Bộ Tư pháp: Tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế Bộ, ngành

15/09/2011
Hôm qua (14/9), Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị tập huấn một số kiến thức pháp luật và nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho cán bộ pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các đoàn thể ở Trung ương. Nội dung tập huấn được trình bày thành 4 chuyên đề, bao gồm 2 chuyên đề giới thiệu Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự; Luật Tố tụng hành chính và 2 chuyên đề về kỹ năng thuyết trình trong PBGDPL; kỹ năng xây dựng chương trình, kế hoạch về PBGDPL.

Trình bày chuyên đề về kỹ năng thuyết trình trong PBGDPL, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Nội vụ) Lê Trọng Vinh nhấn mạnh, người thuyết trình phải biết cách tạo sự chú ý của người nghe. Bài thuyết trình cần có đầy đủ các phần mở đầu, thân bài kết luận và quan trọng phải nắm vững được nguyên tắc là nói đơn giản, ngắn gọn. Tuy nhiên, hiện nay người ta sử dụng ngày càng nhiều kỹ năng thuyết trình phi ngôn từ, tức là không chỉ dùng lời nói và chữ viết mà còn vận dụng giọng nói, điệu bộ, dáng vẻ, trang phục, nét mặt… nhằm tăng cường hiệu quả PBGDPL.

Giới thiệu Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Giảng viên Bùi Thị Huyền (Học viện Tư pháp) điểm qua sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật; quan điểm chỉ đạo của việc sửa đổi, bổ sung; bố cục của Luật sửa đổi, bổ sung. Bà Huyền cũng trình bày 7 nội dung cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung như kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự, thẩm quyền của Tòa án đối với quyết định cá biệt của cơ quan tổ chức, định giá tài sản và thẩm định giá tài sản, thời hiệu khởi kiện và thời hiệu yêu cầu, phương thức và trình tự hòa giải, thủ tục giám đốc thẩm, xem xét lại quyết định giám đốc thẩm và tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC.

Phó Viện trưởng Viện Khoa học xét xử (TANDTC) Nguyễn Văn Cường cũng đã giới thiệu sự cần thiết ban hành và bố cục của Luật Tố tụng hành chính gồm 18 Chương 265 Điều. Đây là một đạo luật có rất nhiều điểm mới so với các quy định của pháp luật hiện hành từ việc xác định thẩm quyền trong trường hợp vừa có đơn khiếu nại vừa có đơn khởi kiện, không quy định quyền khởi tố vụ án hành chính của VKSND đến thẩm quyền của Hội đồng xét xử sơ thẩm, việc xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC… Tất cả những đổi mới này nhằm bảo đảm tính đồng bộ và thống nhất của hệ thống pháp luật, góp phần bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Vụ trưởng Vụ PBGDPL (Bộ Tư pháp) Nguyễn Duy Lãm đảm nhận chuyên đề “Kỹ năng xây dựng chương trình, kế hoạch PBGDPL”. Theo ông Lãm, việc xây dựng chương trình là một công đoạn của công tác PBGDPL, đảm bảo cho công tác này được triển khai trên thực tế có chất lượng, hiệu quả, còn xây dựng kế hoạch là việc đề ra một cách có hệ thống những công việc dự định làm trong một thời gian nhất định với cách thức, trình tự, thời hạn tiến hành cụ thể. Trong xây dựng chương trình, kế hoạch cần nắm bắt được các yêu cầu, căn cứ xây dựng và tuân thủ theo quy trình nhất định để tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch đó.

Đây là một trong những hoạt động thuộc Đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực PBGDPL của Chương trình PBGDPL từ năm 2008 - 2012 được phê duyệt tại Quyết định số 37/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Tư pháp cũng mong muốn qua Hội nghị tập huấn lần này, các đại biểu tham dự sẽ có những ý kiến đóng góp để công tác bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ PBGDPL đáp ứng được yêu cầu, phù hợp với thực tiễn hơn nữa.

Cẩm Vân