Họp thường niên Ban chỉ đạo Dự án Chương trình đối tác tư pháp

18/11/2011
Họp thường niên Ban chỉ đạo Dự án Chương trình đối tác tư pháp
Sáng nay (18/11), cuộc họp thường niên Ban chỉ đạo Dự án Chương đối tác tư pháp đã được tổ chức tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên và Đại sứ Đan Mạch John Nielsen - đại diện các nhà tài trợ là đồng chủ tịch Ủy ban định hướng đồng chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp có các thành viên của Ủy ban định hướng, Đại diện các nhà tài trợ Chương trình đối tác Tư pháp, các cơ quan liên quan và các Ban chỉ đạo Dự án tại các Hợp phần.

Thứ trưởng Hoàng Thế Liên và Đại sứ Đan Mạch John Nielsen đã phát biểu khai mạc cuộc họp. Tiếp theo, đồng chí Nguyễn Văn Quyền - Phó trưởng Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương đã có bài phát biểu cập nhập thông tin và những ưu tiên cải cách tư pháp trong năm 2012 và những năm tới của Việt Nam để định hướng cho việc xây dựng các hoạt động của các cơ quan tư pháp tham gia thực hiện Chương trình.

Trong chương trình thảo luận, đại diện các bên đã có những bài phát biểu sâu sắc. Trong đó, Đại diện EU đã nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề tuyển dụng nguồn nhân lực, xây dựng thể chế và xây dựng chương trình tăng cường năng lực cho các tổ chức để nâng cao hiệu quả của Chương trình JPP. Đại diện của Việt Nam, bà Tạ Thị Minh Lý – Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý đã đồng tình với đại diện của EU về việc cần phải tuyển dụng các chuyên gia giỏi (là chuyên gia Việt Nam hoặc có thể là chuyên gia nước ngoài). Bà cũng cho rằng trong quá trình cải cách Tư pháp ở Việt Nam cần phải có một mô hình tòa án hợp lý, đội ngũ luật sư giỏi, cơ chế trách nhiệm cá nhân trong tố tụng.

Đại diện nhóm Tư vấn Hỗ trợ Kỹ thuật Thường trực (TA) cho biết: Trong năm 2011, bên cạnh hoạt động thường xuyên là hỗ trợ việc tìm kiếm và thuê tuyển chuyên gia quốc tế và trong nước phục vụ các hoạt động theo kế hoạch năm của Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao, nhóm TA đã phối hợp với Ban quản lý Dự án để tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao kỹ năng lập kế hoạch, theo dõi, để thực hiện các mục tiêu xuyên suốt hoặc định hướng cho các hoạt động trong khuôn khổ của JPP với Chiến lược cải cách tư pháp.

Tiếp tục cuộc họp, Vụ trưởng Vụ HTQT Nguyễn Khánh Ngọc - Đại diện Bộ Tư pháp báo cáo những nội dung cải cách tư pháp và những ưu tiên hợp tác của ngành Tư pháp trong năm 2012. Ông khẳng định, Chương trình đối tác tư pháp đã hỗ trợ rất lớn trong lĩnh vực cải cách tư pháp ở Việt Nam. Với sự hỗ trợ này, các hoạt động triển khai đã mang lại hiệu quả thiết thực, phục vụ đắc lực cho công cuộc cải cách tư pháp. Đồng thời, ông nêu ra hướng hoạt động trong thời gian tới: Rà soát lại các nội dung của chương trình để có những ưu tiên hợp tác, giữ lại hoặc bổ sung thêm các chương trình được ưu tiên; cần có sự phối hợp hơn nữa của các tổ chức trong Chương trình JPP đang có mặt tại Việt Nam; cần đa dạng hóa các hình thức hoạt động của Chương trình, không chỉ dừng ở Hội nghị, Hội thảo hay Tọa đàm.

Các đại diện của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và Liên đoàn luật sư Việt Nam cũng đã nêu lên các báo cáo về hoạt động của năm 2011 và hướng hoạt động trong thời gian tới trong khuôn khổ JPP.

Đại diện Quỹ Hỗ trợ Sáng kiến Tư pháp (JIFF) đã báo cáo việc thực hiện kế hoạch năm 2011. Theo báo cáo, JIFF đã thực hiện thành công lần mời nộp đề xuất dự án thứ 2 với 80 hồ sơ dự án, trong đó 10 dự án được phê duyệt (lần thứ nhất vào năm 2010 với 73 hồ sơ dự án, trong đó có 13 dự án được phê duyệt). JIFF đã vươn xa hơn về mặt địa lý trong lần mời thứ 2 này với 60% trong tổng số các hồ sơ của lần mời nộp đề xuất thứ 2 đến từ những chủ thể ngoài nhà nước và ngoài địa phương Hà Nội. Trong thời gian tới, bên cạnh việc mời nộp đề xuất dự án lần 3, JIFF sẽ tiếp tục công tác giám sát kỹ thuật và tài chính đang triển khai đối với các dự án đối tác tài trợ, tiếp tục thực hiện kế hoạch Phối hợp và Truyền thông cho các đơn vị nhận tài trợ - đặc biệt là những đơn vị ngoài Hà Nội, hỗ trợ các ứng viên phù hợp để họ nộp đơn xin tài trợ. Đồng thời, thực hiện Kế hoạch Phát triển Năng lực cho các đối tác của JIFF (các đơn vị nhận tài trợ) để thực hiện các hoạt động bình đẳng giới, thực hiện hoạch định mang tính chiến lược nhiều hơn.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên cho rằng, các Báo cáo của các đại diện đã đi đúng hướng và mục tiêu của cuộc họp. Các Đại biểu đã nêu bật được các kết quả đạt được và cả những khó khăn trong thời gian qua, những thách thức trong thời gian tới; định hướng trọng tâm cho những hoạt động tới đây trong bối cảnh mới của hoạt động cải cách tư pháp; kiến nghị các giải pháp để vừa có kế hoạch hoạt động tốt vừa có giải pháp thực thi tốt hơn. Thứ trưởng đã tổng kết 3 yêu cầu mà các đại diện đã nêu ra trong cuộc họp đó là: Xây dựng thể chế, trước hết là tập trung vào sửa đổi Hiến pháp; có hướng ưu tiên triển khai thi hành pháp luật; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực và tăng cường nhân lực cho công cuộc cải cách tư pháp. Khi tổng kết, Thứ trưởng chỉ ra tính cắt khúc trong hoạt động vẫn còn, cần có hướng khắc phục để đảm bảo rằng có tính độc lập mà vẫn giữ được tính tổng thể, thống nhất và liên hoàn. 

T.D