Hội nghị chuyên đề đánh giá công tác kiến nghị, trả lời kiến nghị của địa phương và pháp chế Bộ, ngành

09/09/2011
Hội nghị chuyên đề đánh giá công tác kiến nghị, trả lời kiến nghị của địa phương và pháp chế Bộ, ngành
Hôm nay (09/9), Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị chuyên đề đánh giá công tác kiến nghị, trả lời kiến nghị của địa phương và pháp chế Bộ, ngành. Tham dự Hội nghị có đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Nội Vụ, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ và đông đảo các Sở Tư pháp địa phương, các cơ quan pháp chế Bộ, ngành có liên quan. Thứ trưởng Thường trực Hoàng Thế Liên đến dự và chủ trì Hội nghị.

Hội nghị đã được nghe đồng chí Lê Hồng Sơn, Chánh văn phòng Bộ báo cáo thực trạng kiến nghị của địa phương, các tổ chức pháp chế Bộ, ngành và công tác trả lời kiến nghị của Bộ Tư pháp. Qua đó cho thấy, giai đoạn 2007-2011, công tác trả lời kiến nghị của Bộ Tư pháp đã có nhiều tiến bộ, góp phần giúp toàn Ngành đẩy nhanh tiến độ, chất lượng giải quyết một khối lượng lớn công việc được giao, đặc biệt là nhiều nhiệm vụ mới, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu cải cách tư pháp, cải cách hành chính, bảo đảm sự kịp thời, minh bạch và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương. Nắm bắt được tinh thần công tác trong toàn Ngành qua các Chương trình triển khai công tác hàng năm, các tổ chức pháp chế bộ, ngành, các cơ quan tư pháp địa phương đã chủ động kiến nghị giải quyết công việc, kiến nghị giải quyết những điểm nghẽn của Ngành trong thời gian qua như về thể chế; công tác cán bộ; công tác phối hợp giữa Bộ, các đơn vị trong Ngành với các Bộ, ngành và các đơn vị khác ở địa phương. Theo kết quả khảo sát tại 109 tổ chức pháp chế Bộ, ngành, Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự, năm 2010, các đơn vị nêu trên đã gửi về Bộ Tư pháp tổng số 341 kiến nghị, đã được trả lời 214 kiến nghị, chiếm tỷ lệ 62,8%. Trong đó tỷ lệ giải đáp kiến nghị trong lĩnh vực thi hành án dân sự chiếm cao nhất là 89,5%; tỷ lệ kiến nghị của pháp chế Bộ, ngành chỉ đạt tỷ lệ 32,1%.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được có một số điểm hạn chế cụ thể, nhiều kiến nghị chưa thực sự là vướng mắc, mang tính sự vụ; nhiều kiến nghị không thuộc thẩm quyền trả lời của Bộ Tư pháp. Vẫn còn tình trạng văn bản trả lời chung chung, một số nội dung trả lời kiến nghị chưa đúng với nội dung kiến nghị hoặc trả lời chưa hết nội dung kiến nghị, thời gian trả lời kiến nghị còn chậm làm ảnh hưởng không nhỏ tới việc triển khai công tác tư pháp của địa phương, tổ chức pháp chế Bộ, ngành. Quan hệ phối hợp với một số cơ quan, tổ chức khác ngoài Bộ trong công tác quản lý và trả lời kiến nghị trong một số lĩnh vực còn chưa chặt chẽ, hiệu quả còn hạn chế. Việc thống kê văn bản đã được trả lời và chưa trả lời còn không rõ ràng. Công tác theo dõi tiếp nhận và trả lời kiến nghị của Văn phòng Bộ còn hạn chế, phụ thuộc hoàn toàn vào báo cáo công tác của đơn vị thuộc Bộ.

Đồng thời các tham luận về đánh giá công tác kiến nghị và trả lời kiến nghị của Tổng cục Thi hành án dân sự, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Vụ Bổ trợ tư pháp, Vụ Hành chính tư pháp, Sở Tư pháp thành phố Hà Nội, Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh cũng giúp các đại biểu có thêm cách nhìn nhận cụ thể về hoạt động này.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Hoàng Thế Liên hoan nghênh tinh thần làm việc tích cực, khẩn trương của các đại biểu và nhấn mạnh cần mở rộng Hội nghị với quy mô rộng hơn. Thời gian qua, ý nghĩa của công tác kiến nghị và trả lời kiến nghị đã được nhận thức tốt hơn, đầy đủ hơn, bài bản và quyết liệt hơn. Khối lượng kiến nghị nhiều, phản ánh được sự sôi động của hoạt động tư pháp địa phương; chất lượng giải quyết kiến nghị của Bộ Tư pháp cũng ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, thời gian trả lời kiến nghị còn chậm, chất lượng của giải đáp còn chưa đáp ứng được yêu cầu của địa phương; quy trình và cơ chế phối hợp chưa chặt chẽ. Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, vẫn còn chồng chéo, mâu thuẫn; tầm quan trọng của hoạt động kiến nghị và giải đáp kiến nghị chưa được nhận thức đúng đắn; công tác tổ chức cán bộ, kính phí và cơ sở vật chất còn yếu. Thứ trưởng chỉ đạo, cần đề cao trách nhiệm trong xây dựng pháp luật; tiếp tục đẩy mạnh phổ biến tầm quan trọng của hoạt động này; xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ; xây dựng quy chế hỏi đáp, tiếp nhận kiến nghị và giải đáp kiến nghị; mở rộng Hội nghị với quy mô toàn quốc theo một thời gian nhất định; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin.