Quy trình xây dựng pháp luật phải bảo đảm chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả

12/01/2025
Quy trình xây dựng pháp luật phải bảo đảm chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả
Ngày 12/01, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) (sửa đổi). Chủ tịch Hội đồng thẩm định dự án Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh chủ trì phiên họp. Tham dự phiên họp có Trưởng Ban Soạn thảo dự án Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh. Tham dự phiên họp còn có các thành viên Hội đồng thẩm định là đại diện các bộ, ngành có liên quan và đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.
Dự án Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi) giảm 9 chương, 104 điều so với Luật Ban hành VBQPPL năm 2015
Báo cáo tại phiên họp, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Trần Anh Đức cho biết, với tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, phân định rõ thẩm quyền lập pháp và lập quy, luật chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội, dự thảo Luật quy định ngắn gọn theo hướng: 
Chỉ quy định chi tiết trong dự thảo Luật này trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành VBQPPL của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Đối với các VBQPPL liên tịch, VBQPPL của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chính quyền địa phương, dự thảo Luật chỉ quy định nguyên tắc, loại hình VBQPPL mà các chủ thể được phép ban hành và giao Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định chi tiết trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành nghị quyết liên tịch, thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, thông tư của Tổng Kiểm toán nhà nước; Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành VBQPPL của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thông tư liên tịch và VBQPPL của chính quyền địa phương.
 
Trưởng Ban Soạn thảo dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi)Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh phát biểu tại phiên họp.

Trên cơ sở đó, bố cục của dự thảo Luật gồm 8 chương, 69 điều (giảm 9 chương, 104 điều so với Luật Ban hành VBQPPL năm 2015), cụ thể như sau:
Chương I. Những quy định chung (gồm 09 điều, từ Điều 1 - 9). 
Chương II. Thẩm quyền ban hành, nội dung VBQPPL (gồm 13 điều, từ Điều 10 - 22). 
Chương III. Xây dựng, ban hành VBQPPL của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (gồm 23 điều, từ Điều 22 - 44). 
Chương IV. Xây dựng, ban hành VBQPPL khác (gồm 03 điều, từ Điều 45 - 47). 
Chương V. Xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn (gồm 02 điều, từ Điều 48 - 49).
Chương VI. Hiệu lực và nguyên tắc áp dụng VBQPPL (gồm 06 điều từ Điều 50 - 55). 
Chương VII. Tổ chức thi hành VBQPPL (gồm 09 điều, từ Điều 56 - 64). 
Chương VIII. Trách nhiệm và nguồn lực thi hành (gồm 05 điều từ Điều 65 - 69).


Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Trần Anh Đức báo cáo tại phiên họp.
 
07 vấn đề đổi mới quan trọng, mang tính đột phá về quy trình xây dựng pháp luật 
Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi) đã thể chế hóa các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; bám sát các chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ về việc đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Trong đó, Luật (sửa đổi) đã bám sát, cụ thể hóa ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị đối với Đề án đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật bảo đảm chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả do Đảng đoàn Quốc hội trình. Cụ thể, có 06 nội dung về việc đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật bảo đảm chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả (theo Công văn số 12918-CV/VPTW ngày 06/01/2025 của Văn phòng Trung ương Đảng) như sau: (i) về chủ thể quyết định Chương trình lập pháp hằng năm: chuyển thẩm quyền quyết định Chương trình lập pháp hằng năm từ Quốc hội sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện phương án này trên cơ sở phát huy ưu điểm, khắc phục những hạn chế của các phương án khác nêu trong Đề án; (ii) bổ sung nghị quyết của Chính phủ là VBQPPL; (iii) Chính phủ và cơ quan trình dự án luật chịu trách nhiệm đến cùng đối với dự án luật do cơ quan mình trình; (iv) tách quy trình chính sách ra khỏi quy trình lập dự kiến Chương trình lập pháp; phân định rõ quy trình chính sách và quy trình soạn thảo (quy phạm hóa chính sách); Chính phủ quyết định chính sách, Quốc hội quyết định dự thảo luật; (v) tăng cường xây dựng các đạo luật đa ngành, đạo luật ngắn gọn, giải quyết vấn đề cụ thể của thực tiễn như kinh nghiệm của một số nước trên thế giới; (vi) quy định rõ Bộ Chính trị cho ý kiến đối với chính sách trong đề nghị xây dựng một số dự án luật lớn, quan trọng; cho ý kiến đối với một số vấn đề lớn, quan trọng còn ý kiến khác nhau của một số dự án luật trong quá trình soạn thảo.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã cụ thể hóa 03 chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 22/9/2024 về phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 9/2024, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 
Trên cơ sở đó, dự thảo Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi) gồm 07 vấn đề đổi mới quan trọng, mang tính đột phá về quy trình xây dựng pháp luật như: Tiếp tục đơn giản hóa hệ thống VBQPPL; tăng cường kiểm soát quyền lực trong xây dựng và thi hành pháp luật; phân định rõ thẩm quyền lập pháp và lập quy; bổ sung hình thức nghị quyết quy phạm của Chính phủ; đổi mới việc xây dựng Chương trình lập pháp của Quốc hội; đổi mới quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL; quy định việc chịu trách nhiệm đến cùng của các cơ quan trình dự án luật; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan trong quá trình xây dựng, ban hành VBQPPL; giải thích áp dụng VBQPPL.
Qua đó, Trưởng Ban Soạn thảo dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh đề nghị các đại biểu tham dự phiên họp tập trung trao đổi, thảo luận, góp ý về các nội dung chính, nội dung quan trọng, trọng tâm để nhanh chóng hoàn thiện dự thảo Luật .


Đồng chí Nguyễn Hoàng Giang, đại diện Vụ Pháp luật, Văn phòng Quốc hội phát biểu tại phiên họp.
 
Đổi mới và hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật bảo đảm chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả 
Phát biểu tại phiên họp, các đại biểu đã góp ý về một số vấn đề liên quan đến nội dung dự thảo Luật. Trong đó, đồng chí Nguyễn Hoàng Giang, đại diện Vụ Pháp luật, Văn phòng Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, bám sát Đề án đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật bảo đảm chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả của Đảng đoàn Quốc hội. Đồng chí đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc bỏ nghị quyết thí điểm của Chính phủ mà chỉ quy định chung là nghị quyết của Chính phủ; xem xét, nghiên cứu, quy định chi tiết hơn một số nội dung liên quan tới chương trình lập pháp hàng năm của Quốc hội và hệ thống lập pháp nhiệm kỳ hàng năm...


Đồng chí Trần Việt Đức, đại diện Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ phát biểu tại phiên họp.
 
Đồng chí Trần Việt Đức, đại diện Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ cho rằng, Điều 66 dự thảo Luật quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng, ban hành và tổ chức thi hành VBQPPL; tuy nhiên một số nội dung liên quan đến vấn đề trách nhiệm đã được quy định cụ thể tại các VBQPPL khác nên không nhất thiết phải đưa vào Luật (sửa đổi). Về phân định thẩm quyền lập pháp và lập quy, đồng chí đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát lại Điều 46 dự thảo Luật (sửa đổi) bảo đảm thống nhất tên điều và nội dung; tiếp tục rà soát, đảm bảo Luật (sửa đổi) thống nhất với một số chủ trương, văn bản hiện hành của Đảng...


Chủ tịch Hội đồng thẩm định, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh phát biểu kết luận phiên họp.
 
Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch Hội đồng thẩm định, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đánh giá cao chất lượng hồ sơ dự thảo Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi); đồng thời ghi nhận các ý kiến tâm huyết, thực chất của thành viên Hội đồng. Thứ trưởng đánh giá, dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) đã phù hợp với 03 chính sách Chính phủ đã thông qua, đảm bảo tính hợp hiến, tính hợp pháp. Bên cạnh đó, dự thảo Luật (sửa đổi) sẽ giúp Chính phủ linh hoạt, thuận lợi hơn trong việc ban hành VBQPPL, từ đó có thể kịp thời xử lý các vấn đề vướng mắc phát sinh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát thêm để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật khác, đặc biệt là các luật đang soạn thảo, trình Quốc hội trong thời gian tới. 
Về quy trình xây dựng VBQPPL, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung việc thẩm tra của Quốc hội đối với dự thảo sau khi được tiếp thu, giải trình. Đồng thời, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu nội dung phân cấp, phân quyền tại dự thảo Luật (sửa đổi) để phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng.
Về thẩm định dự án, dự thảo VBQPPL, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung quy định về trách nhiệm của các cơ quan thẩm định trong việc tổ chức hội nghị, hội thảo và nguồn lực thực hiện để hoạt động tham vấn chính sách, phục vụ công tác thẩm định linh hoạt, hiệu quả hơn. Nội dung thẩm định dự án, dự thảo VBQPPL tập trung vào 04 nội dung: xem xét, đánh giá sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; tính hợp hiến, hợp pháp; sự phù hợp, tương thích với các điều ước quốc tế; kỹ thuật soạn thảo văn bản. 
Một số hình ảnh khác tại phiên họp:




N.H - Cổng TTĐT