy mạnh tiến độ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tại Trung tâm Lý lịch tư pháp Quốc gia và tại các Sở Tư pháp được xem là giải pháp tình thế giải quyết các vấn đề vướng mắc và cấp bách nhất trước mắt hiện nay. Đó cũng là việc làm góp phần kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý lý lịch tư pháp nói chung và cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp nói riêng.

Biến chuyển trong cấu trúc

Theo ý kiến của một số đại biểu tham dự Hội thảo, nhìn chung dự thảo Thông tư có cấu trúc hợp lý và tính chỉnh thể cao đồng thời có chuyển biến tích cực về cấu trúc chung sau các lần dự thảo. Nhiều vấn đề được bổ sung, sửa đổi cho đầy đủ, hợp lý như bổ sung cơ sở pháp lý cho việc ban hành thông tư, sắp xếp được các nguyên tắc quản lý dữ liệu lý lịch tư pháp cho phù hợp …

Tuy nhiên, trên thực tế, việc xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ cơ sở dữ liệu là nhiệm vụ còn hết sức mới mẻ, nhiều nội dung công việc Trung tâm lý lịch Quốc gia và các Sở Tư pháp phải tự mày mò tìm hiểu, mỗi đơn vị thực hiện một cách khác nhau. Thậm chí có những công việc đến nay vẫn chưa được triển khai thực hiện. Việc xây dựng Thông tư hướng dẫn việc quản lý, sử dụng và khai thác cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp là vô cùng cần thiết và tạo điều kiện để Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và các Sở Tư pháp trong cả nước thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Thứ trưởng Phạm Quý Tỵ khẳng định, thông qua việc trao đổi, thảo luận mang tính khoa học của các đại biểu tham dự, ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Thông tư. Ông cũng đánh giá cao nỗ lực của Trung tâm lý lịch Tư pháp quốc gia trong quá trình giới thiệu, phổ biến những nội dung cơ bản của Dự thảo để các đại biểu tham dự có cơ hội bày tỏ, trao đổi, mạn đàm mang tính khoa học về các vấn đề trực tiếp liên quan đến dự thảo.

Cùng ngày, Thứ trưởng Phạm Quý Tỵ đã có buổi thăm và làm việc với Sở Tư Pháp, Cục thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ninh.

Phương Thanh


Đào THị Phương Thanh, Báo PLVN (tin và ảnh)