Đề xuất thành lập Trung tâm tài chính tại Việt Nam

22/02/2025
Đề xuất thành lập Trung tâm tài chính tại Việt Nam
Ngày 22/02, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập và hoạt động của Trung tâm tài chính tại Việt Nam. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh chủ trì phiên họp.
Thúc đẩy phát triển thị trường tài chính Việt Nam hiệu quả, bắt kịp chuẩn mực quốc tế;
Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Trung tâm tài chính là một “hệ sinh thái đa dạng các dịch vụ tài chính tập trung tại một khu vực nhất định”, là nơi tập trung nhiều định chế tài chính, ngân hàng, quỹ đầu tư, công ty dịch vụ tài chính và có các sàn giao dịch chứng khoán, tiền tệ, hàng hoá. Xây dựng Trung tâm tài chính là việc hình thành một khu vực có thể chế riêng, vượt trội, đặc thù, khuyến khích và thu hút các nhà đầu tư để cung cấp các sản phẩm/dịch vụ tài chính, kết nối với các Trung tâm tài chính quốc tế.
Hiện nay, Việt Nam đang là điểm sáng về phát triển và tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nằm trong số những thị trường dẫn đầu về tỷ lệ áp dụng các công nghệ tài chính tương lai, có thể tạo được lợi thế cạnh tranh, hình thành các sản phẩm “đặc thủ” cho Trung tâm tài chính ở Việt Nam. Việt Nam đang dần hội tụ các yếu tố cần thiết để phát triển thị trường tài chính hiện đại, hướng đến hình thành Trung tâm tài chính có khả năng liên kết với các Trung tâm tài chính trong khu vực và trên thế giới.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Vì vậy, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập và hoạt động của Trung tâm tài chính tại Việt Nam là hết sức cần thiết để hình thành Trung tâm tài chính khu vực, quốc tế thành công; giúp Việt Nam kết nối thị trường tài chính toàn cầu; thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài, tạo ra nguồn lực đầu tư mới, thúc đẩy nguồn lực đầu tư hiện hữu; tận dụng cơ hội dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế. Đồng thời thúc đẩy phát triển thị trường tài chính Việt Nam hiệu quả, bắt kịp chuẩn mực quốc tế; góp phần phát triển bền vững kinh tế đất nước, nâng cao vai trò, vị thế, uy tín và ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế. Từ đó, bảo đảm quốc phòng an ninh, nhất là trong trong lĩnh vực tài chính từ sớm, từ xa và góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập và hoạt động của Trung tâm tài chính tại Việt Nam theo 03 nhóm chính sách gồm: thành lập Trung tâm tài chính và các cơ quan thuộc Trung tâm tài chính (gồm: Ủy ban quản lý điều hành, Ủy ban giám sát tài chính; Trung tâm trọng tài quốc tế); các chính sách áp dụng đối với Trung tâm tài chính; chính sách quản lý nhà nước đối với Trung tâm tài chính.
Cơ chế, chính sách vượt trội nhưng cũng phải được kiểm soát, giám sát chặt chẽ
Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đã cho ý kiến về 03 nhóm chính sách được đề xuất. Đối với chính sách về tài sản mã hoá, theo đại diện Ngân hàng, dù dự thảo Nghị quyết có những quy định vượt trội so quy định hiện hành nhưng các khái niệm được sử dụng trong dự thảo phải thống nhất với hệ thống pháp luật. Vì vậy, đồng chí đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát các khái niệm về tài sản mã hoá trong dự thảo Nghị quyết với quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan như Luật Công nghiệp công nghệ số.
 

Đại diện Ngân hàng nhà nước.

Về tỷ lệ sở hữu nước ngoài và điều kiện đầu tư nước ngoài đối với việc cung cấp dịch vụ trong Trung tâm tài chính, đồng chí cho biết các quy định này liên quan trực tiếp đến các cam kết thương mại và đầu tư của Việt Nam. Do đó, việc dự thảo Nghị quyết quy định không áp dụng hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài và điều kiện đầu tư nước ngoài tại Trung tâm tài chính cần được rà soát thêm để hạn chế rủi ro vi phạm các nghĩa vụ trong các hiệp định thương mại, hiệp định bảo hộ đầu tư của Việt Nam.
Ngoài ra, đồng chí cũng đề xuất cần điều chỉnh lại thời điểm hình thành, triển khai mô hình ngân hàng số từ các ngân hàng thương mại để đồng bộ giữa đầu tư hạ tầng và vận hành.
Về thời điểm thành lập sàn giao dịch chuyên biệt, giao dịch bằng tài sản mã hoá, tiền mã hoá trong Trung tâm tài chính…, đại diện Bộ Tài chính đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá thêm về thực tiễn và khả năng hoàn thiện pháp lý liên quan để xây dựng lộ trình thực hiện phù hợp. Bên cạnh đó, đồng chí nhất trí phải có cơ chế ưu đãi vượt trội về thuế, phí cho Trung tâm tài chính; tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính để xác định mức ưu đãi theo định hướng của Đảng, Nhà nước và phù hợp với quy định về thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp.
 

Đại diện Bộ Tài chính.

Đối với việc quản lý nhà nước đối với Trung tâm tài chính quốc tế, đồng chí cho rằng, nên quy định theo hướng Chính phủ quản lý thống nhất về hoạt động của Trung tâm tài chính quốc tế; các bộ, ngành, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, sẽ thực hiện các hoạt động quản lý cụ thể.
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh nhất trí việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập và hoạt động của Trung tâm tài chính tại Việt Nam là cần thiết. Đồng thời nhấn mạnh, dự thảo Nghị quyết này phải xây dựng được các cơ chế, chính sách vượt trội, nâng cao tính cạnh tranh nhưng cũng phải được kiểm soát, giám sát chặt chẽ.
Đối với dự thảo Tờ trình, Thứ trưởng yêu cầu tập trung làm rõ vị trí, vai trò của Trung tâm tài chính đối với một nền kinh tế và so sánh với kinh nghiệm của các quốc gia đang phát triển khác.
 

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu tại phiên họp.

Về nội dung chính sách, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định; đồng thời làm rõ nội hàm của từng nhóm chính sách đang dự kiến xây dựng. Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng cho ý kiến cụ thể về: tổ chức, cơ cấu của Trung tâm tài chính; cơ chế giải quyết tối giản, thuận lợi, tiếp cận với quốc tế; bộ máy điều hành, cách thức giám sát, quản lý nhà nước (tiền kiểm hay hậu kiểm, cái gì quản lý gián tiếp, cái gì quản lý trực tiếp); cơ chế thu thập thông tin; cơ chế thí điểm đột phá; cách thức hạn chế rủi ro…
Ngoài ra, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo xây dựng dự thảo Nghị quyết theo hướng tập trung quy định các nội dung mang tính nguyên tắc, chính sách khung, thuộc thẩm quyền Quốc hội; còn các nội dung chi tiết giao các bộ, ngành liên quan quy định để kịp thời đáp ứng nhu cầu thực tế; đồng thời, lưu ý cơ quan chủ trì soạn thảo về quy trình soạn thảo. Để hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục phối hợp, tham vấn với Ủy ban Kinh tế và Tài chính, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội.
Anh Thư - Trung tâm Thông tin