Chiều ngày 08/01, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi chủ trì Hội nghị triển khai công tác Bổ trợ Tư pháp năm 2025. Tham dự Hội nghị có Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp Lê Xuân Hồng; Phó Cục trưởng: Đặng Kim Hoa, Đoàn Văn Hường, Lê Văn Tuấn, Nguyễn Tấn Cường cùng công chức, người lao động thuộc Cục.
Việc phát triển các nghề tư pháp ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân
Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Lê Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp cho biết, năm 2024 Cục đã triển khai hiệu quả Kế hoạch công tác và các nhiệm vụ phát sinh, trong đó: công tác xây dựng thể chế tiếp tục được hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho hoạt động bổ trợ tư pháp. (Năm 2024, Cục đã tập trung trình cấp có thẩm quyền trình Quốc hội thông qua 02 Luật là Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi), Luật Công chứng (sửa đổi) ban hành 01 Nghị định; 03 Thông tư và đang xây dựng, trình cấp có thẩm quyền 02 Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật là Luật luật sư (sửa đổi) và Luật Giám định tư pháp (sửa đổi).
Đồng chí Lê Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp phát biểu tại Hội nghị.
Việc phát triển các nghề tư pháp như luật sư, công chứng, đấu giá tài sản... trong thời gian qua tiếp tục được tăng cường theo định hướng phát triển số lượng đi đôi với tăng cường chất lượng. Điều này đã góp phần làm giảm công việc và chi phí của nhà nước, tăng cường tiếp cận công lý của người dân, bảo đảm an toàn pháp lý và thúc đẩy các giao dịch trong hoạt động kinh tế, dân sự, việc phát triển các nghề mới như thừa phát lại, quản tài viên cũng được quan tâm thực hiện. Tính đến tháng 12/2024 trên cả nước có gần 2.000 luật sư, hơn 3.200 công chứng viên, hơn 1.200 đấu giá viên, hơn 400 thừa phát lại, hơn 700 trọng tài viên và hơn 300 quản tài viên đang hành nghề... Đồng thời, công tác quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp ngày càng đi vào chiều sâu, tiếp tục được tăng cường; bộ máy tổ chức của đơn vị tiếp tục được kiện toàn.
Các đại biểu tham dự Hội nghị.
Trong năm 2025, Cục Bổ trợ Tư pháp tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau: Tiếp tục hoàn thiện thể chế về bổ trợ tư pháp; tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các văn bản trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, nhất là Luật Công chứng năm 2024, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Bên cạnh đó, năm 2025, Cục Bổ trợ Tư pháp cần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp, chấn chỉnh công tác cấp phép; tổ chức kiểm tra, thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt, tăng cường thanh tra đột xuất theo yêu cầu của Lãnh đạo Bộ, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; nâng cao trách nhiệm, vai trò tự quản của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong lĩnh vực luật sư, công chứng.
Các đại biểu phát biểu tại Hội nghị.
Tại Hội nghị, đại diện các cán bộ, công chức của Cục Bổ trợ Tư pháp và đại diện Lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ đã trao đổi, thảo luận về nội dung báo cáo kết quả công tác bổ trợ tư pháp năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm công tác năm 2025. Theo đó, các đại biểu đều ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm, đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau của tập thể Cục Bổ trợ Tư pháp đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn được giao với nhiều kết quả nổi bật.
Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là nhiệm vụ của từng cán bộ, công chức
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Mai Lương Khôi nhất trí với các nhiệm vụ, giải pháp của Cục đã đề ra trong Báo cáo. Trong bối cảnh yêu cầu của Chính phủ, của người dân ngày càng cao đối với ngành Tư pháp, để triển khai tốt nhiệm vụ công tác tư pháp năm 2025, Thứ trưởng đề nghị các đồng chí thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Phát huy tinh thần đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau, tinh thần trách nhiệm và tính sáng tạo của đội ngũ công chức trong thực thi công vụ; duy trì mối quan hệ phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ, các địa phương trong việc thực hiện quản lý nhà nước hoạt động bổ trợ tư pháp; tiếp tục kiện toàn củng cố về tổ chức, góp phần bảo đảm triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu theo hướng nâng cao chất lượng, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ luật sư, công chứng, đấu giá viên...
Thứ trưởng Mai Lương Khôi phát biểu tại Hội nghị.
Tập trung nguồn lực để tham mưu xây dựng, trình Chính phủ, Quốc hội dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư và Luật Giám định tư pháp (sửa đổi) bảo đảm tiến độ, chất lượng; tổ chức triển khai đồng bộ các Luật mới được thông qua, các Nghị định, thông tư mới được ban hành; đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành theo hướng sâu sát, kịp thời hướng mạnh về cơ sở; tiếp tục phát huy hiệu quả các công cụ quản lý, nhất là công tác thanh tra chuyên ngành, công tác kiểm tra, kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật; chủ động trao đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương; xử lý nhanh nhạy các thông tin báo chí trong các lĩnh vực.
Đặc biệt, Thứ trưởng yêu cầu cần tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các lĩnh vực hoạt động và xác định đây là nhiệm vụ của từng cán bộ, công chức, người lao động của Cục Bổ trợ Tư pháp.
Thu Nga