Hội thảo Góp ý về các phương pháp thu thập, phân tích thông tin phục vụ việc lập chương trình, kế hoạch công tác của Ngành Tư pháp và Đề cương Chương trình công tác của Ngành Tư pháp năm 2012

18/11/2011
Hội thảo Góp ý về các phương pháp thu thập, phân tích thông tin phục vụ việc lập chương trình, kế hoạch công tác của Ngành Tư pháp và Đề cương Chương trình công tác của Ngành Tư pháp năm 2012
Trong các ngày 17-18/11/2011, tại thành phố Huế, được sự hỗ trợ của Dự án “Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền ở Việt Nam” (UNDP), Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo góp ý về các phương pháp thu thập, phân tích thông tin phục vụ việc lập chương trình, kế hoạch công tác của Ngành Tư pháp và Đề cương Chương trình công tác của Ngành năm 2012. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Huy Ngát - Phó Giám đốc dự án UNDP; ông Trần Tiến Dũng, Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp; Giám đốc các Sở Tư pháp, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên; đại diện các tổ chức pháp chế của một số Bộ, ngành và Tập đoàn, Tổng công ty: Dầu khí, Than khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Viễn thông Quân đội Viettel; đại diện các đơn vị chức năng của Tổng cục Thi hành án dân sự, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Văn phòng Bộ Tư pháp và Dự án UNDP.

Tại Hội thảo, các đại biểu đánh giá cao về tầm quan trọng, ý nghĩa, sự chuyên nghiệp của các phương pháp trong dự thảo Bộ tài liệu tập huấn về phương pháp thu thập, phân tích thông tin phục vụ công tác lập Chương trình, Kế hoạch công tác của Ngành, qua đó khi được triển khai sẽ nâng cao tính khách quan, bám sát thực tiễn và tính khả thi của các chương trình, kế hoạch. Dự thảo Bộ tài liệu sẽ đặt nền móng cho việc nghiên cứu, xây dựng Chương trình, Kế hoạch công tác đảm bảo thống nhất, khoa học, bài bản, nâng cao chất lượng và hiệu quả áp dụng trong thực tiễn… Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng, Bộ Tài liệu cần đưa ra quy trình chung và nhiều ví dụ hơn về quá trình thu thập, phân tích thông tin để đảm bảo sát với thực tiễn và dễ áp dụng thống nhất từ Trung ương tới địa phương.

Tiếp theo, Hội thảo đã thảo luận về Đề cương Chương trình công tác của Ngành Tư pháp năm 2012. Các đại biểu đều nhất trí về cơ cấu Đề cương (gồm 3 phần: Chương trình công tác năm 2012; Một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2012; Tổ chức thực hiện) và cho rằng nội dung Đề cương Chương trình đã căn cứ vào các văn bản chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, các nhiệm vụ nêu ra đã bao quát các lĩnh vực và bám sát yêu cầu công tác của Bộ, Ngành. Bên cạnh đó, các đại biểu góp ý về từng nội dung cụ thể trong dự thảo, cách thức thực hiện, nêu ra các vấn đề đặc trưng ở địa phương mình, các khó khăn, vướng mắc và đề xuất phương án khắc phục... đồng thời cho rằng, Chương trình công tác cần được trình bày theo hướng thu gọn hơn và cần căn cứ vào nguồn lực, khả năng thực tế để đảm bảo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đặt ra.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Lê Hồng Sơn đánh giá cao công tác chuẩn bị và chất lượng dự thảo Bộ tài liệu cũng như dự thảo Chương trình công tác năm 2012. Thứ trưởng yêu cầu Văn phòng Bộ và Nhóm soạn thảo tiếp thu các ý kiến phát biểu tại Hội thảo để tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện Bộ tài liệu theo hướng tăng cường hơn nữa tính thực tiễn, đưa ra các ví dụ minh họa biểu mẫu, xác định các tiêu chuẩn, tiêu chí chung để Bộ tài liệu dễ hiểu, dễ áp dụng cho các đơn vị, địa phương; đồng thời cần làm sâu sắc thêm các nội dung về một số phương pháp thu thập thông tin như: phương pháp kiểm tra chéo số liệu, phương pháp trao đổi, so sánh, phân tích, ứng dụng công nghệ thông tin trong trao đổi, cung cấp thông tin... Đối với dự thảo Chương trình công tác, cần thể hiện được các nhiệm vụ trọng tâm trên các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ như: Xây dựng, thi hành pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp… Về cách thức thực hiện, cần phân định rõ những công việc do Bộ thực hiện và công việc do địa phương thực hiện; tăng cường kiểm tra, giám sát; kiện toàn tổ chức, triển khai kịp thời, hiệu quả các công việc.