Sáng 10/01, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị đại biểu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cơ quan Bộ Tư pháp năm 2024.
Tham dự Hội nghị, về phía khách mời có: Đồng chí Phan Thị Hiên, Phó Vụ trưởng Vụ Dân vận các cơ quan nhà nước, Ban Dân vận Trung ương; đồng chí Lê Chí Hướng, Ủy viên Ban Chấp hành, Phó trưởng Ban Tổ chức Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương; đồng chí Trần Thị Kim Anh, Phó Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam cùng đại diện Bộ Nội vụ; Cục An ninh chính trị nội bộ (A03), Bộ Công an; Ban Chính sách pháp luật và quan hệ lao động Công đoàn Viên chức Việt Nam.
Về phía Bộ Tư pháp có: Đồng chí Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Mai Lương Khôi, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Khương Thị Thanh Huyền, Chủ tịch Công đoàn Bộ Tư pháp cùng gần 400 đại biểu là đại diện cho công chức, viên chức, người lao động các đơn vị thuộc Bộ.
Cùng với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, toàn ngành Tư pháp đã đoàn kết, trách nhiệm, nỗ lực vượt qua những khó khăn, tập trung triển khai toàn diện, kịp thời, hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần quan trọng vào các thành tựu chung về phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; cải cách tư pháp; xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Kịp thời đổi mới công tác xây dựng pháp luật theo tư tưởng chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ
Công tác xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) là lĩnh vực được Bộ, ngành Tư pháp xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và dành nhiều thời gian, nguồn lực để tham mưu, cụ thể hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tham gia có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề khó khăn, phức tạp phát sinh, góp phần tháo gỡ vướng mắc kìm hãm sự phát triển, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Đoàn Chủ tịch Hội nghị gồm Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh và Chủ tịch Công đoàn Bộ Tư pháp Khương Thị Thanh Huyền.
Bộ Tư pháp đã kịp thời nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan có liên quan đề xuất các giải pháp đổi mới công tác xây dựng pháp luật theo tư tưởng chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là tập trung triển khai chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về “đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm”; tham mưu Chính phủ tiếp tục dành nhiều thời gian để thảo luận, bàn về công tác pháp luật tại các Phiên họp Chính phủ thường kỳ và 11 Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội thông qua 03 luật, 01 nghị quyết; trình Chính phủ ban hành 06 nghị định; tiếp tục nghiên cứu xây dựng 05 luật để tham mưu Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại các Kỳ họp tiếp theo.
Khẩn trương rà soát, xử lý các vướng mắc, bất cập trong các quy định pháp luật
Công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, bám sát thực tiễn và gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng, ban hành VBQPPL, góp phần bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, khả thi, minh bạch, dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc áp dụng và thực hiện pháp luật, đặc biệt là Bộ đã tham mưu triển khai hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo rà soát và tổ chức thực hiện việc xử lý vướng mắc trong hệ thống pháp luật (trước đây là Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống VBQPPL) nhằm khẩn trương rà soát, xử lý các vướng mắc, bất cập trong các quy định pháp luật để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, cản trở sự phát triển. Năm 2024, Bộ đã tiếp nhận, phân loại, kiểm tra 3.040 văn bản; đồng thời, Bộ Tư pháp cùng với các bộ, ngành hoàn thành và công bố Bộ pháp điển Việt Nam.
Toàn cảnh Hội nghị.
Kết quả THADS năm 2024 đạt mức cao nhất từ trước đến nay
Công tác thi hành án dân sự (THADS), theo dõi thi hành án hành chính (THAHC) đạt được nhiều kết quả nổi bật, như: tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến công tác THADS, THAHC; thể chế THADS tiếp tục được hoàn thiện; phối hợp xây dựng, trình Bộ Chính trị ban hành Quy định số 183-QĐ/TW ngày 18/9/2024 quy định bảo vệ các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực thi công vụ trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; công tác phối hợp với các bộ, ngành và cấp ủy địa phương tiếp tục được thực hiện kịp thời, chặt chẽ, đảm bảo sự chỉ đạo thống nhất từ Trung ương đến địa phương, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thi hành án, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác THADS... Nhờ đó, kết quả THADS năm 2024 đạt mức cao nhất từ trước đến nay, nhất là thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Cụ thể, các cơ quan THADS đã thi hành xong 620.657 việc, tăng 45.838 việc (tăng 7,97% so với cùng kỳ năm 2023); đạt tỉ lệ 83,88% (tăng 0,62% so với cùng kỳ năm 2023), cao hơn 0,63% so với chỉ tiêu được giao. Về tiền: Đã thi hành xong hơn 116.531 tỷ đồng (tăng 30,33% so với cùng kỳ năm 2023); đạt tỉ lệ 51,84% (tăng 5,06% so với cùng kỳ năm 2023), cao hơn 5,39% so với chỉ tiêu được giao. Các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước phải thi hành là 1.973 bản án, quyết định, tăng 559 bản án, quyết định so với năm 2023 (tăng 73,7%); các cơ quan thi hành án đã thi hành xong 896 bản án, quyết định (tăng gần 54% so với năm 2023).
Đồng chí Khương Thị Thanh Huyền, Chủ tịch Công đoàn Bộ Tư pháp.
Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) xếp thứ nhất trong số các bộ, ngành được đánh giá
Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc cho người dân được tăng cường, nhất là thực hiện các dịch vụ công trực tuyến liên thông về khai sinh, khai tử, xác nhận tình trạng hôn nhân; thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID; đăng ký giao dịch bảo đảm trực tuyến; việc sử dụng văn bản điện tử, chữ ký số thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia được thực hiện đồng bộ, mang lại nhiều tiện ích, tiết kiệm thời gian và chi phí. Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) của Bộ Tư pháp xếp thứ nhất trong số các bộ, ngành được đánh giá; việc rà soát, đơn giản hóa TTHC được Lãnh đạo Bộ chỉ đạo quyết liệt. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp tiếp tục tập trung nguồn lực, triển khai toàn diện, đồng bộ và hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 11/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Các mặt công tác khác như hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp, đăng ký giao dịch bảo đảm, bồi thường nhà nước, bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, công tác pháp luật quốc tế, hợp tác quốc tế về pháp luật… đều đạt kết quả đáng ghi nhận.
Đồng chí Lê Tuấn Phong, Phó Chánh Văn phòng Bộ báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết Hội nghị đại biểu cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Bộ Tư pháp.
Thực hiện nghiêm quy chế dân chủ ở cơ sở
Việc thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở được Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ, các đơn vị thuộc Bộ quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc. Qua tổng kết thực hiện QCDC ở cơ sở năm 2024 cho thấy, hầu hết các lĩnh vực công tác của Bộ, ngành đã được điều chỉnh bằng các quy chế, quy định; quyền làm chủ của công chức, viên chức, người lao động được bảo đảm; công chức, viên chức được tham gia, được biết, được giám sát hoạt động của Bộ, ngành trong những vấn đề có liên quan và theo quy định của pháp luật.
Bằng việc thực hành dân chủ tại cơ quan Bộ, các quy định về dân chủ cơ sở đã được tuyên tuyền, quán triệt, phổ biến, góp phần tăng cường nhận thức cho đảng viên, công chức, viên chức; tạo môi trường làm việc dân chủ, cởi mở hơn trong cơ quan Bộ và các đơn vị thuộc Bộ; bảo đảm mỗi công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị được biết và được thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình đối với cơ quan, đơn vị, qua đó tạo động lực thúc đẩy việc thực hiện và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị và của toàn ngành thời gian qua. Phong cách, lề lối làm việc của đội ngũ công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan Bộ, các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục được đổi mới. Tính chuyên nghiệp, thân thiện, hiện đại được thể hiện trong mọi mặt, mọi lĩnh vực, mọi hoạt động công tác của Bộ, ngành. Chất lượng, hiệu quả công tác ngày càng được nâng cao.
Đồng thời, việc thực hành dân chủ với các quy chế, quy định về việc công khai đã góp phần hạn chế tình trạng sai phạm, vi phạm pháp luật có nguyên nhân từ sự mất tập trung, thiếu tính dân chủ tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức; là cơ sở để tạo sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ các tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị hay các tổ chức chính trị - xã hội, làm cho bản thân mỗi tổ chức, bộ máy trong sạch, vững mạnh.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc biểu dương những kết quả Bộ, ngành Tư pháp và từng đơn vị, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc Bộ đã nỗ lực đạt được trong năm 2024 trong cả công tác chuyên môn và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ quan.
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu tại Hội nghị.
Thứ trưởng cho biết, năm 2025 dự báo tình hình quốc tế và trong nước tiếp tục có những thuận lợi đan xe khó khăn, thách thức; Bộ, ngành Tư pháp ngày càng nhận được sự kỳ vọng lớn hơn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, doanh nghiệp, người dân, đặc biệt là chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Trung ương theo Nghị quyết số 18-NQ/TW và những định hướng, chỉ đạo đổi mới về tư duy xây dựng pháp luật của đồng chí Tổng Bí Thư Tô Lâm thời gian gần đây. Năm 2025 cũng là năm có nhiều ngày lễ lớn, trong đó có kỉ niệm 80 năm Ngày Truyền thống ngành Tư pháp. Do vậy, dự kiến là khối lượng công việc với yêu cầu về chất lượng, tiến độ, tính phức tạp cũng như trách nhiệm ngày càng cao. Để thực hiện tốt nhiệm vụ công tác năm 2025, Thứ trưởng yêu cầu từng đồng chí Lãnh đạo các đơn vị và toàn thể cán bộ Bộ Tư pháp cần quan tâm cùng thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Một là, đánh giá đúng, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, ý nghĩa của việc thực hiện dân chủ, chăm lo đời sống cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị mình, động viên, khích lệ, tạo môi trường làm việc thuận lợi cho thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, cống hiến. Phát huy hết khả năng, sự nhiệt huyết, trách nhiệm của từng cán bộ. Coi cán bộ của mình là nguồn lực quan trọng nhất để tổ chức hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra. Đồng thời, cần rà soát lại, hoàn thiện quy chế dân chủ của đơn vị và tổ chức thực hiện đúng gắn với việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 và văn bản hướng dẫn thi hành để có các giải pháp hiệu quả thực hiện tốt hơn. Tiếp tục lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của cán bộ. Bảo đảm những quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được giải quyết đúng pháp luật.
Hai là, có giải pháp hiệu quả để nắm bắt kịp thời, chính xác việc thực hiện quy chế dân chủ tại các đơn vị và Bộ, không đợi tới cuối năm. Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ Bộ Tư pháp tăng cường kiểm tra trong năm 2025 và các năm tiếp theo. Thường xuyên cập nhật, báo cáo Lãnh đạo Bộ việc thực hiện Nghị quyết.
Ba là, do việc thực hiện sắp xếp tổ chức, bộ máy gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ có tác động lớn tới cán bộ Bộ Tư pháp, Ban cán sự đảng, Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ và lãnh đạo từng đơn vị cần quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt, bảo đảm dân chủ, công khai, công bằng và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho cán bộ bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, Thứ trưởng yêu cầu Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với Văn phòng Bộ tổng hợp các ý kiến liên quan đến Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ để có tham mưu kịp thời; quan tâm, nắm bắt và giải quyết tốt hơn nguyện vọng của công chức, viên chức, người lao động, đặc biệt là công chức, viên chức, người lao động trẻ; nghiên cứu việc đưa công chức, viên chức, người lao động đi cơ sở…
Tại Hội nghị, Lãnh đạo Bộ và Lãnh đạo Công đoàn Viên chức Việt Nam đã trao: Cờ thi đua của Chính phủ; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức công đoàn”; Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Công đoàn Viên chức Việt Nam vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua xây dựng cơ quan, tổ chức công đoàn vững mạnh và phong trào giỏi việc nước đảm việc nhà; giải thưởng “Gương mặt của năm” cho các tập thể, cá nhân.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh và Chủ tịch Công đoàn Bộ Tư pháp Khương Thị Thanh Huyền ký kết Giao ước thi đua giữa Bộ Tư pháp và Công đoàn Bộ Tư pháp .
Một số hình ảnh khác:
Anh Thư - Trung tâm Thông tin