Tọa đàm “Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế”

25/10/2011
Tọa đàm “Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế”
Sáng qua (24/10), Bộ Tư pháp phối hợp với Dự án Hỗ trợ thi hành pháp luật về hội nhập kinh tế quốc tế tổ chức Tọa đàm “Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế”. Tham dự Tọa đàm có đại diện các Bộ, ngành; đại diện Dự án Hỗ trợ thực thi pháp luật hội nhập kinh tế; Vụ Hợp tác quốc tế, và một số đơn vị thuộc Bộ.

Theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng đề án về khả năng Việt Nam gia nhập các công ước của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế. Tọa đàm nhằm cung cấp thông tin cho các Bộ, ngành về Hội nghị La Hay, giới thiệu về Hội nghị và thực tiễn, xu hướng gia nhập của các nước.

Tọa đàm đã nghe ông Christophe Bernasconi – Phó Tổng thư ký Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế giới thiệu Tổng quan về Hội nghị La Hay và thực tiễn hỗ trợ của Ban Thư ký đối với các nước gia nhập Hội nghị La Hay. Theo đó, Hội nghị La Hay là một tổ chức liên Chính phủ hiện có 72 thành viên (trong đó bao gồm 71 Nhà nước và Liên minh Châu Âu) đại diện cho mọi châu lục. Mục đích của Hội nghị là “phối hợp cùng nhau để thống nhất và hài hòa hóa theo hướng tiến bộ toàn bộ các quy tắc tư pháp quốc tế”. Hội nghị La Hay đã thực hiện xây dựng và hiện đang thực hiện các Công ước quốc tế đáp ứng các nhu cầu toàn cầu trong lĩnh vực: bảo vệ trẻ em, gia đình và các mối quan hệ tài sản trên tầm quốc tế; tranh tụng và hợp tác pháp luật trên tầm quốc tế; luật pháp thương mại và tài chính quốc tế. Hội nghị đã có 38 Công ước Quốc tế trong các lĩnh vực nói trên và các Công ước này được giám sát thường xuyên bởi Uỷ ban Đặc biệt của Hội nghị. 

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Nguyễn Khánh Ngọc, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế đã chia sẻ những bước đầu tiếp cận của Việt Nam với Hội nghị La Hay và khả năng gia nhập Hội nghị. Ông nhận định, trong bối cảnh hội nhập quốc tế thì việc Việt Nam nghiên cứu tìm hiểu việc gia nhập công ước La Hay là cần thiết.

Việc gia nhập tổ chức này sẽ là một bước tiến lớn của Việt Nam trong quá trình hội nhập. Đây là một tổ chức liên chính phủ uy tín trên thế giới vì sự phát triển của luật pháp quốc tế trong lĩnh vực luật thương mại – tài chính, hợp tác tư pháp/pháp luật quốc tế và tranh tụng giữa các quốc gia và luật gia đình quốc tế. Hiện nay, Việt Nam đã trở thành thành viên của Liên hợp quốc, APEC, gia nhập ASEAN và WTO. Để thực hiện chính sách ngoại giao, tăng cường các hoạt động thương mại quốc tế và khu vực cũng như các cơ hội đầu tư thì đây là thời điểm Việt Nam cần cân nhắc gia nhập Hội nghị La Hay để thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế của mình trong lĩnh vực pháp luật.

Các đại biểu tham dự Tọa đàm cũng đã trao đổi những thắc mắc và nhận được giải đáp thỏa đáng từ Phó Tổng thư ký Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế.

T/N