Thẩm định dự án Luật Giáo dục đại học (sửa đổi)

15/07/2025
Thẩm định dự án Luật Giáo dục đại học (sửa đổi)
Sáng 15/7, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh chủ trì họp Hội đồng thẩm định Dự án Luật Giáo dục đại học (sửa đổi). Cùng dự có Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn.
Trình bày hồ sơ tại buổi thẩm định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (GDĐH) Nguyễn Tiến Thảo cho biết, Luật GDĐH (Luật số 08/2012/QH13) ban hành năm 2012 và được sửa đổi, bổ sung năm 2018 (Luật số 34/2018/QH14) đã tạo hành lang pháp lý mở rộng quyền tự chủ cho cơ sở GDĐH từng bước nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng nhu cầu nhân lực của nền kinh tế, thúc đẩy cạnh tranh phát huy nguồn lực xã hội hóa giáo dục. 

Tuy nhiên, sau hơn 13 năm thực hiện Luật số 08/2012/QH13 và 6 năm áp dụng Luật số 34/2018/QH14, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế triển khai thi hành Luật GDĐH cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc trong đó có nguyên nhân từ nhận thức, năng lực tổ chức thực hiện và hạn chế trong khi Luật GDĐH có nhiều chính sách, quy định mới; hệ thống văn bản pháp luật liên quan tới hoạt động của các cơ sở GDĐH chưa được hoàn thiện đồng bộ, một số nội dung quy định tại Luật GDĐH còn bất cập, chưa phát huy hết vai trò thực hiện dân chủ của các tổ chức chính trị xã hội, chưa phù hợp với thực tiễn và không theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội trong bối cảnh mới của đất nước. 
 

Luật GDĐH (sửa đổi) được xây dựng nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện, hiện đại hóa và đột phá phát triển giáo dục và đào tạo; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, hội nhập quốc tế; đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật và những nội dung liên quan khác về giáo dục và đào tạo. Tháo gỡ các điểm nghẽn, bất cập trong quá trình thi hành Luật hiện hành; bổ sung hoàn thiện đầy đủ, đồng bộ và thống nhất hệ thống pháp luật về GDĐH nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, hoàn thiện mô hình quản trị đại học tiên tiến phù hợp với hệ thống chính trị, xã hội, văn hóa và con người Việt Nam. 

Dự thảo Luật GDĐH (sửa đổi) gồm 9 chương với 51 điều (giảm 22 điều so với Luật GDĐH hiện hành) hướng tới những điểm đột phá so với Luật hiện hành gồm: Kiến tạo cho các cơ sở GDĐH đột phá, tiên phong trong đổi mới sáng tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng tính tự chủ, tự quyết của cơ sở GDĐH trong hoạt động GDĐH; tăng tính tự chủ, tự quyết của cơ sở GDĐH trong hoạt động GDĐH;  đột phá trong quản lý nhà nước và quản trị cấp cơ sở GDĐH; tạo sân chơi cạnh tranh bình đẳng cho các bên liên quan tham gia hoạt động GDĐH: cơ sở GDĐH (công lập, tư thục), cơ sở giáo dục.

Góp ý tại buổi thẩm định, Thượng tá Vũ Đức Giang, đại diện A03, Bộ Công an nhấn mạnh, hiện nay giáo dục nói chung và GDĐH nói riêng đang nổi lên rất nhiều vấn đề, ảnh hưởng đến chất lượng GDĐH và hiệu năng, hiệu quả của quản trị nhà nước về GDĐH như: quản lý, kiểm soát chất lượng đầu ra tại các trường đại học; việc kiểm định chất lượng đại học; việc các trường tổ chức các kỳ thi tuyển sinh riêng... Do đó, đại diện Bộ Công an đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo có quy định chặt chẽ về các vấn đề nêu trên, trong đó chú trọng cụ thể hóa quy định về cơ chế kiểm soát các kỳ thi riêng; phương pháp tổ chức kiểm tra, giám sát chất lượng đối với các cơ sở GDĐH trong bối cảnh thực hiện nâng cao chất lượng GDĐH.

Tại buổi thẩm định, các thành viên Hội đồng thẩm định cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật GDĐH (sửa đổi). Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, làm rõ các điều khoản thúc đẩy phát triển giáo dục tư thục; phân biệt cơ sở GDĐH và cơ sở giáo dục có hoạt động đào tạo đại học; nghiên cứu, bảo đảm thống nhất các nội dung quy định về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo mới ban hành; cụ thể hóa quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về GDĐH; quy định cụ thể về quyền và trách nhiệm của các cơ sở GDĐH khác; rà soát bảo đảm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các quy định có liên quan...

Phát biểu kết luận buổi thẩm định, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đánh giá cao sự chuẩn bị hồ sơ dư án Luật GDĐH (sửa đổi). Đồng thời nhất trí cao với sự cần thiết ban hành Luật GDĐH (sửa đổi).

Thứ trưởng đánh giá dự thảo Luật phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp; cụ thể hóa, quy phạm hóa đầy đủ các nhóm nội dung của các chính sách đã được thông qua. Thứ trưởng nhấn mạnh, dự thảo Luật có liên quan đến rất nhiều luật khác, do đó, Cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát kỹ lưỡng, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, đặc biệt là Luật Giáo dục. 
 

 
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cho ý kiến cụ thể các nội dung về việc cần làm rõ vị trí về trợ giảng và nhân viên hỗ trợ giảng dạy; cân nhắc việc phân loại giảng viên đại học bảo đảm thống nhất với các luật chuyên ngành; cụ thể hóa, quy định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của giảng viên, sinh viên trong hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; vấn đề tự chủ đại học; các quy định liên quan đến Hội đồng trường...
T.Oanh