Tham dự Diễn đàn có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền – Trưởng Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Tư pháp và ngài Eamonn Murphy – Quyền trưởng Đại diện Văn phòng Thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam.
Trong bài phát biểu của mình, ngài Murphy đã đưa ra nhũng con số thống kê về sự tham gia của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo ở Việt Nam như: Chưa đến 1/3 Thẩm phán là phụ nữ, giám đốc Sở Tư pháp là nữ giới chỉ chiếm khoảng 8%..., hay về vấn đề có 1/3 phụ nữ Việt Nam từng trải qua bạo lực gia đình… Ngài cho rằng: đã đến lúc trao quyền cho người phụ nữ và hy vọng sẽ có nhiều phụ nữa Việt Nam ở những vị trí cao cấp để bảo vệ quyền của phụ nữ.
Tại diễn đàn, nhiều bài tham luận quan trọng về lồng ghép giới trong xây dựng và thực thi pháp luật đã được trình bày như: “Lồng ghép giới trong xây dựng và thực thi pháp luật: Luật Bình đẳng giới và kết quả đạt được” của Bà Nguyễn Thúy Anh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội. Bà cho rằng ở Việt Nam trước khi có Luật Bình đẳng giới ra đời (năm 2006) cũng đã có một số chính sách, quy định pháp luật điều chỉnh về sự tiến bộ của phụ nữ, nhưng chưa có khuôn khổ pháp lý quốc gia toàn diện đề cập tới vấn đề này. Từ khi Luật Bình đẳng giới ra đời và đi vào cuộc sống đã có nhiều thay đổi đáng kể cả về nhận thức xã hội và việc thực thi pháp luật: trước đây, bình đẳng giới được thực hiện giao thoa giữa cơ quan quản lý nhà nước với tuyền truyền phổ biến pháp luật; hiện nay, hoạt động quản lý nhà nước đã được định hình một cách rõ rệt với quan niệm đây là một trong những lĩnh vực quan trọng của nền hành chính.
|
|
Bên cạnh đó, Bà Amarsanaa Darisuren – Chuyên gia về nhân quyền Cơ quan Phụ nữ Liên hợp quốc khu vực Đông và Đông Nam Á trong bài tham luận về: “Đảm bảo hệ thống tư pháp phục vụ phụ nữ – kinh nghiệm so sánh và đề xuất đối với Việt Nam” cho biết: 2/3 quốc gia trên thế giới có luật về bạo lực gia đình, ở khu vực Đông Nam Á có 8 nước đã thông qua luật Bình đẳng giới. Các nước đã đưa ra những quy định pháp luật về vai trò của các cơ quan quyền lực nhà nước về bình đẳng giới và các cơ chế thực thi pháp luật. Đó là những bước tiến mạnh mẽ trong 10 năm trở lại đây về bạo lực gia đình và bảo vệ quyền cho người phụ nữ. Ở Việt Nam chỉ có khoảng 29% tỉ lệ nữ giới tham gia vào cơ quan quyền lực nhà nước và bà cho rằng cần thiết phải tăng cường sự có mặt của nữ giới trong cả bộ máy Tư pháp và Hành pháp, điều đó sẽ tạo ra sự thay đổi và chuyển biến trong vấn đề bảo vệ người phụ nữ. Để bảo vệ cho người phụ nữ thì ban hành pháp luật là chưa đủ mà cần phải có các thiết chế khác, cách thực thi, các biện pháp giúp phụ nữ tiếp cận với công lý.
|
|
Tiến sĩ Trần Văn Quảng – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ đồng thời là Phó Trưởng Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Tư pháp với bài tham luận: “Thực tiễn triển khai nhiệm vụ của Bộ Tư pháp về lồng ghép giới trong xây dựng và thực thi pháp luật – Xây dựng Bộ công cụ đánh giá về lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật” khẳng định: đấu tranh vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới là vấn đề có ý nghĩa quan trọng và mang tính thời sự. Bộ Tư pháp cũng đã nỗ lực hết sức trong vấn đề này. Bên cạnh việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới, Bộ Tư pháp luôn chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ. Hiện nay cán bộ nữ trong ngành Tư pháp chiếm quá nửa tổng số cán bộ ngành (54% năm 2010), tuy nhiên cán bộ nữ ở vị trí lãnh đạo, quản lý chỉ chiếm 25% - 27% là chưa tương xứng, vì thế Bộ Tư pháp luôn có những chính sách tạo điều kiện cho cán bộ nữ học tập và nâng cao trình độ để có thể tham gia vào các vị trí lãnh đạo, quản lý.
|
|
Bài tham luận: “Vai trò của ngành tư pháp trong việc phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ Việt Nam” của Bà Darien Hagemann – Chuyên gia Dự án VNM/T28 Văn phòng ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc đã kết thúc cho diễn đàn sáng nay. Trong đó, Bà đã nêu lên bức tranh tổng quát về bạo lực gia đình diễn ra ở Việt Nam và đưa ra các kiến nghị để nâng cao vai trò của ngành Tư pháp trong vấn đề này.
T.D