Hội nghị tổng kết thực hiện Đề án: “Triển khai thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật” của Thủ tướng Chính phủ và sơ kết thực hiện Thông tư số 03/2010/TT-BTP

29/11/2011
Hội nghị tổng kết thực hiện Đề án: “Triển khai thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật” của Thủ tướng Chính phủ và sơ kết thực hiện Thông tư số 03/2010/TT-BTP
Thực hiện Quyết định số 1987/QĐ-TTg ngày 30/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Triển khai thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật” và Kế hoạch công tác năm 2011 của Bộ Tư pháp, ngày 29/11, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Đề án: “Triển khai thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật” của Thủ tướng Chính phủ và sơ kết thực hiện Thông tư số 03/2010/TT-BTP.

Hội nghị có sự tham dự của đại diện Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo Tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ; Ủy ban nhân dân, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập Nghị định về theo dõi thi hành pháp luật và một số tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp. Về phía Bộ Tư pháp có Bộ trưởng Hà Hùng Cường đến dự và chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Lê Thành Long và đại diện các đơn vị thuộc Bộ.

   

Hội nghị đã nghe Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến trình bày Báo cáo kết quả thực hiện Đề án và Báo cáo kết quả triển khai thực hiện Thông tư 03/2010/TT-BTP. Theo đó, một trong những mục tiêu cụ thể của Đề án là đánh giá tình hình thi hành, tổ chức và theo dõi thi hành pháp luật trong một số lĩnh vực thí điểm ở một số Bộ, ngành, địa phương, sau đó tiến hành tổng kết, rút kinh nghiệm và triển khai nhân rộng trên phạm vi toàn quốc. Kết quả đạt được của Đề án sẽ là những đóng góp đầu vào quan trọng cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống các quy định về theo dõi thi hành pháp luật nói chung, mà trước mắt là việc xây dựng Nghị định của Chính phủ về theo dõi thi hành pháp luật.

Các hoạt động cụ thể của Đề án bao gồm: Tập huấn triển khai thực hiện Đề án; Củng cố, kiện toàn và thí điểm thành lập đơn vị chuyên trách thực hiện nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật tại Vụ Pháp chế của 6 Bộ và tại các Sở Tư pháp của 6 địa phương; Điều tra, khảo sát tình hình thi hành, tổ chức và theo dõi thi hành pháp luật trong các lĩnh vực an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và các tổ chức tài chính; Rà soát, đánh giá các quy định của pháp luật hiện hành về công tác theo dõi thi hành pháp luật; Xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật về công tác theo dõi thi hành pháp luật.

   

Việc lựa chọn các hoạt động, nơi tiến hành thí điểm, phương thức thực hiện các hoạt động trong Đề án là chính xác và có ý nghĩa thiết thực cho việc triển khai công tác theo dõi thi hành pháp luật trong thời gian đầu. Các hoạt động chủ yếu đề ra trong Đề án đã được triển khai đầy đủ và đạt được mục tiêu đề ra. Mức độ và kết quả đạt được của mỗi hoạt động có khác nhau nhưng tổng hợp lại có đóng góp quan trọng cho việc xác định rõ ý nghĩa quan trọng, những thuận lợi, khó khăn trong việc triển khai công tác theo dõi thi hành pháp luật. Qua thực hiện từng hoạt động cụ thể Đề án đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị về hoàn thiện pháp luật trong từng lĩnh vực cụ thể có liên quan. Tuy nhiên, có thể nói, đóng góp có ý nghĩa nhất của Đề án là cung cấp thông tin đầu vào cho việc xây dựng dự thảo Nghị định về theo dõi thi hành pháp luật với những quy định về nội dung, cơ chế, cách thức theo dõi thi hành pháp luật có tính khả thi trong điều kiện hiện nay.

Ngày 03/3/2010, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 03/2010/TT-BTP hướng dẫn thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, có hiệu lực từ ngày 17/4/2010. Qua gần hai năm triển khai thực hiện, Thông tư 03/2010/TT-BTP đã tạo cơ sở pháp lý ban đầu cho các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai công tác theo dõi thi hành pháp luật. Công tác này đã dần dần đi vào nề nếp, đã phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong thi hành pháp luật với những đề xuất, kiến nghị xử lý, góp phần vào việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của các Bộ, ngành và địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai công tác theo dõi thi hành pháp luật cho thấy Thông tư 03 cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình hiện nay về công tác theo dõi thi hành pháp luật.

   

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định, xây dựng và thi hành pháp luật là hai nhiệm vụ luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách lớn để bảo đảm cho pháp luật được thi hành nghiêm minh, thống nhất và có hiệu quả. Năm 2005, Bộ Chính trị đã ban hành 02 Nghị quyết là Nghị quyết số 48 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 49 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Đây là cơ sở chính trị - pháp lý quan trọng định hướng cho công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm tốt hơn nữa quyền tự do, dân chủ của công dân.

Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là 02 Nghị quyết quan trọng nêu trên, thời gian qua, chúng ta đã xây dựng được một hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ, điều chỉnh khá toàn diện các lĩnh vực đời sống xã hội của đất nước. Cùng với việc quan tâm đến công tác xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật, công tác thi hành pháp luật cũng ngày càng được chú trọng. Đây là khâu then chốt trong quá trình thực hiện yêu cầu quản lý xã hội bằng pháp luật, theo pháp luật. Những kết quả của công tác xây dựng và thi hành pháp luật đã và đang trở thành những thành tố đầu tư đầu vào không thể thiếu, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. 

Tuy nhiên, có thể nói công tác thi hành pháp luật ở nước ta trong thời gian qua vẫn còn nhiều điểm bất cập, cụ thể: Pháp luật chưa được tổ chức thi hành kịp thời, đầy đủ; Nhiều quy định của pháp luật chưa thực sự đi vào cuộc sống, các biểu hiện lệch lạc trong thi hành pháp luật chưa được kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh; Những vướng mắc, khó khăn trong thi hành pháp luật chưa được kịp thời phát hiện để xử lý, khắc phục; Hoạt động thi hành pháp luật còn có xu hướng tách rời, chưa thực sự gắn bó với quá trình xây dựng pháp luật và góp phần hoàn thiện pháp luật, các vướng mắc do quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, khiếm khuyết, thiếu đồng bộ, thậm chí còn vô hiệu hóa lẫn nhau, các kẽ hở pháp luật còn chưa được phát hiện kịp thời trong quá trình thi hành pháp luật để từ đó có các giải pháp hoàn thiện pháp luật; Chưa có cơ chế để theo dõi chung về thi hành pháp luật trong phạm vi cả nước…

   

Nhằm từng bước khắc phục tình trạng nêu trên, tại Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008, Chính phủ đã quyết định giao Bộ Tư pháp chức năng quản lý nhà nước về công tác thi hành pháp luật, với hai nhiệm vụ cụ thể là theo dõi chung về tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi cả nước; hướng dẫn, đôn đốc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác theo dõi, đánh giá, báo cáo về tình hình thi hành pháp luật thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành, địa phương. Đây là một nhiệm vụ mới, có ý nghĩa lớn về mặt quản lý nhà nước và xã hội, liên quan đến tổ chức và hoạt động của tất cả các cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến địa phương. Trong tinh thần đó, ngày 30/11/2009 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết đính số 1987/QĐ-TTg phê duyệt Đề án: “Triển khai thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật”; ngày 03/3/2010, Thông tư 03/2010/TT-BTP đã được ban hành hướng dẫn thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật.

Cho đến nay, với nỗ lực của các Bộ, ngành và địa phương, việc thực hiện các hoạt động của Đề án đã hoàn thành, Thông tư số 03 cũng đã được triển khai thực hiện gần 02 năm, chúng ta đã đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm bổ ích để từ đó có hướng triển khai công tác theo dõi thi hành pháp luật một cách bài bản và hiệu quả hơn trong thời gian tới. Thay mặt Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ trưởng cảm ơn các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong việc triển khai nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật cũng như trong suốt quá trình thực hiện Đề án và Thông tư số 03.

Hội nghị còn được nghe tham luận của các đại biểu từ Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Sở Tư pháp Hà Nội, Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh, Sở Tư pháp Cà Mau... Cũng tại Hội nghị, đại diện Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật đã trình bày dự thảo Nghị định về theo dõi thi hành pháp luật. Các đại biểu tham dự bằng những kinh nghiệm lý luận và thực tiễn, trên tinh thần thẳng thắn đã đưa ra những đề xuất, kiến nghị, giải pháp liên quan đến công tác theo dõi thi hành pháp luật và góp ý xây dựng vào dự thảo các văn bản.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Thứ trưởng Lê Thành Long cảm ơn và ghi nhận những ý kiến đóng góp quý báu của các đại biểu. Thứ trưởng tin rằng trong thời gian tới hoạt động theo dõi thi hành pháp luật sẽ gặt hái được nhiều thành quả to lớn hơn nữa.

T/N