"Nhiều việc phải làm ngay để triển khai hiệu quả Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi)”

19/02/2025
"Nhiều việc phải làm ngay để triển khai hiệu quả Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi)”
Một trong những ưu điểm của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua là điều khoản chuyển tiếp quy định tại Điều 72, bảo đảm để các cơ quan đã và sắp trình các dự án Luật, Nghị quyết không bị động về thời gian, hồ sơ trình… khi Luật sửa đổi có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2025
Chiều 19/2, trao đổi nhanh về Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi) vừa được Quốc hội (QH) thông qua sáng 19/2 với tỉ lệ tán thành rất cao, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, có nhiều việc mà Bộ Tư pháp và các cơ quan chức năng cần phải triển khai ngay để kịp thời hạn Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2025, trong đó có việc xây dựng Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ban hành VBQPPL.
Đáng lưu ý, theo Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh, một trong những ưu điểm của Luật Ban hành VBQPPL sửa đổi vừa được thông qua là điều khoản chuyển tiếp quy định tại Điều 72, bảo đảm để các cơ quan đã và sắp trình các dự án Luật, Nghị quyết không bị động về thời gian, hồ sơ trình… khi Luật sửa đổi có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2025.
Theo đó, Điều 72 Luật Ban hành VBQPPL năm 2025 nêu rõ: Dự án luật, nghị quyết đã có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 trước ngày Luật này được thông qua thì việc soạn thảo, trình, xem xét, cho ý kiến và thông qua được thực hiện theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL số 80/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 63/2020/QH14 ( Luật cũ – PV)
Dự án luật, nghị quyết QH, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 (Chương trình lập pháp năm 2025) kể từ ngày Luật này được thông qua thì việc xây dựng, ban hành được thực hiện theo quy định của Luật này (Luật sửa đổi – PV)
Dự thảo VBQPPL không phải là luật, nghị quyết của QH, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH đã được thẩm định hoặc trình cơ quan có thẩm quyền trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định của Luật Ban hành VBQPPL số 80/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 63/2020/QH14.
Quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước được ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục có hiệu lực cho đến khi có văn bản bãi bỏ hoặc thay thế bằng VBQPPL khác hoặc bị bãi bỏ bằng văn bản của cơ quan, người có thẩm quyền.
Nghị quyết của HĐND, quyết định của UBND cấp xã được ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục có hiệu lực cho đến khi có văn bản bãi bỏ hoặc bị bãi bỏ bằng văn bản của cơ quan, người có thẩm quyền.
Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh cũng cho biết, dù Luật Ban hành VBQPPL sửa đổi đã dự liệu, quy định kín kẽ các vấn đề liên quan đến đổi mới tư duy xây dựng pháp luật nhưng trong thời gian tới, Bộ Tư pháp và các cơ quan chức năng cũng cần tổ chức tuyên truyền, quán triệt các điểm mới của Luật, đặc biệt là những quy định liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu, vai trò của pháp chế các Bộ, ngành đối với công tác xây dựng pháp luật.

 
Sáng 19/2, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, với 459/461 (tương đương 96,03%) đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi).
Theo Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi), tham vấn chính sách là việc trao đổi trực tiếp giữa cơ quan lập đề xuất chính sách với cơ quan, tổ chức, cá nhân được tham vấn theo quy định của Luật này nhằm lựa chọn giải pháp, hoàn thiện chính sách của dự án luật, nghị quyết của QH, pháp lệnh của UBTVQH. Cơ quan lập đề xuất chính sách, cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ và công khai việc tiếp thu, giải trình ý kiến phản biện xã hội, tham vấn chính sách, góp ý chính sách, dự thảo VBQPPL.

Ngoài ra, cơ quan lập đề xuất chính sách có trách nhiệm xây dựng văn bản về kết quả tham vấn chính sách trong đó phải nêu rõ quan điểm của cơ quan, tổ chức, cá nhân được tham vấn. Cơ quan lập đề xuất chính sách, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm định, cơ quan thẩm tra, cơ quan được tham vấn chính sách có quyền thuê chuyên gia, tổ chức điều tra, khảo sát thực tế, hội thảo, tọa đàm, đánh giá tác động chính sách để hỗ trợ, nâng cao chất lượng xây dựng chính sách, tham vấn, soạn thảo, thẩm định, thẩm tra.
Quang Minh