Phạt hành chính là không để “phạt cho tồn tại”

14/10/2011
Phạt hành chính là không để “phạt cho tồn tại”
Sáng nay, trong khuôn khổ dự án “Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam” giữa Chính phủ Việt Nam và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), hội thảo “Hoàn thiện các qui định về phần xử phạt trong dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính” đã được tổ chức để lấy thêm ý kiến đóng góp cho nội dung quan trọng này trước khi dự luật được trình ra Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 sắp tới.

Thực tế xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) thời gian qua theo Pháp lệnh XLVPHC cho thấy, tình hình VPHC vẫn diễn ra phức tạp trong khi các qui định của pháp luật còn chưa đáp ứng vì hình thức xử phạt thiếu đa dạng, thủ tục chưa thật sự đảm bảo công khai, thiếu vắng một số yêu cầu về mặt pháp lý trong quá trình xem xét ra quyết định XLVPHC… làm ảnh hưởng đến công tác đấu tranh phòng chống VPHC.

Khắc phục điểm yếu của pháp luật phải bằng chính qui định pháp luật để có thể đáp ứng yêu cầu XLVPHC nhanh, nhạy cũng như hoạt động quản lý HC. Do đó, theo bà Nguyễn Thị Kim Thoa – Quyền Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp), từ thực tế, hình phạt phụ còn nặng hơn, có tác dụng răn đe hơn hình phạt bổ sung nên dự thảo đã đưa vào thêm một số hình phạt bổ sung mới như lao động công ích tại cộng đồng, học lại một số qui định pháp luật bị vi phạm… để tăng hiệu lực của hoạt động XLVPHC.

Dù trong dự thảo, mức phạt cao nhất được qui định lên đến 2 tỷ đồng nhưng vẫn bị đánh giá là “chưa thấm vào đâu”. Song, “luật không đứng im mà sẽ có sự thay đổi cho phù hợp với thực tế” nên trước mắt, với mức phạt đối với các nhóm hành vi tăng 3-5 lần so với qui định hiện hành, dự thảo Luật hy vọng sẽ khắc phục được tình trạng “phạt cho tồn tại”.

Đặc biệt, mức phạt tiền sẽ được điều chỉnh tùy vào tình hình biến động của giá cả và sự thay đổi chức danh của những người có thẩm quyền xử phạt. Theo đó, nếu Quốc hội ra Nghị quyết xác định trượt giá 20%, Chính phủ sẽ điều chỉnh mức phạt tiền trong XLVPHC cho phù hợp. Điểm mới này trong dự thảo cũng góp phần để các qui định XLVPHC phù hợp với yêu cầu xử lý nhanh, nhạy, đáp ứng yêu cầu quản lý HC.

Cũng để không còn chuyện “tị nạnh” về mức phạt giữa những người có thẩm quyền, dự luật cũng áp dụng phương pháp xác định mức phạt cho từng đối tượng có thẩm quyền XLVPHC theo tỷ lệ % so với mức phạt tối đa của từng cấp. Đồng thời, phân cấp thẩm quyền XLVPHC theo hướng tăng thẩm quyền cho cơ sở.

Một vấn đề được nhiều người quan tâm chính là qui định cho phép một số tỉnh, TP lớn áp dụng mức phạt cao hơn các địa phương khác đến 2 lần so với mức trần. Lý giải về tính cần thiết, bà Thoa nhấn mạnh đến yếu tố vùng, miền khi XLVPHC bởi “cùng một hành vi nhưng hậu quả lại khác nhau giữa các địa phương nên mức phạt cũng phải khác nhau mới có tác dụng”.

Các chuyên gia còn đánh giá cao điểm mới của dự luật về việc cho phép đối tượng bị XLVPHC “giải trình trước khi nộp phạt” đối với những trường hợp bị phạt trên 50 triệu đồng, hoặc bị áp dụng các biện pháp như đình chỉ, rút giấy phép hoạt động… Qui định này xuất phát từ thực tế là nhiều mức phạt VPHC ảnh hưởng lớn đến cá nhân, tổ chức như đình chỉ hoạt động của DN sẽ khiến nhiều người lao động mất việc làm… Các mức và biện pháp phạt khác, nếu đối tượng bị XPVPHC không đồng ý vẫn được bảo vệ bằng quyền khiếu nại. Do vậy, qui định tạo điều kiện cho đối tượng bị XPVPHC giải trình, bên cạnh quyền khiếu nại được cho là đảm bảo tính khách quan, dân chủ của quyết định xử phạt và giảm khiếu nại trong lĩnh vực này./.

H.Giang